Vinh dự, tự hào sự nghiệp "trồng người"

08:08, 20/11/2018

BHG - Nói đến nghề dạy học thì ở nơi đâu cũng thấm đẫm những hy sinh, vất vả của các thầy, cô giáo; nhưng có lẽ, ở mảnh đất địa đầu Tổ quốc, việc ươm mầm con chữ cho những học trò nghèo của người giáo viên càng thêm nhọc nhằn. Vượt lên trên hết những khó khăn đó, những thầy, cô giáo nơi mảnh đất biên thùy Hà Giang vẫn miệt mài bám bản, “gieo chữ” nơi vùng đất khó; họ âm thầm chở biết bao thế hệ học trò cập bến đỗ tri thức. Với họ, niềm hạnh phúc và sự tôn vinh lớn nhất chính là sự trưởng thành của lớp lớp những thế hệ học trò.

Giờ học của cô, trò điểm trường Ngài Trò, xã Minh Tân (Vị Xuyên).
Giờ học của cô, trò điểm trường Ngài Trò, xã Minh Tân (Vị Xuyên).

Là tỉnh miền núi, biên giới, với địa hình phức tạp, dân cư phân bố rải rác,… vì vậy nhiều trường học trên địa bàn phải thành lập các điểm trường ở những thôn xa trung tâm. Phải mất gần 2 tiếng đồng hồ để vượt quãng đường 18 km, chúng tôi mới vào đến thôn Khuổi Dò, xã Bạch Ngọc (Vị Xuyên). Từ xa, tiếng trẻ tập đọc, tập hát cùng tiếng thầy, cô giáo giảng bài đã kéo chúng tôi đến điểm trường của thôn. Bên trong ngôi nhà gỗ lợp phi - bro xi – măng kê mấy bộ bàn ghế cũ, mấy đứa trẻ ngồi quay lưng lại với nhau, 2 chiếc bảng đen được kê ở 2 đầu lớp học; thầy giáo dạy bên này một lát rồi lại chạy sang đầu bên kia. Đó là lớp ghép 1, 2 của thầy giáo Nguyễn Văn Hồi. Gặp chúng tôi, thầy Hồi ngậm ngùi chia sẻ: “Các cháu lớp 1, 2 còn bé quá, trong khi thôn lại xa trung tâm nên không dồn về trường chính được, vì vậy vẫn phải duy trì dạy học tại điểm trường”. Trường lớp thì đơn sơ, trang thiết bị dạy học còn thiếu nhiều; điều kiện ăn, ở của các thầy, cô ở điểm trường cũng thiếu thốn trăm bề. Là thôn xa trung tâm nên không có chợ để mua thực phẩm, vì vậy sau mỗi giờ lên lớp, các thầy, cô lại đi lấy củi và hái rau rừng. Điều kiện làm việc, sinh hoạt khó khăn, thiếu thốn là vậy; nhưng các thầy, cô vẫn nỗ lực vượt qua, kiên trì bám bản, dạy chữ cho học sinh.

Cùng là giáo viên “cắm bản”, các thầy, cô giáo ở điểm trường Ngài Trò, xã Minh Tân (Vị Xuyên) cũng phải sinh hoạt trong điều kiện thiếu thốn trăm bề. Đường đi lại khó khăn, trường lớp thì tạm bợ, không có điện thắp sáng, thiếu nước sạch để sinh hoạt... “Vì thương học trò ở bản xa, nếu đến trường chính ở trung tâm xã để học thì phải đi bộ cả chục cây số đường rừng; trong khi các em ở bậc Mầm non và lớp 1, 2 thì còn rất nhỏ nên mình phải ở đây bám bản để dạy chữ cho các em. Đường đi lại khó khăn, vài tuần mới về được một lần nên chúng tôi thường dự trữ cá khô với lạc để ăn hàng tuần liền. Khó khăn là vậy, nhưng mỗi khi thấy các em đi học đầy đủ là bao nhiêu nhọc nhằn đều như tan biến hết. Chúng tôi lại thấy mình càng thêm gắn bó với trường, lớp và học sinh hơn” – Cô Nguyễn Thị Thu Hồng, giáo viên Mầm non ở điểm trường Ngài Trò chia sẻ.

