Ký ức trong tôi
BHG - Tháng 10.1991, tỉnh Hà Tuyên chia tách thành 2 tỉnh Hà Giang - Tuyên Quang như ngày xưa. Báo Hà Giang cũng được tái lập. Tôi được Tỉnh ủy giao cho một nhiệm vụ mới mà trước đó chưa hề nghĩ tới, đó là: Phụ trách Báo Hà Giang.
Lãnh đạo, cán bộ, phóng viên Báo Hà Giang thăm Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó (Cao Bằng). Ảnh: TƯ LIỆU |
Tôi đã từng làm Tổng Biên tập Báo Hà Giang 1997 - 2001. Kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập Báo Hà Giang, tôi chia sẻ về những kỷ niệm, bước ngoặt của tôi với Báo Hà Giang.
Lúc nhỏ tôi hay sang nhà bác chơi. Mới học lớp 2 nên chưa biết đọc chữ in. Nhà bác tôi được phát Báo Hà Giang, Báo Nhân Dân và quyển sách có tên là Học tập. Tôi lân la đọc những chữ to và xem ảnh. Thích nhất là ảnh Bác Hồ lên thăm Hà Giang. Tôi xin bác cho tôi tờ báo ấy, bác bảo không được, để bác treo lên, mọi người cùng đọc, xem. Bác tôi lấy tờ báo cẩn thận treo lên liếp có 2 cái đinh đóng sẵn, sau đó lấy 2 miếng cao su nhỏ gim chặt lại. Ảnh Bác Hồ thăm Hà Giang ở trang đầu tiên, nên lúc nào nhìn lên cũng thấy. Đó là một tờ báo bé, khổ nhỏ. Có lẽ bây giờ thì gọi là tờ tin vậy.
Quê tôi vào hợp tác xã, cán bộ quản lý xuống giúp bà con làm ăn. Trâu, cày, bừa ruộng được tập trung vào hợp tác xã hết, phong trào phát triển, cây sắn được trồng trở thành thức ăn cho chăn nuôi, thay cho nuôi, bằng thóc, lúa… Phong trào “Sạch làng, tốt ruộng”, “Làm phân xanh”.v.v.., khi đó được cấp trên quan tâm. Bác tôi nói, làm tốt hơn nữa thì Bác Hồ hứa sẽ đến thăm, tôi nghe bác tôi nói với cán bộ kỹ thuật, cải tiến quản lý. Ngày hôm đó, bác tôi bảo các cháu đi chơi đi, để bác còn làm việc với các nhà báo. Tôi cùng mấy anh em lại càng tò mò.
Rồi chúng tôi thấy có 2 người: Một bé thấp, người kia đậm hơn đeo cái máy ảnh trước ngực. Bác tôi dẫn 2 người đi chụp ảnh, vừa đi vừa nói chuyện… Họ chụp chuồng trâu làm xa nhà ở, chụp cánh đồng lúa có các mẹ, các chị đang gặt lúa cum… Sau này, tôi biết 2 nhà báo đó là bác Văn Báo và Quang Sôi.
Hơn 1 tháng sau, tôi thấy cái chuồng trâu kỹ thuật của ông cậu tôi và hình ảnh chị dâu tôi đang gặt lúa được đăng trên báo Hà Giang… thật là thích thú. Còn bác tôi thì nói: Xem ảnh không thôi à, đọc không được à, phải chăm học thì mới đọc được, nó là chữ in đấy.
Báo Hà Giang đến với người dân các dân tộc. ảnh: Huy Toán |
Năm 1974, tôi học xong lớp 10 (tương đương lớp 12 bây giờ), thi đại học không được vì nhẹ cân quá, mặc dù thừa điểm. Xung phong đi bộ đội cũng không được, cũng lý do như trên. Năm 1975, tôi tiếp tục đi thi vào học khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc (Thái Nguyên), năm 1979, tốt nghiệp ra trường, lúc đó là tỉnh Hà Tuyên.
Cùng bạn bè nộp hồ sơ vào Ban Tổ chức chính quyền tỉnh, anh tiếp nhận hồ sơ xem, ngước nhìn tôi rồi nói: “Ngày kia chú đến nhận quyết định nhé”. Tôi nói vâng ạ và vui mừng nghĩ mình sắp được làm thầy giáo rồi.
Rồi “ngày kia” đã đến, tôi đến nhận quyết định và gặp anh mà hôm trước tiếp nhận hồ sơ. Anh đưa tôi tờ quyết định phân công công tác rồi chỉ tay: Kia, chú đi theo người đấy về cơ quan đi. Lúc đó, tôi vẫn còn đang xem nội dung quyết định thì anh ấy bảo: Về Báo Hà Tuyên, chú nhé!
