Quản lý, bảo vệ và phát huy các giá trị di sản ở Đồng Văn
BHG - Tuyên bố toàn cầu về đa dạng văn hóa của UNESCO nêu rõ: “Di sản ở mọi hình thức của nó phải được bảo tồn, phát huy và truyền thụ cho các thế hệ tương lai như là cơ sở dữ liệu lưu lại kinh nghiệm và những khát vọng của con người...”; huyện Đồng Văn có nhiều điểm du lịch, các di sản văn hóa và di sản địa chất. Tuy nhiên, công tác quản lý hiện vẫn còn nhiều hạn chế, như: Vấn đề vệ sinh môi trường chưa đảm bảo; công tác thông tin, giới thiệu chưa chuyên nghiệp… Nhằm thực hiện hiệu quả Chỉ thị 1216 của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa, di sản địa chất, các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh; kịp thời khắc phục những hạn chế trên, thời gian qua, huyện Đồng Văn đã nỗ lực đẩy mạnh công tác quản lý, khai thác hiệu quả các di tích, danh thắng, các điểm du lịch, góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển.
Lễ cúng Tổ tiên của người Lô Lô, xã Lũng Cú. |
Hiện, trên địa bàn huyện Đồng Văn có 7 di tích cấp Quốc gia; 9 di tích cấp tỉnh; 2 làng văn hóa du lịch cộng đồng. Các điểm du lịch cơ bản được đầu tư cơ sở vật chất hoàn chỉnh, như: Khu di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà Vương, Cột cờ Quốc gia Lũng Cú, Di tích Phố cổ Đồng Văn, 2 Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Lũng Cẩm Trên, xã Sủng Là; thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú và các điểm dừng chân ở các xã, thị trấn dọc Quốc lộ 4C. Một số khu, điểm du lịch như: Hang mây xã Tả Lủng; điểm du lịch Đồn cao thị trấn Đồng Văn; điểm du lịch Đất mũi thôn Séo Lủng, xã Lũng Cú; hang Động nguyệt thị trấn Phố Bảng… đã và đang được khảo sát để đưa vào phục vụ du lịch.
Thời gian qua, huyện Đồng Văn đã chủ động thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý các giá trị văn hóa, di sản địa chất. Trong đó, huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về di sản văn hóa, du lịch, vệ sinh môi trường, kinh doanh hàng hóa tới đông đảo người dân, các tổ chức, cá nhân. Công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh được thực nghiêm túc. Các xã, thị trấn chủ động phối hợp với các tổ chức quản lý thực hiện tốt công tác bảo vệ di tích, nếp sống văn minh, gìn giữ về sinh môi trường; tăng cường tuần tra, bảo vệ, kịp thời ngăn chặn các hành vi xâm hại di sản văn hóa và điểm du lịch; thực hiện nghiêm túc, phù hợp và hiệu quả quy định phân cấp quản lý đối với từng di tích.
Bên cạnh việc nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các điểm, khu di tích, di sản, huyện đẩy mạnh quản lý hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật. Trong đó, phát huy vai trò giám sát của cộng đồng để kịp thời phát hiện, điều chỉnh những vấn đề nảy sinh trong quá trình tu bổ di tích. Qua đó bảo vệ tối đa các yếu tố cấu thành di tích, kể cả đối với nhưng di tích chưa được xếp hạng. Việc kiểm tra hoạt động tại các điểm di tích, danh thắng được chú trọng. Đặc biệt, phát triển đa dạng sản phẩm du lịch tại các điểm dừng chân, khu trưng bày và giới thiệu sản phẩm, như Cột cờ Quốc gia Lũng Cú, khu di tích Nhà Vương; sản phẩm đảm bảo rõ nguồn gốc, công khai giá niêm yết giá. Với những kết quả nổi bật trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, thông qua sự đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; tăng cường quảng bá, Đồng Văn đã trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.
Bài, ảnh: My Ly
Ý kiến bạn đọc