Cô Nguyễn Thị Đào tâm huyết với sự nghiệp "trồng người"
BHG - “Trong quá trình giảng dạy cũng như làm công tác quản lý, người lãnh đạo không chỉ nói hay mà phải làm được những việc làm cụ thể, thiết thực”. Đó là điều cô giáo Nguyễn Thị Đào, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Mậu Duệ A, xã Mậu Duệ (Yên Minh) luôn tâm niệm, coi trọng suốt gần 30 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người” ở vùng cao Yên Minh.
Cô giáo Nguyễn Thị Đào hướng dẫn học sinh đọc sách tại thư viện nhà trường. |
Sinh ra ở vùng quê hiếu học tỉnh Nghệ An và lớn lên ở huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang; với hoàn cảnh gia đình khó khăn, cô Đào luôn tâm niệm với bản thân là phải nỗ lực học thật giỏi để sau này góp một phần công sức của mình cho xã hội. Từ năm 1991, cô Đào bén duyên lên với mảnh đất địa đầu Tổ quốc; sau đó, cô theo học lớp Sơ cấp Sư phạm Tiểu học 9+1 tại huyện Yên Minh. Sau hơn 1 năm theo học, ra trường, cô Đào có nguyện vọng ở lại huyện Yên Minh để cống hiến sức trẻ của mình cho sự nghiệp trồng người. Đến năm 1993, cô Đào được phân công đến công tác tại Trường Tiểu học Sủng Thài. Ban đầu cô gặp không ít khó khăn, bởi ở một xã vùng cao, dân cư thưa thớt, cơ sở vật chất còn thiếu thốn. Với sự nỗ lực không ngừng và năng lực thực tế của bản thân; năm 1997, cô Đào được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngọc Long. Từ năm 2000 – 2002, cô Đào được luân chuyển công tác tới các trường: Trường PTCS Du Tiến rồi Trường PTCS Ngam La vẫn trên cương vị là Phó Hiệu trưởng. Năm 2008, cô Đào được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mậu Long, nay là Trường PTDTBT Tiểu học Mậu Long. Mới đây, tháng 9.2019 cô Đào tiếp tục được luân chuyển công tác và giữ chức Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Mậu Duệ A, xã Mậu Duệ.
Dù công tác ở đâu, cương vị nào; cô cũng đều thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm và không ngừng phấn đấu, rèn luyện để hoàn thành tốt mọi nhiệm được giao. Dù là trực tiếp giảng dạy hay làm quản lý, cô luôn chọn phương pháp phù hợp; đồng thời phát động, huy động tối đa sự sáng tạo của tập thể đồng chí, đồng nghiệp và xây dựng khối đại đoàn kết trong tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường; thường xuyên chăm lo cho phong trào thi đua của trường, của lớp. Cùng với đó, cô luôn tích cực đổi mới công tác quản lý, điều hành cũng như phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu nhằm nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo chuyên môn đến từng bộ phận, tổ chuyên môn và tập thể giáo viên trong đổi mới phương pháp dạy và học; thường xuyên tổ chức dự giờ, thăm lớp, theo dõi nề nếp dạy học của giáo viên.
Cô Đào tâm sự: “Ngoài việc làm tốt công tác quản lý, thì việc vận động, kêu gọi xã hội hóa cũng là một việc làm hết sức quan trọng; bởi Yên Minh là huyện còn gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, đặc biệt là ở các xã vùng sâu, vùng xa. Từ năm 2014 đến nay, bản thân tôi đã huy động được nguồn vốn của nhiều tổ chức cá nhân trong nước như: Xây mới được 19 phòng học và sửa chữa được 6 phòng học; ngoài ra, các tổ chức, cá nhân còn ủng hộ 230 cái chăn, 1.500 cái áo, 400 quyển vở cho học sinh và nhiều dụng cụ phục vụ học tập cho học sinh với tổng trị giá gần 5 tỷ đồng cho Trường PTDTBT Tiểu học Mậu Long; ngôi trường mà tôi đã gắn bó hơn chục năm qua. Mặc dù mới nhận công tác tại Trường PTDTBT Tiểu học Mậu Duệ A được vài tháng, tôi cũng đã kêu gọi nguồn xã hội hóa hỗ trợ cho học sinh, nhà trường được 1 tủ nấu cơm gas, 387 chiếc áo ấm, 250 suất học bổng và nhiều đồ dùng học tập cho học sinh…
Giáo viên Bùi Ngọc Tú, dạy môn Văn của nhà trường chia sẻ: Cô Đào là một người tâm huyết, yêu nghề và luôn thể hiện rõ năng lực lãnh đạo, quản lý tốt; cô luôn nhiệt tình đi trước dẫn đường trong mọi công việc của trường dù lớn hay nhỏ. Sự nhiệt huyết, tinh thần sáng tạo của cô chính là động lực động viên đội ngũ giáo viên của nhà trường cùng nhau phấn đấu, xây dựng trường ngày càng phát triển. Tuy mới đến nhận công tác ở trường được vài tháng, nhưng cô luôn chiếm được sự tin tưởng, yếu mến của đồng nghiệp”.
Với những nỗ lực, cố gắng và tinh thần nhiệt huyết trong công tác; hàng năm, cô Đào đều được các cấp, ngành tặng Giấy khen ghi nhận thành tích. Đặc biệt, năm 2011, cô Đào vinh dự được nhận Huy chương vì sự nghiệp giáo dục của Bộ Giáo dục và Huy hiệu của Chủ tịch UBND tỉnh tặng vì sự nghiệp phát triển giáo dục tỉnh Hà Giang. Bên cạnh những thành tích đạt được, với gần 30 năm cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” cũng như sự gắn bó của cô với mảnh đất vùng cao còn nhiều khó khăn; có lẽ, sự yêu quý của đồng nghiệp, học sinh và người dân chính là phần thưởng cao quý nhất mà cô nhận được cho đến thời điểm này.
Bài, ảnh: HỒNG CỪ
Ý kiến bạn đọc