Nét đẹp Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Pả Vi Hạ
BHG - Làng Văn hóa du lịch cộng đồng (LVHDLCĐ) dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi (Mèo Vạc) là nơi tập trung nhiều nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông, cảnh quan thiên nhiên không chỉ đẹp mà còn hữu tình, đặc biệt là sự mến khách của người dân…. Ở đó, luôn có những “điểm nhấn” tạo được sức hút với nhiều du khách trong và ngoài nước khi lên vùng cao núi đá Mèo Vạc.
Một góc Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi (Mèo Vạc). |
Mô hình LVHDLCĐ không phải là mới mẻ ở tỉnh ta, nhưng đối với dân tộc Mông ở Pả Vi Hạ có nhiều yếu tố thuận lợi như mặt bằng và đường giao thông, 100% người dân trong thôn là đồng bào người Mông. Ngoài ra điều thu hút du khách đó chính là nét văn hóa của người Mông ở đây vẫn được lưu giữ từ kiến trúc nhà ở, ẩm thực, trang phục đến văn hóa truyền thống dân gian của dân tộc…
Chị Nguyễn Quỳnh Nga, du khách Hà Nội, chia sẻ: Từng nghe đến LVHDLCĐ trên mảnh đất Cao nguyên đá từ lâu, đến nay tôi mới có dịp để trải nghiệm, tôi thật sự như lạc vào trong những mẩu truyện, những thước phim như đã từng xem; kiến trúc nhà ở trình tường với ngói âm dương, tạo nên không khí mát mẻ, rất dễ ngủ, thích hợp cho những ai muốn được thư giãn; có món ăn kỳ lạ như thắng cố, thịt treo gác bếp… Đặc biệt, tôi thích những điệu múa xòe hoa, tiếng khèn của những chàng trai Mông lúc vui thì miên man điệu ca hạnh phúc, lúc buồn lại nao nao đến xé lòng…. Đến đây, mặc một bộ trang phục thiếu nữ Mông nữa, tôi cảm thấy thật tuyệt, với những trải nghiệm sinh hoạt hàng ngày, được dệt vải, tước lanh còn được trẩy hội Gầu tào… Nơi đây là một nơi trải nghiệm, nghỉ dưỡng lý tưởng nhất mà tôi đã từng đến.
Ngoài là làng văn hóa du lịch, bảo tồn và quảng bá văn hóa dân tộc Mông, thì nơi đây còn là điểm đến của chính bà con người Mông ở nhiều địa phương khác để thưởng thức và hiểu rõ hơn về văn hóa truyền thống của đồng bào mình. Đồng thời, LVHDLCĐ dân tộc Mông nơi đây còn giúp người dân trong thôn có thêm công ăn, việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Hiện nay, LVHDLCĐ dân tộc Mông có 28 hộ tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng và đưa vào sử dụng nhà ở theo mẫu nhà dân tộc Mông với thiết kế kiến trúc nhà khung gỗ, trình tường, mái lợp ngói âm dương 2 tầng; các ngôi nhà xây dựng theo kiến trúc nhà ở truyền thống người Mông liền kề nhau và hầu hết phát triển dịch vụ nhà nghỉ Homstay, phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Anh Hồng Mí Sinh, chủ dịch vụ homestay và quán ăn phục vụ khách du lịch tại LVHDLCĐ dân tộc Mông, chia sẻ: Gia đình tôi làm dịch vụ homestay với quán ăn, sân chơi cho du khách, các món ăn dân tộc Mông là chủ yếu. Homestay theo lối kiến trúc truyền thống dân tộc Mông kết hợp với hiện đại, có 11 phòng nghỉ với giá 300 – 350 nghìn/phòng/ngày. Quán cà phê và phòng ăn thiết kế dân giã, có gian hàng trưng bày đồ lưu niệm như: Thổ cẩm, các vật dụng sinh hoạt thường ngày của đồng bào Mông… Để đảm bảo theo phương châm “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, gia đình tôi cũng như các hộ khác trong làng luôn thực hiện đúng chuẩn mực thân thiện, minh bạch giá cả, đảm bảo vệ sinh môi trường trong các khâu ăn uống và trải nghiệm…
Đồng chí Nguyễn Cao Cường, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: Để LVHDLCĐ dân tộc Mông thực sự là điểm nhấn trong lòng du khách, huyện đã kiện toàn Ban quản lý LVHDLCĐ dân tộc Mông; chỉ đạo Ban quản lý đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân thực hiện tốt các quy chế của làng; cùng nhau giữ gìn vệ sinh môi trường; thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa dân gian; ngày càng nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú Homestay…
Bài, ảnh: Hoàng Tuyến
Ý kiến bạn đọc