Xuân Giang, vùng quê cách mạng ngày ấy và bây giờ
BHG - Xã Xuân Giang thời Pháp thuộc có tên gọi Châu Long, tiếng địa phương là Mường Chang, gồm 6 làng: Quyền, Then, Giám, Cưởm, Chì, Khương, với tổng diện tích tự nhiên trên 7.463 ha. Trước đây, Xuân Giang thuộc huyện Bắc Quang, từ năm 2003 thuộc huyện Quang Bình và được xác định là một trong những xã động lực thúc đẩy phát triển KT – XH của huyện.
Những con đường được bê - tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại. |
Xuân Giang ngày ấy…
Cách đây 72 năm, tháng 9.1946, nhân dân xã Xuân Giang đã nhất tề đứng lên dưới sự lãnh đạo của Bộ đội Việt Minh tiêu diệt quân Quốc dân đảng. Các cụ kể lại: Đầu năm 1949, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Hà Giang và chỉ đạo trực tiếp của Huyện ủy Bắc Quang, Chi bộ Tô Hiệu được thành lập (chia tách từ tiểu khu Yên Bình), đồng chí Hoàng Văn Thủy được chỉ định giữ chức vụ Bí thư chi bộ. Dưới sự chỉ đạo của Chi bộ Tô Hiệu, chính quyền xã, thôn được xây dựng củng cố, vừa tăng cường chỉ đạo phát triển kinh tế, vừa giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ cho tiền tuyến. Phong trào xóa nạn mù chữ đã thu hút nhiều người dân tham gia, làng nào, thôn nào cũng mở lớp học, toàn dân đi học với khẩu hiệu “Đi học là yêu nước”, người biết chữ dạy người không biết chữ, biết viết. Bên cạnh đó, phong trào xây dựng đời sống mới lành mạnh, vui tươi ngày một nâng cao. Các hủ tục trong việc cưới, việc tang được giảm bớt, từ đó đời sống của nhân dân dần được cải thiện... Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân các dân tộc xã Xuân Giang đã đoàn kết khắc phục khó khăn, thi đua phát triển sản xuất, ủng hộ sức người, sức của cho kháng chiến và đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba.
Phong trào thể thao phát triển rộng khắp, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân Xuân Giang. |
Trong giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội và kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thực hiện lời kêu gọi “Toàn quốc chống Mỹ cứu nước” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ xã Xuân Giang đã mở đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng cho toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân nhằm quán triệt quyết tâm đánh Mỹ và xác định rõ nhiệm vụ: Tích cực sản xuất, sẵn sàng chiến đấu để xây dựng và bảo vệ quê hương, bảo vệ miền Bắc, tích cực chi viện cho miền Nam kháng chiến chống Mỹ. Phong trào phụ nữ “với hũ gạo nuôi quân”, “Phụ nữ ba đảm đang”, các mẹ, các chị chắt chiu, dành dụm từng nắm gạo nuôi quân và ủng hộ đồng bào miền Nam 9,3 tấn thóc. Mỗi năm đều hoàn thành nghĩa vụ lương thực từ 4 – 4,2 tấn cho nhà nước. Công tác tuyển quân lấy thanh niên làm nòng cốt, đoàn xã phát động phong trào “Tay cày, tay súng”, “Ba sẵn sàng”, phong trào phụ nữ thi đua “Ba đảm đang” được nhân dân hăng hái tham gia. Hàng năm có đến 15 đến 20 thanh niên lên đường nhập ngũ. Năm 1968 theo Lệnh Tổng động viên, có 40 lượt thanh niên xung phong tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Bên cạnh việc tập trung phát triển sản xuất, đề phòng chiến tranh phá hoại, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Xuân Giang đã hỗ trợ T.Ư bảo vệ an toàn 2 trại tù Yên Hòa và Yên Thọ, tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất như nhà cửa, đất đai để trại hoàn thành nhiệm vụ cải tạo tù nhân. Các vấn đề văn hóa, xã hội cũng được Đảng bộ quan tâm, đặc biệt đối với sự nghiệp giáo dục; hoạt động văn hóa, văn nghệ sôi nổi tạo sân chơi lành mạnh, cổ vũ các tầng lớp nhân dân phát triển sản xuất. Do có nhiều thành tích trong sản xuất, năm 1968 cán bộ, nhân dân xã Xuân Giang vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba...
Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, xã Xuân Giang cũng như nhiều địa phương của tỉnh trở thành hậu phương vững chắc; hàng năm xã luôn đi đầu, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu dân công phục vụ biên giới. Khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” đã trở thành hiệu lệnh và niềm tự hào lớn của người dân Xuân Giang… Trong 3 cuộc kháng chiến, xã có 40 người con ưu tú đã anh dũng hy sinh, có 19 thương binh, 8 bệnh binh, 2 Mẹ Việt Nam anh hùng...
Vùng quê đổi mới
Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ xã Xuân Giang đã tập trung lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh sản xuất. Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XIII, tháng 8.1988 đã đề ra mục tiêu phương hướng, nhiệm vụ với chủ trương đổi mới trên cơ sở vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng vào hoàn cảnh cụ thể, vừa tranh thủ sự chỉ đạo, giúp đỡ của tỉnh, huyện, vừa phát huy nội lực của địa phương, giành được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực... Hiện nay, Xuân Giang được xác định là một trong những xã động lực của Quang Bình và là một trong 2 xã điểm chỉ đạo về xây dựng xã phát triển toàn diện. Bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2017 đạt trên 18%, thu nhập bình quân đầu người đạt 26,97 triệu đồng/năm, tổng lương thực trên 3.654 tấn. Năm 2016 xã đạt chuẩn Nông thôn mới.
Thực hiện công cuộc xây dựng Nông thôn mới, nhân dân các thôn, bản đã tự nguyện hiến 1,64 ha đất, hỗ trợ tiền và vật liệu tương đương 9 tỷ đồng, đóng góp 88.376 công lao động, cứng hóa được 24 km đường bê - tông. Sự nghiệp giáo dục chuyển biến tích cực, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng được quan tâm, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được duy trì và phát triển mạnh mẽ. Tình hình an ninh trật tự được giữ vững, các tệ nạn xã hội từng bước được đẩy lùi; xây dựng được phong trào tự quản “3 an, 4 tự, 5 cùng”, công tác quân sự địa phương được đảm bảo… Toàn xã có gần 600 con em thoát ly công tác và giữ nhiều chức vụ quan trọng tại các cơ quan trong và ngoài tỉnh...
Về Xuân Giang hôm nay, ai cũng cảm nhận được bộ mặt nông thôn đổi mới. Những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát dọc 2 bên đường khu vực trung tâm xã, những con đường bê - tông liên thôn được nối liền, hệ thống kênh mương thủy lợi nội đồng được bê - tông hóa trên khắp cánh đồng, trường học, trạm xá được xây dựng khang trang... Với tinh thần anh dũng, kiên cường trong chiến đấu, đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong lao động, Xuân Giang đã và đang khẳng định vị thế trong thời kỳ hội nhập.
Bài, ảnh: Hiến Chương
Ý kiến bạn đọc