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lao Và Chải (Yên Minh) có 9 điểm trường với 444 học sinh; nhiều thôn cách trường chính hơn 10 km, giao thông đi lại rất khó khăn. Vào đầu năm học vừa qua, nhà trường phải phân công các thầy, cô giáo đến tận nhà thăm hỏi, trò chuyện với phụ huynh, thậm chí cùng lên nương bẻ ngô, làm cỏ để tuyên truyền, vận động các gia đình cho con em đến trường đầy đủ. “Nhiều học sinh vì điều kiện gia đình khó khăn, có ý định nghỉ học ở nhà phụ giúp bố mẹ làm nương rẫy hoặc đi lao động trái phép; các thầy, cô phải nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng cũng như hoàn cảnh gia đình các em để có sự phối hợp với chính quyền địa phương, kịp thời động viên, giúp các em trở lại trường học. Mỗi khi có học sinh bỏ học, các thầy, cô lại đi bộ leo rừng, vượt suối đến tận gia đình để vận động. Vất vả thật đấy, nhưng thấy các em đi học đầy đủ là mừng rồi…” - Cô Nguyễn Thị Cảnh, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lao Và Chải tâm sự.

Sự nghiệp “gieo chữ” nơi vùng cao nhọc nhằn là thế, dù ở trên những đỉnh núi cao lạnh giá; những thôn, bản heo hút giữa rừng già; những nơi không có đường, không có điện, không có nước sạch nhưng vẫn có điểm trường với những người thầy, người cô âm thầm hy sinh, vượt mọi khó khăn, thiếu thốn để đưa cái chữ đến với học trò nghèo. Tháng 11 về, khắp mọi miền Tổ quốc đang tràn ngập không khí từng bừng, phấn khởi kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam; xin gửi lời cảm ơn chân thành đến những người thầy, người cô đã nỗ lực hết mình vượt mọi khó khăn để “gieo chữ” nơi vùng đất khó, chắp cánh cho những ước mơ của biết bao thế hệ học trò bay cao, bay xa hơn nữa…

Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Vượt qua bệnh tật, miệt mài "gieo chữ" trên bản Khâu Làng

BHG - Đó là cô giáo Đỗ Hồng Tám (sinh năm 1978), đã hơn 20 năm lặng lẽ đi về, âm thầm giữa nơi bạt ngàn gió núi mây trời, vượt qua nỗi đau bệnh tật để "cõng" từng con chữ đến với các em học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc điểm trường thôn Khâu Làng, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Tân Nam, xã Tân Nam, huyện Quang Bình. Trong gió lạnh đầu Đông ùa về, mang theo những cơn mưa nặng hạt, tôi băng qua những cung đường quanh co, khúc khuỷu tìm đến điểm trường Khâu Làng, nơi cô giáo Đỗ Hồng Tám đang lên lớp. 

20/11/2018
Trường CĐSP Hà Giang Khai giảng năm học 2018 – 2019 và Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11

BHG - Sáng 19.11, Trường Cao đẳng Sư phạm (CĐSP) Hà Giang tổ chức Khai giảng năm học 2018 – 2019 và Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11. Đến dự Khai giảng có lãnh đạo Sở GD&ĐT, Đảng ủy Khối Cơ quan – Doanh nghiệp tỉnh, nguyên lãnh đạo trường CĐSP Hà Giang qua các thời kỳ cùng các thầy, cô giáo và hơn 300 sinh viên của trường.

19/11/2018
Trao giải Cuộc thi Tìm hiểu Văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh

BHG - Tối 18.11, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch phối hợp với Sở GD&ĐT tổ chức Lễ trao giải Cuộc thi Tìm hiểu Văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh trong các trường THCS. Tới dự có lãnh đạo 2 sở; đại diện một số sở, ban, ngành của tỉnh; đại diện Phòng GD&ĐT 11 huyện, thành phố và các em học sinh. Cuộc thi Tìm hiểu Văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh trong các trường THCS được tổ chức từ 1 đến 30.10.2018 nhằm giúp các em học sinh khối THCS trên địa bàn tỉnh có cơ hội tìm hiểu...

19/11/2018
Trường THCS Yên Biên tổ chức Lễ tri ân các thầy cô

BHG - Sáng 19.11, Kỷ niệm 36 ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11.1982 – 20.11.2018) trường THCS Yên Biên đã long trọng tổ chức Lễ tri ân các thầy cô. Tới dự có lãnh đạo Phòng Giáo dục&Đào tạo thành phố, lãnh đạo phường Trần Phú, các cựu giáo chức cùng đông đảo thầy cô giáo và hơn 700 em học sinh của nhà trường. Trong những năm qua, cùng với sự phát triển của đội ngũ các nhà giáo Hà Giang, các thầy cô giáo trường THCS Yên Biên đã không ngừng nâng cao trách nhiệm, tư tưởng, trau dồi đạo đức lối sống trong việc dạy và học, trở thành những tấm gương sáng cho học sinh noi theo. 

19/11/2018