Tiềm năng từ các sản phẩm nông nghiệp gắn với phát triển du lịch
BHG - Nằm trong khuôn khổ các hoạt động tại Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày - Nùng - Thái toàn quốc lần thứ VI, năm 2018 (Liên hoan); Sở VHTT&DL tổ chức Không gian văn hóa, du lịch, trưng bày và giới thiệu sản phẩm đặc trưng các dân tộc tỉnh Hà Giang từ ngày 12-14.5. Nổi bật tại Không gian trưng bày, giới thiệu là các sản phẩm nông nghiệp độc đáo, hấp dẫn; tạo ra những điểm nhấn ấn tượng đối với du khách trong nước và Quốc tế khi có cơ hội tham gia trải nghiệm tại Liên hoan lần này.
Với sự tham gia của 11 huyện, thành phố và Hiệp hội du lịch tỉnh, tại Không gian văn hóa, du lịch, trưng bày và giới thiệu sản phẩm đặc trưng các dân tộc tỉnh Hà Giang đã giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, chất lượng, mang tính đặc trưng, thế mạnh của từng vùng. Đối với 4 huyện vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn mang đến các sản phẩm như: Mật ong Bạc hà, Bột dinh dưỡng Tam giác mạch, rượu ngô men lá, các loại dược liệu qúy, sản phẩm từ cây Lanh. Các huyện vùng núi phía Tây và phía Nam có chè Shan tuyết cổ thụ, thảo quả, gạo Già Dui, tinh bột nghệ…
Du khách Quốc tế thưởng thức trà tại Không gian. |
Là tỉnh miền núi mang những đặc trưng của các tiểu vùng khí hậu khác nhau. Với sự đa dạng, phong phú về nguồn tài nguyên thiên nhiên, sư kết hợp phương thức canh tác bản địa của đồng bào các dân tộc đã tạo nên nhiều sản phẩm nông nghiệp độc đáo, riêng có cho mảnh đất địa đầu Tổ quốc. Những năm gần đây, tỉnh ta đã tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp phục vụ du lịch; tạo ra những hiệu quả, khẳng định được chất lượng, thương hiệu với du khách trong và ngoài nước. Cùng với đó, công tác quảng bá, liên kết, giới thiệu các sản phẩm du lịch đặc trưng được tỉnh ta chú trọng, đẩy mạnh thực hiện. Thông qua các Hội nghị xúc tiến Thương mại tại Hà Nội và TP.HCM, Hội chợ Nông sản vùng miền... một lần nữa, tại Không gian văn hóa, du lịch, trưng bày và giới thiệu sản phẩm đặc trưng các dân tộc tỉnh Hà Giang lần này, khẳng định được sức hút mạnh mẽ, tiềm năng từ các sản phẩm nông nghiệp đối với du khách và các nhà đầu tư, công ty, doanh nghiệp trong phát triển sản xuất, mở rộng dịch vụ du lịch trải nghiệm.
Đồng chí Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở VHTT&DL, Phó trưởng Ban tổ chức các ngày lễ lớn của tỉnh cho biết: Việc tổ chức Không gian văn hóa, du lịch trong chuỗi các hoạt động của Liên hoan nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào 19 dân tộc anh em. Đặc biệt, tỉnh ta có rất nhiều sản phẩm nông nghiệp độc đáo tại các địa phương là các mặt hàng có giá trị, chất lượng cao; góp phần hỗ trợ đắc lực cho việc quảng bá, gắn với phát triển du lịch.
Việc kết hợp giữa các sản phẩm nông nghiệp gắn với phát triển du lịch là một hình thức độc đáo, dựa trên nền tảng của hoạt động canh tác, sản xuất mà các địa phương cần hướng tới. Với việc trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh không chỉ quảng bá rộng rãi đến du khách, bạn bè Quốc tế về các địa danh lịch sử, danh lam thắng mà thông qua các sản phẩm nông nghiệp còn thể hiện những nét đẹp trong văn hóa, của đất và người Hà Giang. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, tiếp cận và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm ra ngoại tỉnh và nước ngoài.
Ông Afflitti Gianluca Bologna, du khách người Ý có mặt tại Không gian văn hóa, du lịch, trưng bày và giới thiệu sản phẩm đặc trưng các dân tộc tỉnh Hà Giang vô cùng thích thú trước sắc màu văn hóa hấp dẫn của cộng đồng các dân tộc Hà Giang. Mỗi gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm đều tạo cho ông những ấn tượng sâu sắc về các sản vật, nhạc cụ truyền thống… Đặc biệt, là người đã được thưởng thức trà tại nhiều địa phương của Việt Nam; tuy nhiên, trà Shan Tuyết của Hoàng Su Phì đã tạo cho ông sức hút mạnh mẽ từ mùi thơm, vị ngọt hậu sau khi thưởng thức. Từ đó, khơi gợi những cảm nhận tuyệt vời về vùng đất, con người Hà Giang.
Có thể khẳng định, khai thác lợi thế từ ngành Nông nghiệp gắn với phát triển du lịch là hướng đi mang nhiều tín hiệu khả quan mà tỉnh đang hướng tới. Trong thời gian qua, UBND tỉnh đã chú trọng xây dựng thương hiệu, cấp Chứng nhận Chỉ dẫn địa lý, dán Tem truy xuất nguồn gốc cho nhiều sản phẩm nông nghiệp mang tính đặc sản của Hà Giang như: Cam sành Bắc Quang, Hồng không hạt Quản Bạ, Mật ong Bạc hà Mèo Vạc... Với mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đang mở ra một hướng đi mới đầy triển vọng cho phát triển nông nghiệp, các làng nghề thủ công truyền thống của tỉnh. Đây là yếu tố góp phần giúp cho du lịch Hà Giang phát triển bền vững hơn.
Không gian văn hóa, du lịch, trưng bày và giới thiệu sản phẩm đặc trưng các dân tộc tỉnh Hà Giang là hoạt động hấp dẫn trước thềm diễn ra Liên hoan; thu hút đông đảo du khách trong nước và Quốc tế đến với Hà Giang tham quan, trải nghiệm. Các sản phẩm nông nghiệp được trưng bày tại Không gian là điểm nhấn ấn tượng đối với mỗi du khách.
Bài, ảnh: PHẠM HOAN
Ý kiến bạn đọc