Chuyện ở bản Phù Lá
BHG - Nhóm đồng bào dân tộc Phù Lá sinh sống tại xã biên giới Bản Máy (Hoàng Su Phì) chỉ có 34 hộ, 175 khẩu. Ngoài những khó khăn về điều kiện kinh tế, họ đang đối mặt với nhiều thách thức trong bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống.
Bí thư Đảng ủy xã Bản Máy, Nguyễn Quang Duẩn trực tiếp đưa chúng tôi đi dọc đường bê tông xuôi về hướng trung tâm huyện rồi rẽ xuống con đường đất quanh co. Sau trận mưa đêm, nó trở nên trơn trượt và khó đi như chính cuộc sống còn nhiều khó khăn của đồng bào Phù Lá nơi đây…
Trên đường đi, Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ: “Nhóm đồng bào dân tộc Phù Lá sinh sống tập trung thành một bản ở dưới thung lũng, thuộc thôn Bản Máy và gần như tách biệt với thế giới bên ngoài. Từ đoạn đường bê tông xuống đến thôn chỉ khoảng 3 km nhưng đi xe máy cũng mất nửa tiếng đồng hồ; đường đất đỏ, nhiều đoạn độ dốc khá lớn nên trời nắng mới đi xe máy được, trời mưa chỉ có cách đi bộ. Các hộ sinh sống dưới thung lũng luôn ao ước về con đường bê tông để thuận tiện cho việc đi lại”.
Một góc bản người Phù Lá. |
Sau hơn nửa tiếng đồng hồ vật lộn trên quãng đường đất dốc, trơn trượt; chúng tôi cũng vào đến bản. Trong ánh nắng vàng tươi như nghệ, bản của người Phù Lá hiện ra thật bình dị; những ngôi nhà trình tường nằm xen giữa màu xanh mơn mởn của những thửa ruộng bậc thang. Chúng tôi ghé vào một ngôi nhà nhỏ, anh Súng Sào Dìn - chủ nhà đon đả chào khách; anh cho biết: “Mùa này, bà con vừa cấy xong, một số gia đình đang thu hoạch đậu tương. Kinh tế trong thôn chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp; tuy nhiên, chủ yếu là sản xuất nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp”.
Chúng tôi đến thăm gia đình ông Sùng Diu Sài, một trong số ít hộ có nhà xây ở cái bản heo hút này. Ông Sài ngoài 60 tuổi ở nhà trông 2 đứa cháu nhỏ. Ông cho biết: “Ngôi nhà này vợ chồng người con trai đi làm thuê bên kia biên giới, tiết kiệm nhiều năm mới xây được. Cứ cấy lúa xong là vợ chồng nó đi, đến khi thu hoạch mới về. Thành ra, quanh năm suốt tháng ngôi nhà chỉ có tôi với 2 đứa nhỏ”.
Qua tìm hiểu được biết, do đất canh tác ít, lại chỉ trồng được lúa một vụ, năm nào được mùa thì đủ ăn, còn lại nhiều hộ thiếu đói dịp giáp hạt. Hầu hết trẻ em chỉ học đến cấp 2, rồi nghỉ học đi làm thuê; cả bản có 34 hộ, 175 khẩu thì 100% thuộc diện nghèo và cận nghèo.
Phù Lá là một trong những dân tộc đặc biệt ít người của cả nước, đang đứng trước nguy cơ mai một bản sắc văn hóa truyền thống. Vì vậy, cùng với việc tìm lời giải cho “bài toán” giảm nghèo, cấp ủy, chính quyền địa phương đang rất quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.
Theo đồng chí Trần Chí Nhân, Phó trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Hoàng Su Phì: Người Phù Lá có nét đặc trưng riêng về trang phục, văn hóa dân gian. Nhưng, hiện chỉ một số ít người cao tuổi còn mặc trang phục truyền thống. Nghề thủ công nổi tiếng của người Phù Lá là đan lát với những sản phẩm mây tre như gùi, cùng nhiều đồ dùng với họa tiết đẹp và hấp dẫn nhưng cũng dần mai một.
Những năm gần đây, các cấp chính quyền và ngành chức năng của huyện đã quan tâm, triển khai các giải pháp nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Phù Lá. Ngoài việc tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa, ngành chức năng của huyện cũng chú trọng công tác phục dựng văn hóa truyền thống thông qua các nghi thức, như: Lễ cưới, cúng thần rừng, cúng cơm mới, Tết tháng Bảy, các làn điệu dân ca truyền thống… Hàng năm, tổ chức các hội diễn văn nghệ, thi đấu thể thao, giao lưu các trò chơi dân gian, tạo không khí vui tươi, qua đó khơi dậy và duy trì bản sắc văn hóa dân tộc của người Phù Lá. Cùng với đó là tích cực đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy trong trường học để xây dựng ý thức gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống trong thế hệ trẻ.
Tuy nhiên, hiện nay việc khôi phục và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Phù Lá cũng gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân, do điều kiện kinh tế của đồng bào còn nhiều khó khăn nên việc giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc chưa được chú trọng. Bên cạnh đó, thế hệ trẻ hiện nay chủ yếu tập trung phát triển kinh tế hoặc đi làm ăn xa, không nhiều người dành thời gian để tìm hiểu các giá trị văn hóa truyền thống, không thường xuyên sử dụng tiếng nói, trang phục dân tộc... Những điều đó đặt ra thách thức không nhỏ trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Phù Lá.
Về giải pháp hỗ trợ, hướng dẫn các hộ dân tộc Phù Lá phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, Bí thư Đảng ủy xã Bản Máy, Nguyễn Quang Duẩn cho biết: Cấp ủy, chính quyền xã đã, đang tiếp tục thực hiện phương châm “cầm tay chỉ việc”, trực tiếp phân công cán bộ và các ngành, đoàn thể xuống thôn hướng dẫn nhóm hộ dân tộc Phù Lá phát triển kinh tế. Trong đó, tập trung phát triển cây ăn quả bản địa, như: Lê, mận Máu, trồng cỏ nuôi đại gia súc; hướng dẫn thủ tục tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Đồng thời, ưu tiên nguồn lực, hỗ trợ trực tiếp về phân bón, giống cây trồng, vật nuôi; tạo điều kiện thuận lợi để người dân được cấp giấy thông hành sang lao động hợp pháp bên Trung Quốc…
Bài, ảnh: YÊN HOA
Ý kiến bạn đọc