Hương sắc "vườn ươm" nhân tài Lê Quý Đôn

16:39, 19/11/2019

BHG - Một vĩ nhân từng nói: “Dưới ánh mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”. Bởi lẽ thầy, cô giáo là những kỹ sư tâm hồn tạo nên biết bao thế hệ học trò phong phú về tri thức, trong sáng về tinh thần, lành mạnh về thể chất và giàu có về tình cảm. Dưới mái Trường THCS Lê Quý Đôn (thành phố Hà Giang) cũng vậy; dù mới bước sang năm thứ 5 xây dựng và phát triển nhưng nhà trường đã chứng minh sứ mệnh “ươm” nhân tài trên địa bàn thành phố.

Tiết thực hành Tin học của thầy, trò Trường THCS Lê Quý Đôn.
Tiết thực hành Tin học của thầy, trò Trường THCS Lê Quý Đôn.

Năm 2014, Trường THCS Lê Quý Đôn được thành lập; sau 5 năm, cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục của nhà trường không ngừng nâng cao. Đến nay, nhà trường có 8 phòng học kiên cố, 5 phòng học bộ môn, 1 phòng vi tính, nhà hiệu bộ, các công trình vệ sinh, nhà để xe của giáo viên, học sinh, sân chơi đảm bảo theo yêu cầu giáo dục… Vượt lên những khó khăn của buổi đầu thành lập, Ban Giám hiệu nhà trường đã triển khai nhiều giải pháp cải tiến trong công tác quản lý, chỉ đạo cán bộ, giáo viên, nhân viên thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao. Trong đó, xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp đổi mới giáo dục phổ thông theo mục tiêu phát triển năng lực và phẩm chất học sinh; nâng cao kỹ năng ngoại ngữ, tin học; rèn luyện năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn; phát triển năng lực sáng tạo và tự học cho học sinh.

Học sinh lớp 7A2 tham gia Hội thi Văn nghệ chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam do nhà trường tổ chức.                                 Ảnh: THU PHƯƠNG
Học sinh lớp 7A2 tham gia Hội thi Văn nghệ chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam do nhà trường tổ chức. 

Bên cạnh đó, nhà trường còn đổi mới phương pháp dạy học gắn với đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục. Trên cơ sở này, giáo viên chủ động kết hợp hài hòa giữa kiểm tra bằng hình thức tự luận với trắc nghiệm khách quan. Thực hiện nghiêm việc xây dựng ma trận đề kiểm tra cho mỗi chương và cả chương trình môn học; biên soạn đề theo hướng tăng cường khả năng thông hiểu và vận dụng, đảm bảo mức độ nhận biết; quan tâm, theo dõi sự tiến bộ của học sinh sau mỗi kỳ, mỗi năm học. Đặc biệt, việc chỉ đạo tổ chức kiểm tra học kỳ I, cuối năm học, thi chọn học sinh giỏi; đánh giá xếp loại giáo viên, học sinh được nhà trường thực hiện chính xác, công bằng, khách quan; đảm bảo kết quả kiểm tra, đánh giá thực chất, phản ánh đúng năng lực theo định hướng phát triển học sinh. Không những vậy, nhà trường còn tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; vừa đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng kết hợp nâng cao kiến thức cho học sinh ngay trong các tiết dạy buổi sáng; vừa thực hiện chương trình chuyên đề chuyên sâu, mở rộng phù hợp với từng đối tượng học sinh - Hiệu trưởng nhà trường, cô Hoàng Thị Quê chia sẻ.

Thực tế chứng minh, bằng sự tận tâm, nhiệt huyết, trách nhiệm của Ban Giám hiệu, tập thể giáo viên, nhân viên nhà trường đối với sự nghiệp “trồng người”, Trường THCS Lê Quý Đôn đã vươn lên vị trí cơ sở giáo dục hàng đầu của thành phố về chất lượng; trở thành địa chỉ giáo dục uy tín cho các bậc phụ huynh trao gửi con em. Thành quả miệt mài lao động của họ chính là kết quả học tập, rèn luyện đạo đức ấn tượng của bao thế hệ học trò. Qua các năm học, số học sinh xếp học lực giỏi chiếm từ 38,6 – 49,81%; có năm học, nhà trường không có học sinh xếp học lực trung bình, yếu. Đặc biệt hơn, qua các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh; danh sách giành giải, chiếm giải cao, nhà trường đều vinh dự đứng tốp đầu. Đến nay, nhà trường có 684 giải học sinh giỏi cấp tỉnh, 52 giải cấp Quốc gia dự thi các môn văn hóa, giải Toán trên Internet, Olympic tiếng Anh, Vật lý, Tin học…

