Người Dao nhảy lửa
BHG - Trước đây, khi nói về Lễ hội Nhảy lửa nổi tiếng ở Hà Giang và cả nước, nhiều người thường nhắc tới dân tộc Pà Thẻn. Nhưng thời gian qua, đi sâu khám phá các giá trị văn hóa trên miền đất Hà Giang, chúng tôi còn được thấy không chỉ người Pà Thẻn mà người Dao ở một số địa bàn Hoàng Su Phì, Bắc Quang cũng tổ chức nghi thức nhảy lửa vô cùng độc đáo và huyền bí.
Người Dao huyện Hoàng Su Phì thực hiện nghi thức nhảy lửa. Ảnh: Chu Việt Bắc |
Có thể khẳng định, trong quan niệm đời sống tâm linh của cộng đồng nhiều dân tộc; trong đó, có các dân tộc Pà Thẻn, Dao… các vị thần linh như: Thần Lửa, thần Rừng, thần Nước, thần Núi được họ rất coi trọng. Trong đó, thần Lửa đem lại cho họ sức mạnh, sự tự tin và dũng cảm trong quá trình chinh phục tự nhiên. Qua đó, chúng ta dễ bắt gặp sắc đỏ và những hoa văn hình mặt trời trên trang phục, đời sống sinh hoạt của cộng đồng nhiều dân tộc, đặc biệt người Pà Thẻn, người Dao.
Cộng đồng dân tộc Dao chiếm khoảng 15% dân số của Hà Giang. Với đời sống văn hóa vô cùng phong phú, người Dao tạo nên dấu ấn đậm nét trong cộng đồng các dân tộc Hà Giang. Không chỉ giữ gìn tốt bản sắc văn hóa truyền thống, những năm qua, người Dao có sự hội nhập mạnh mẽ, tiếp thu những giá trị văn hóa tốt đẹp để làm phong phú đời sống của dân tộc mình. Việc tổ chức được nghi lễ nhảy lửa là một ví dụ điển hình.
Cho đến giờ, chúng ta chưa thể khẳng định được dân tộc nào đã khai sinh ra nghi lễ nhảy lửa vô cùng độc đáo và dũng cảm ở Hà Giang và một số ít địa phương khu vực miền núi phía Bắc. Nhưng chắc chắn rằng, từ trước đến nay, nói về nghi lễ nhảy lửa, nhiều người thường nhắc đến dân tộc Pà Thẻn. Bởi thế vài năm gần đây, khi nghe đến Lễ hội Nhảy lửa do người Dao thực hiện và trực tiếp được xem người Dao một số xã ở Hoàng Su Phì tổ chức, tôi không khỏi ngạc nhiên bởi khả năng chinh phục lửa của người Dao không kém gì người Pà Thẻn.
Được biết, ở huyện Hoàng Su Phì, cộng đồng người Dao chiếm khá đông. Nơi đây có các địa bàn như: Nậm Ty, Hồ Thầu, Thông Nguyên người Dao có thể tổ chức nghi lễ nhảy lửa như người Pà Thẻn. Trong nghi thức nhảy lửa, có vai trò quan trọng của thầy cúng với các vật dụng tạo âm thanh, lễ vật để kết nối với với sức mạnh siêu nhiên, đem đến sự dũng cảm cho các chàng trai có thể xông vào vờn với than lửa theo những vũ điệu y như người Pà Thẻn.
Trong một lần có mặt tại Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn ở xã Tân Lập (Bắc Quang), tôi từng được nghe thầy cúng và các nghệ nhân nhảy lửa khẳng định, không chỉ người Pà Thẻn, người Dao và người Kinh khi đứng gần nơi làm nghi thức nhảy lửa, nếu được thần linh chấp nhận, họ có thể nhảy vào than lửa. Thực tế, có những lần khi người Pà Thẻn làm lễ và nhảy lửa; người Dao, người Kinh đứng xem, họ cũng kết nối được với một sức mạnh siêu nhiên và nhảy lửa như người Pà Thẻn.
Việc da thịt con người tiếp xúc được với lửa mang những nét huyền bí và chúng ta chưa thể giải thích được về một khả năng siêu nhiên nào đó. Với người Mông, ta có thể được chứng kiến khả năng còn siêu nhiên hơn, đó là việc một số người có thể dùng lưỡi của mình liếm vào chiếc lưỡi cày nung đỏ với nhiệt độ có thể lên đến hàng trăm độ C. Điều đó cũng cho thấy, khả năng đặc biệt của con người không chỉ giới hạn ở một dân tộc nào, mà nhiều cộng đồng cùng có những khả năng siêu nhiên. Những khả năng siêu nhiên ấy cũng có thể được giao lưu, được truyền bá từ dân tộc này sang dân tộc khác. Và rất có thể, nghi thức và khả năng nhảy lửa của người Pà Thẻn được truyền sang dân tộc Dao như một sự giao thoa bình thường trong cộng đồng các dân tộc.
Không chỉ có cộng đồng người Dao ở Hà Giang thực hiện được Lễ hội Nhảy lửa, hiện, cộng đồng người Dao tỉnh Điện Biên cũng thực hiện được điều này. Qua đó cho thấy, một phần nào sự tương thích trong cộng đồng các dân tộc, đặc biệt cộng đồng người Pà Thẻn, người Dao, người Mông vốn cùng một ngữ hệ Mông – Dao ở Việt Nam.
Trong sự phát triển của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, cho dù là dân tộc Pà Thẻn hay dân tộc Dao trình diễn nghi thức nhảy lửa, chúng ta đều thấy được những nét đẹp văn hóa, ẩn sâu trong đó là những yếu tố lịch sử dân tộc. Đây là những “đặc sản” văn hóa truyền thống rất cần thiết để chúng ta phát triển mạnh hơn, bền vững hơn trong cuộc sống hiện tại và tương lai.
Huy Toán
Ý kiến bạn đọc