Dịu dàng Tam giác mạch
BHG - Bỏ lại sau lưng những ồn ào phố thị, những ngày đầu Đông, du khách ngược lên Cao nguyên đá Đồng Văn để đắm mình trong cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng; nơi những cánh hoa Tam giác mạch dịu dàng, mỏng manh, quyến rũ, mê đắm lòng người bắt đầu bung nở.
Du khách bên hoa Tam giác mạch. Ảnh: TIẾN LÂM |
Những ngày này, tiết trời Cao nguyên đá Đồng Văn bắt đầu se lạnh; bắp ngô đã được gùi về nhà, trên nương những rạ ngô phơi khô chụm lại như những đụn nấm khổng lồ. Giữa lô nhô núi đá tai mèo xám xịt, sắc nhọn như thạch trận có loài hoa nhỏ bé phơn phớt hồng đang vươn lên mạnh mẽ khắp sườn núi.
Xưa kia, khi nàng Tiên gạo, Tiên ngô xuống hạ giới gieo hạt, vỏ trấu, mày ngô không biết để làm gì nên rải vào khe núi. Lúa, ngô lớn lên cho hạt, người dân lấy về ăn. Những năm mất mùa, hạt lúa, ngô trong nhà hết, cái đói bao trùm bản làng; người dân đi khắp rừng núi tìm lương thực; họ tìm thấy nơi khe núi bạt ngàn hoa, cây thân thảo mộc, lá hình tam giác, hạt của hoa ăn ngon như ngô, như lúa khiến cái bụng dân bản được no và cái danh xưng Tam giác mạch ra đời từ đó. Sự kỳ diệu của loài hoa nhỏ bé này là màu hoa biến đổi theo từng giai đoạn, bắt đầu trắng tinh khôi, rồi chuyển hồng nhạt, hồng tím và đỏ sẫm. Hạt Tam giác mạch được dùng để nấu rượu, làm bánh.
Những năm gần đây, du lịch Hà Giang có bước phát triển mạnh mẽ, lữ khách đến với Cao nguyên đá ngày càng đông; hoa Tam giác mạch lại mang trên mình một trọng trách mới. Từ loài cây thảo mộc được trồng tự phát để làm thức ăn mùa giáp hạt, phục vụ chăn nuôi, nay Tam giác mạch đã trở thành “cây du lịch”. Để tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo và phát huy vẻ đẹp của loài hoa diệu kỳ này, tỉnh đã tổ chức thường niên Lễ hội Hoa Tam giác mạch với nhiều hoạt động trải nghiệm hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách. Năm nay, 4 huyện vùng Cao nguyên đá triển khai trồng gần 1.000 ha Tam giác mạch; tập trung tại các điểm như: Bãi đá Thạch Sơn Thần, xã Quyết Tiến (Quản Bạ); những cánh đồng hoa Tam giác mạch dọc Quốc lộ 4C; xã Lao Và Chải (Yên Minh); Phố Cáo, thung lũng Sủng Là, Lũng Táo, Lũng Cú, thị trấn Đồng Văn (Đồng Văn); xã Pả Vi, Pải Lủng, Khâu Vai (Mèo Vạc)...
Chủ trương phát triển du lịch thành ngành kinh tế “mũi nhọn” của tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng cơ sở hạ tầng, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ, quảng bá hình ảnh... Khi hoa Tam giác mạch trở thành “cơn sốt du lịch” của giới trẻ, không chỉ giúp tỉnh tăng nguồn thu từ du lịch, còn tạo ra nhiều sinh kế cho người dân. Vào mùa hoa Tam giác mạch, các phòng nghỉ khách sạn và các làng văn hóa du lịch cộng đồng trên Cao nguyên đá cùng các dịch vụ ăn uống đều sử dụng đạt 100% công suất; nhiều lao động địa phương được tham gia các lớp tập huấn phát triển du lịch, nhà hàng, khách sạn… có việc làm ổn định.
Hoa Tam giác mạch, cái tên chỉ nghe đã làm trái tim bao người thổn thức, chờ mong được đắm mình trong vẻ đẹp hoang sơ, mềm mại, dịu dàng ấy. Nhưng hơn hết, loài hoa Tam giác mạch còn là biểu tượng đẹp về sự vươn lên mạnh mẽ của đồng bào dân tộc nơi miền đá, luôn biết vượt lên sự khắc nghiệt của hoàn cảnh để làm chủ cuộc sống.
Bài, ảnh: AN GIANG
Ý kiến bạn đọc