"Nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý"
BHG - Ngày 20.11, có em được bố mẹ cho bó rau cải, bắp ngô vừa luộc mang đến tặng; có em hái những bông hoa dại trên đường đến lớp để tặng thầy, cô… Sự nghiệp “trồng người” nơi đại ngàn đá núi Hà Giang cứ thế diễn ra mỗi ngày với bao kỳ vọng mang ánh sáng tri thức giúp học sinh đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo, thay đổi cuộc sống.
Giờ học tiếng Anh của các em học sinh trường Tiểu học Đồng Văn A. Ảnh: MY LY |
Với điều kiện đặc thù tỉnh miền núi, Hà Giang có nhiều điểm trường ở vùng sâu, vùng xa, biên giới nằm cheo leo bên sườn núi, chưa được xây dựng kiên cố và cách trung tâm xã hàng chục km; không có sóng điện thoại, không có điện lưới, thiếu nước sinh hoạt… khiến cuộc sống của giáo viên cắm bản vô cùng khó khăn. Ai có thể tin, trong thời đại công nghệ 4.0, những giáo viên bám bản phải treo điện thoại trên cành cây để lấy sóng và leo lên cây hay đi bộ cả km đường rừng để thực hiện một cuộc gọi. Bên cạnh đó, nhiều giáo viên phải đối mặt với khó khăn vì bất đồng ngôn ngữ và tình trạng học sinh bỏ lớp. Nếu những giáo viên miền xuôi được nghỉ ngơi trọn vẹn những ngày Hè, thì với giáo viên vùng cao, đầu tháng 8 đã phải có mặt tại trường và bắt đầu hành trình vận động học sinh tới lớp. Thực hiện Đề án chuyển học sinh điểm trường về trường chính của tỉnh, mặc dù số lượng điểm trường đã giảm đáng kể; tuy nhiên vẫn còn trên 2.000 giáo viên đang dạy học tại các điểm trường với điều kiện vô cùng khó khăn.
Nhiều giáo viên ở điểm trường nơi tôi có dịp ghé qua tâm sự: Họ từ miền xuôi lên dạy học, xa chồng, con với khoảng cách hàng trăm km. Những đứa con còn bé bỏng phải gửi ở quê nhà cho ông bà chăm sóc; có người vợ nào không muốn gần chồng, có người mẹ nào muốn phải xa con! Nhiều đêm, trong căn phòng công vụ trống trải, một mình giữa mịt mùng đá núi, chỉ có tiếng côn trùng làm bạn; nhớ chồng, con da diết, khao khát được ôm con vào lòng để vỗ về, chăm sóc mà không được. Nước mắt cứ nghẹn ứa vào trong!
Tại các trường dân tộc nội trú, giáo viên không chỉ dạy chữ mà còn trở thành người mẹ thứ 2, chăm lo cho các em từ học tập, vui chơi đến bữa ăn, giấc ngủ; dạy các em kỹ năng mềm trong cuộc sống; có khi là cắt tóc, gội đầu, may vá áo quần… Khó khăn, vất vả bội phần; ấy vậy mà các thầy, cô vẫn luôn kiên nhẫn, không bỏ cuộc. Vì họ hiểu, nếu họ bỏ cuộc, đồng nghĩa với việc chịu thua đói nghèo.
Hiện nay, toàn tỉnh có trên 19.300 cán bộ quản lý, giảng viên, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục; hầu hết đều đạt chuẩn và trên chuẩn. Những năm qua, ngành Giáo dục luôn quan tâm, chú trọng bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên theo các yêu cầu chuẩn nghề nghiệp. Hàng nghìn cán bộ quản lý, giáo viên được bồi dưỡng lý luận chính trị hàng năm; nhiều giáo viên được cử đi đào tạo trình độ sau đại học; các cấp thường xuyên tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Bên cạnh đó, thực hiện Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo” gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, đội ngũ nhà giáo không ngừng tự học, tự rèn để chiếm lĩnh tri thức khoa học, công nghệ; nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức nhà giáo; qua đó đã xuất hiện nhiều tấm gương nhà giáo vượt khó, được học sinh và nhân dân tin yêu, quý trọng.
Năm học 2018 - 2019, ngành Giáo dục đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo. Tỷ lệ trẻ 5 tuổi đi mẫu giáo đạt 99,8%; huy động trẻ 6 tuổi vào học lớp 1 đạt 99,85%; trẻ từ 6 - 14 tuổi đến trường đạt 99%; tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia đạt 37.6%. Tiếp tục duy trì, giữ vững chuẩn Quốc gia về phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập THCS. Tỷ lệ học sinh khá, giỏi được nâng lên. Thành công ấy ngoài sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, ngành chức năng là sự nỗ lực khắc phục khó khăn, kiên trì bám trường, bám lớp, không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục của đội ngũ cán bộ, giáo viên. Có rất nhiều ca dao, tục ngữ, danh ngôn, tác phẩm văn học, nghệ thuật nói về công lao dạy dỗ của các thầy, cô giáo; họ được ví như những người “chèo đò” thầm lặng, những “kỹ sư tâm hồn”, người truyền ngọn lửa đam mê… Nhưng với những đứa trẻ nơi miền biên ải này, họ là mẹ hiền thứ 2, tần tảo, dịu dàng, kiên trì, yêu nghề, nỗ lực không mệt mỏi để trao cho các con chiếc “chìa khóa” tri thức mở cánh cửa tương lai.
Không thể nói hết những cống hiến, hy sinh của các thầy, cô giáo đối với sự nghiệp “trồng người” nơi mảnh đất biên cương Tổ quốc còn nhiều khó khăn. Xin được kết thúc bài viết bằng tâm sự của một giáo viên ở điểm trường mà tôi đã ghé qua: “Vì yêu nghề, thương người dân, thương học trò nghèo mà ở lại; đó là động lực để chúng tôi vượt qua mọi khó khăn, vất vả trong cuộc sống. Mong cho tương lai tươi sáng gõ cửa nơi này”.
BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc