Nghệ nhân Vàng Chá Thào gương mẫu trong hoạt động văn hóa
BHG - Nghệ nhân Vàng Chá Thào, sinh năm 1965, dân tộc Mông, thôn Chúng Pả A, xã Phố Cáo, huyện Đồng Văn có niềm đam mê loại hình văn hóa truyền thống dân gian. Anh đã đến với tiếng khèn, tiếng sáo và các làn điệu dân ca Mông từ năm 13 tuổi.
Nghệ nhân Vàng Chá Thào truyền dạy điệu múa khèn cho người dân. |
Năm 1978, anh đã tìm đến các nghệ nhân như ông Vừ Nhè Cử (xã Lũng Thầu), Vàng Nhè Chi (xã Phố Cáo) để học, tìm hiểu về nét đẹp văn hóa truyền thống và phong tục, tập quán của người Mông. Bằng sự đam mê, nhiệt huyết của mình, cùng với sự truyền dạy tận tâm của các nghệ nhân; sau 7 năm miệt mài, tìm hiểu những cái hay, cái đẹp trong các loại hình văn hóa dân gian. Đến năm 1985, anh đã cơ bản học thành thạo các loại nhạc cụ như: Khèn, Kèn, Trống, Nhị… và các làn điệu dân ca, dân vũ. Từ đó, anh thường xuyên tham gia các ngày hội, ngày lễ do tỉnh, huyện, xã tổ chức tại địa phương.
Ngoài việc tích cực hòa mình vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương, anh còn gương mẫu tham gia tuyên truyền, vận động bà con thực hiện nếp sống văn hóa. Anh thường xuyên chủ động nắm bắt, nghiên cứu các văn bản, nghị quyết của Đảng vận dụng vào trong đời sống; tuyên truyền, vận động các hộ gia đình trong xã thay đổi từ nhận thức đến việc làm trong thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang như: Không để tang dài ngày, không mổ nhiều gia súc trong đám tang gây lãng phí và ảnh hưởng đến kinh tế gia đình; ăn, uống hợp vệ sinh… Thời gian qua, anh đã vận động được 6/18 thôn thực hiện tốt nội dung trên và trực tiếp tuyên truyền, vận động nhân dân, các dòng họ trên địa bàn xã họp bàn, thống nhất khi gia đình có người chết đưa vào áo quan, để đảm bảo vệ sinh môi trường và phòng, chống bệnh lây lan; tổ chức việc cưới theo nếp sống văn minh, chống tảo hôn, kết hôn cận huyết…
Anh cũng thường xuyên tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xã củng cố, kiện toàn Hội Nghệ nhân dân gian của xã với 52 nghệ nhân, gồm 7 nhóm: Hát và kéo nhị; thầy cúng (hành nghề tín ngưỡng dân gian); thổi khèn, kèn, múa khèn, trống; may trang phục dân tộc; rèn, đúc; dệt vải và làm váy vải lanh. Ngoài ra, anh còn lưu giữ một số nhạc cụ dân tộc Mông như: Khèn, kèn, trống tại gia đình và vận dụng những kinh nghiệm, kiến thức của bản thân truyền dạy văn hóa truyền thống cho các thế hệ trẻ và các trường học trên địa bàn xã và các xã lân cận.
Với những đóng góp tích cực trong các phong trào, năm 2015, anh được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cấp Giấy chứng nhận tham gia tổ chức Ngày hội Văn hóa 10 tỉnh Đông Bắc tại tỉnh Bắc Cạn; được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích tham gia Ngày hội Dân ca, dân vũ tỉnh Hà Giang năm 2014, và nhiều phần thưởng khác...
Bài, ảnh: Quỳnh Anh (Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đồng Văn)
Ý kiến bạn đọc