Tôi ngỡ ngàng, rồi chạy theo, người đó là Nhà báo Nguyễn Đức Tằng, một nhà báo tận tụy, từ cộng tác viên trở thành nhà báo tâm huyết, nhiệt tình giúp đỡ, đào tạo, bồi dưỡng các thế hệ nhà báo sau này, một Trưởng phòng Phóng viên Báo Hà Tuyên để lại nhiều dấu ấn đẹp, nhiều người kính trọng. Nhắc tên chú Tằng vào dịp này, ở nơi xa ấy chắc chú mỉm cười, cùng lớp các nhà báo hôm nay.
Về Báo Hà Tuyên, được anh em phóng viên đi trước kèm cặp, các đồng chí lãnh đạo từ phòng đến Ban Biên tập giúp đỡ, động viên, từ một người chưa hề viết báo bao giờ tôi dần quen công việc, tích lũy dần phương thức, cách thức làm báo. Tôi được phân công viết về nông nghiệp, nông thôn là chính, năm 1980 sang 1981, viết về Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới, từ Xín Mần, Hoàng Su Phì đến Thanh Thủy, Yên Minh. Những đồng quê từ Sơn Dương, Yên Sơn, Hàm Yên, Chiêm Hóa, Na Hang rồi Bắc Quang; những điển hình tiên tiến trong 3 khoán, rồi khoán 100, sau đó khoán 10; những cơn lũ ống, lụt lội đất Tuyên; những con người lam lũ mà kiên cường nơi biên cương: Xín Mần, Nàn Xỉn, Bản Phùng, Bản Máy, Thàng Tín, Nhìu Sang; Lao Sán, Mã Tẻn, Bạch Đích, Na Khê, Lao Và Chải… đã tôi luyện bước chân, ngòi bút của tôi trong 12 năm ở Báo Hà Tuyên.
Tháng 10.1991, tỉnh Hà Tuyên chia tách thành 2 tỉnh Hà Giang - Tuyên Quang như ngày xưa. Báo Hà Giang cũng được tái lập lại. Tôi được Tỉnh ủy giao cho một nhiệm vụ mới mà trước đó chưa hề nghĩ tới, đó là: Phụ trách Báo Hà Giang. Nhận quyết định, mấy đêm không ngủ được, người sút cân, gầy rạc. Danh sách cán bộ, phóng viên Báo Hà Giang gồm 9 anh em; trong đó, 4 cán bộ, phóng viên trong biên chế là tôi cùng Lại Cao Khải, Đặng Thị Phương Hoa, Đặng Quang Vượng. 5 anh em trẻ vừa được bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (lớp tạo nguồn phóng viên), gồm: Nguyễn Trung Thu, Nguyễn Đức Dũng, Trần Thái Hà, Hoàng Tiến Linh và Nguyễn Trọng Tuyên. Các anh ở lại Báo Tuyên Quang dành cho anh em đi Hà Giang những gì tốt nhất mà Báo Hà Tuyên lúc đó có: Xe ô tô U-oát tốt nhất, máy ảnh tốt nhất, tổ in báo tốt nhất với những bộ chì chữ mới từ A đến Z cho in báo và toàn bộ khung máy in ty-pô mà tỉnh mua cũng được đưa lên Hà Giang và mỗi cán bộ Nhà in cũng là những thợ giỏi, nhiệt tình có kinh nghiệm của Nhà in Tuyên Quang lúc đó. Đặc biệt tình cảm các anh chị ở lại dành cho chúng tôi không thể quên được. Một thời gian sau đó, Tỉnh ủy quyết định và kiện toàn Ban Biên tập. Anh Nguyễn Văn Yêu, nguyên Trưởng phòng Thư ký Tòa soạn Báo Hà Tuyên, đang công tác tại HĐND huyện Bắc Quang được bổ nhiệm làm Tổng Biên tập. Bộ phận Hành chính, kế toán dần dần được thành lập. Hai dãy nhà trước đó là của Ủy ban Kế hoạch Hà Giang do Phòng Văn hóa thị xã Hà Giang quản lý được Báo Hà Giang tiếp quản làm Trụ sở Tòa soạn - nay là cơ quan Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh).
Vấn đề sống còn của một tờ báo là con người làm nghiệp vụ. 9 anh em chỉ có 4 người có chút ít kinh nghiệm, còn lại 5 bạn trẻ, sức tốt, hăng hái nhưng chưa có kinh nghiệm hoạt động tác nghiệp báo chí mà địa bàn rất rộng, khó khăn vào bậc nhất nước. Tôi nhắc anh em rằng: “Cả tỉnh là một công trường lớn”, đó là “mảnh đất màu mỡ”, là đề tài, chủ đề của Báo Hà Giang lúc đó. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thừa dù bận việc lớn của tỉnh vẫn tranh thủ đạp xe đến thăm, động viên anh em. Rồi đồng chí Triệu Đức Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Giàng Văn Quẩy, Chủ tịch HĐND tỉnh đến thăm, tham gia góp ý, động viên anh em. Anh Triệu Đức Thanh còn viết cả tin cho báo. Báo ra 5 ngày 1 kỳ mà thiếu tin, thiếu bài, thiếu ảnh. Để giải quyết tình trạng đó, ngay trong tháng đầu thành lập, Tòa soạn Báo đã tổ chức Hội nghị Cộng tác viên. Do sự bức thiết, tầm quan trọng của Hội nghị, tôi đã tham mưu cho Tổng Biên tập từ Giấy mời thành Giấy “triệu tập”, vì ở phần dưới dòng chữ: “Xin trân trọng cảm ơn!” thì lại có đóng mở ngoặc (Không vì lý do gì để vắng mặt!). Có hơn 20 cộng tác viên các ngành đã đến dự. Bác Trần Diễm, một cán bộ Tuyên giáo kỳ cựu, một cộng tác viên đắc lực đến dự đã vỗ vai tôi nói nghiêm khắc trong thông cảm: “Hôm nay cậu coi bọn tớ như bị can đấy”. Đó là kỷ niệm nhớ đời. Sau hội nghị, tin, bài từ các ngành, các địa phương tăng lên đáng kể từ các cộng tác viên: Bác Trần Diễm; Bùi Văn Thoa, Đặng Văn Minh, Trần Khoái, Kim Chung, Nguyễn Văn Kể, Hoàng Định, Đặng Hà Báo, Thu Trang, Lê Công Bầu, Nguyễn Trùng Điệp, Nguyễn Trùng Thương, Nguyễn Thị Nhung, Nguyễn Thế Hè, Xuân Đoan, Đinh Minh Tung, Cao Xuân Thái, Nguyễn Gia Lượng, vv… là những cộng tác viên luôn có tên trên báo.
Có tin, bài rồi nhưng phải nâng cao chất lượng. Tòa soạn lại xuống Phân viện Báo chí Tuyên truyền mời các thầy lên giảng. Trong một thời gian ngắn, Tòa soạn đã mở 2 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ làm báo cho phóng viên Báo, Đài và cộng tác viên của cả hai cơ quan. Các anh: Đức Dũng, Nguyễn Văn Dững, Phạm Văn Vững của Phân viện Báo chí Tuyên truyền không quản ngại khó khăn lên giảng bài, hướng dẫn đi thực tế cơ sở. Nhờ vậy chất lượng tin bài được nâng lên, có cộng tác viên đã viết được bài phản ánh khá sâu, ký chân dung (người tốt, việc tốt) rất trung thực và sinh động.
Tôi chuẩn bị đi học Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh thì anh Nguyễn Văn Tông về làm Tổng Biên tập, Báo Hà Giang có bước khởi sắc mới. Ngoài duy trì nội dung định hướng chính trị, tư tưởng của tờ báo to, đã có thêm tờ Tin ảnh Hà Giang cực Bắc duy trì đến giờ. Năm 1997 ra trường, tôi được đề bạt làm Tổng Biên tập. Thời gian đó, tình hình kinh tế Hà Giang phát triển khởi sắc với phong trào điện, đường, trường, trạm; mái nhà, bể nước, con bò… Tuy nhiên Báo Hà Giang vẫn còn khó khăn. Chuyển công nghệ in là một trọng tâm cần tháo gỡ trong quy trình. Chế bản điện tử ra đời, Hà Giang là tỉnh cuối cùng chuyển từ công nghệ in ty-pô sang in ốp-sét. Lớp phóng viên tạo nguồn đã được đi học đại học chính quy. Báo Hà Giang được mở rộng khổ, nhiều chuyên trang chuyên mục được xây dựng và duy trì.
55 năm Báo Hà Giang được xây đắp bằng sự chăm lo của Đảng bộ tỉnh, sự giúp đỡ, đùm bọc của đồng bào các dân tộc; sự đồng hành của các ngành, sự phấn đấu, học tập, làm việc chăm chỉ, sáng tạo, không ngừng của các thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, anh chị em trị sự - hành chính và các cộng tác viên qua các thời kỳ. Hôm nay, nhìn măng-sét tờ báo tôi lại nhớ anh Đình Vượng, họa sỹ thiết kế măng-sét của Báo Hà Giang khi báo phát hành số đầu tiên, đã rưng rưng nước mắt trân trọng chữ ký của Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thừa cho Báo Hà Giang phát hành.
Báo Hà Giang với tôi như một cơ duyên, định mệnh, hút tôi từ tuổi thơ bé bỏng.
Hoàng Kiệm (Nguyên Tổng Biên tập Báo Hà Giang)
Ý kiến bạn đọc