Để có được thành quả trên, dưới mái Trường THCS Lê Quý Đôn; thầy, cô không chỉ là những tấm gương sáng về đạo đức mà còn là “khuôn vàng, thước ngọc” để rèn rũa nhân tài. Từ năm học 2016 – 2017 đến nay, 100% giáo viên đều đạt giáo viên giỏi cấp trường; 12,1% giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; hàng năm, nhà trường có từ 7 – 8 sáng kiến kinh nghiệm cấp thành phố. Tiêu biểu trong đó: Cô giáo Hoàng Thị Quê – Hiệu trưởng nhà trường vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia. Nhiều sáng kiến kinh nghiệm của cô được áp dụng hiệu quả trong thực tiễn, như: Các giải pháp trong công tác quản lý, chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ở Trường THCS Lê Quý Đôn… Còn thầy giáo Nguyễn Quang Uy đã đào tạo, bồi dưỡng nhiều thế hệ học sinh giành giải thưởng cao qua các kỳ thi chọn học sinh giỏi môn Tin học cấp tỉnh, thành phố. Trong những năm học gần đây, 2 học trò của thầy Uy còn là đại diện duy nhất của tỉnh giành giải Khuyến khích Cuộc thi Tin học trẻ cấp Quốc gia. Riêng cô giáo Hoàng Thị Mỹ Chung được nhiều học trò, đồng nghiệp mến phục… Kể từ khi nhà trường được thành lập đến nay, cô đã dày công ôn luyện giúp nhiều học sinh lớp 9 giành giải Nhất, được vinh danh học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố môn Ngữ văn. Đặc biệt, học sinh giỏi cấp tỉnh của cô đều là thủ khoa chuyên Văn khi thi đậu vào Trường THPT Chuyên Hà Giang…

Năm tháng đi qua, dưới mái Trường THCS Lê Quý Đôn có biết bao “chuyến đò” vượt sóng cả cập bến tri thức trong tình yêu thương vô bờ bến của thầy, cô giáo. Xin dành những lời thơ của Giáo sư, Viện sĩ Đinh Văn Nhã để tôn vinh thầy, cô – người đang mang trong trái tim, huyết quản của mình nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý: “Có một nghề mà bụi phấn bám đầy tay/ Người ta bảo đó là nghề trong sạch nhất/ Có một nghề không trồng cây trên đất/ Mà mang lại cho đời đầy trái ngọt, hoa tươi!”.

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

"Gieo chữ" ở Thèn Chu Phìn

BHG - Xã biên giới Thèn Chu Phìn cách trung tâm huyện Hoàng Su Phì 14 km. Với đặc thù địa hình phức tạp, điều kiện khí hậu khắc nghiệt nên cuộc sống của người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, cấp ủy, chính quyền xã đang nỗ lực tìm giải pháp đưa KT – XH địa phương phát triển; cùng với đó, các thầy, cô giáo quyết tâm bám lớp, bám trường "gieo mầm" tri thức, góp phần nâng cao dân trí với ước nguyện chung tay xây dựng mảnh đất biên cương ngày càng giàu đẹp, ấm no.

 

19/11/2019
"Nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý"

BHG - Ngày 20.11, có em được bố mẹ cho bó rau cải, bắp ngô vừa luộc mang đến tặng; có em hái những bông hoa dại trên đường đến lớp để tặng thầy, cô… Sự nghiệp "trồng người" nơi đại ngàn đá núi Hà Giang cứ thế diễn ra mỗi ngày với bao kỳ vọng mang ánh sáng tri thức giúp học sinh đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo, thay đổi cuộc sống.

 

19/11/2019
Bắc Mê sơ kết thực hiện Thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch vùng

BHG - Sáng 18.11, tại hội trường trung tâm, huyện Bắc Mê đăng cai tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch (DL) vùng năm 2019. Dự hội nghị có đồng chí Bùi Văn Tuân, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy; lãnh đạo các huyện Lâm Bình, Na Hang (Tuyên Quang); Ba Bể, Pac Nặm (Bắc Kạn); lãnh đạo Ban dân tộc HĐND tỉnh, Sở VHTT&DL...

 

18/11/2019
Lễ hội đua mảng huyện Bắc Mê lần thứ V năm 2019

BHG - Chiều 17.11, huyện Bắc Mê tổ chức Lễ hội đua mảng trên sông Gâm lần thứ V, năm 2019. Dự buổi lễ có đồng chí: Bùi Văn Tuân, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Bắc Mê; đại diện lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh; lãnh đạo các huyện Lâm Bình, Na Hang (Tuyên Quang) và huyện Quang Bình cùng đông đảo nhân dân trên địa bàn.

17/11/2019