"Gieo chữ" ở Thèn Chu Phìn
BHG - Xã biên giới Thèn Chu Phìn cách trung tâm huyện Hoàng Su Phì 14 km. Với đặc thù địa hình phức tạp, điều kiện khí hậu khắc nghiệt nên cuộc sống của người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, cấp ủy, chính quyền xã đang nỗ lực tìm giải pháp đưa KT – XH địa phương phát triển; cùng với đó, các thầy, cô giáo quyết tâm bám lớp, bám trường “gieo mầm” tri thức, góp phần nâng cao dân trí với ước nguyện chung tay xây dựng mảnh đất biên cương ngày càng giàu đẹp, ấm no.
Với sự chung tay của xã hội, cơ sở vật chất nhà trường ngày càng hoàn thiện. |
Ẩn mình dưới bạt ngàn núi non, Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Thèn Chu Phìn thật bình dị, mộc mạc với tiếng nói cười ríu rít của các em nhỏ cùng tiếng giảng bài trầm ấm của thầy, cô giáo vang lên giữa bốn bề núi đá. Đón chúng tôi với cái bắt tay thật chặt, thầy Nguyễn Đình Bính, Hiệu trưởng nhà trường ngậm ngùi kể về hành trình “gieo chữ” đầy gian nan của các thầy, cô giáo nơi đây.
Là xã có điều kiện KT – XH đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 56%, gồm 2 dân tộc Mông và Nùng. Do cuộc sống khó khăn và trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế, nên trước đây phụ huynh ít chú trọng đến việc học của con em, nhiều học sinh thường bỏ học giữa chừng để phụ giúp gia đình. Đặc biệt, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tình trạng học sinh bỏ học thường tăng cao do một số hủ tục của đồng bào như tảo hôn, kéo vợ.
Cán bộ cấp dưỡng nhà trường chuẩn bị bữa ăn cho học sinh bán trú. |
Để nâng cao tỷ lệ chuyên cần, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học, nhà trường đã phân công giáo viên, thành lập các tổ phối hợp cùng các cấp chính quyền từ xã đến thôn trực tiếp xuống từng hộ để tuyên truyền, vận động phụ huynh cho con em đến trường. Bên cạnh đó, việc chăm lo bữa ăn bán trú đảm bảo dinh dưỡng cho học sinh cũng giúp cho phụ huynh yên tâm, tin tưởng hơn khi gửi gắm con em. Nhờ đó, những năm học gần đây, tình trạng học sinh bỏ học giảm đáng kể, tỷ lệ duy trì sỹ số của nhà trường luôn đạt trên 95%.
Với hơn 3 năm gắn bó ở điểm trường Lùng Chin Thượng, thầy giáo Vương Văn Tuyên không nhớ nổi đôi chân đã đi hết bao quãng đường để đưa “con chữ” đến với các em nhỏ. Từ trung tâm xã đến điểm trường chỉ hơn 7 cây số mà trời nắng đi xe máy cũng mất gần 1 tiếng, còn trời mưa chỉ có cách cuốc bộ. Nhưng con đường đất đá lởm chởm ấy cùng bao ngày nắng mưa, giông bão cũng không ngăn nổi lòng yêu nghề, mến trẻ của thầy. Vào những ngày sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán hay chuẩn bị năm học mới, thầy Tuyên lại trèo đèo, lội suối đến những gia đình có con bỏ học để vận động các em quay lại trường. “Khó khăn là vậy, nhưng khi thấy các em đi học đầy đủ và tiến bộ từng ngày là tôi lại quên hết mệt mỏi” – thầy Tuyên chia sẻ.
Lời tâm sự của thầy Tuyên cũng là niềm mong mỏi của những người thầy, người cô đã luôn nỗ lực vượt khó để “ươm mầm con chữ” ở mảnh đất biên cương Thèn Chu Phìn. Và may mắn thay, trên hành trình “gieo chữ” ấy đã có sự vào cuộc của các cấp chính quyền cùng sự chung tay của toàn xã hội. Nét mặt thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đình Bính bỗng ánh lên niềm vui khi nhắc đến ngôi nhà sàn bán trú cho học sinh của nhà trường. Với tổng kinh phí trên 600 triệu đồng, từ sự đóng góp của Nhóm thiện nguyện Ong Chăm (Hà Nội) và nguồn xã hội hóa của địa phương, ngôi nhà sàn bán trú đa năng được hoàn thiện, đưa vào sử dụng từ năm 2018 đã giúp giải quyết chỗ ăn, ở cho học sinh.
Không chỉ dạy chữ, các thầy, cô giáo nơi đây còn chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ cho học sinh như những người cha, người mẹ thứ hai. Vậy mới nói, hành trình “gieo chữ” nơi vùng đất khó với biết bao gian nan, gập ghềnh như một phép thử với lòng nhiệt huyết và tình yêu nghề của những “người lái đò”. Các thầy, cô giáo Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Thèn Chu Phìn đã vượt qua phép thử ấy bằng sự kiên trì, nhẫn nại và tình yêu thương vô bờ bến dành cho học sinh.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc