Lễ cúng Hồn lúa - nét đẹp văn hóa tâm linh của người Dao đỏ Hoàng Su Phì
BHG - Đối với người Dao đỏ ở Hoàng Su Phì, lúa không chỉ gắn liền với đời sống vật chất, mà còn có ý nghĩa tinh thần, tâm linh sâu sắc. Hàng năm, đồng bào Dao đỏ đều tổ chức Lễ cúng Hồn lúa, cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu…
Người Dao đỏ xã Hồ Thầu chuẩn bị mâm cỗ cúng Hồn lúa. |
Lễ cúng Hồn lúa có từ lâu đời, phát triển cùng với nhiều thế hệ người Dao xã Hồ Thầu. Theo quan niệm của người Dao đỏ, cây lúa cũng có những phần hồn và phần xác. Trải qua ngày tháng sinh trưởng trên những thửa ruộng khi đến bồ thóc của mỗi gia đình, một vài bộ phận của cây lúa hoặc hạt thóc có thể bị chim, chuột, các loài thú phá hoại hoặc một vài hạt bị rơi vãi trong quá trình thu hoạch nên không về được đến nhà, lang thang bất định trong vũ trụ bao la. Vì vậy, muốn mùa màng tươi tốt, bội thu, hàng năm họ phải tổ chức cúng tế, gọi những phần hồn của cây lúa, lá lúa để chúng rủ nhau về với gia chủ, sinh trưởng khỏe mạnh, chống chọi sâu bệnh và làm nên mùa màng tươi tốt.
Cúng hồn lúa là biểu hiện tín ngưỡng thờ đa thần của người Dao đỏ, họ coi vạn vật đều có linh hồn với hai mặt thiện, ác. Người chủ tế có vai trò như một cầu nối giữa người với thế giới thần linh để giúp gia chủ chế ngự cái ác, nhân rộng cái tốt ở cả hai thế giới âm và dương.
Lễ cúng Hồn lúa được tổ chức vào thời điểm lúa vừa trổ bông hoặc có thể kéo dài đến mùa lúa chín. Vào thời điểm lúa chín, các gia đình bắt đầu tổ chức lễ và mời thầy trong làng về cúng. Chủ nhà phải chuẩn bị các lễ vật, đội lên đầu mẹt thóc cho thầy cúng đốt giấy gọi Hồn lúa về phù hộ cho gia đình.
Mỗi lần tổ chức lễ, cần có thầy chính và thầy phụ. Trước khi bắt đầu nghi lễ, thầy cúng lấy hai bài vị đặt lên bàn thờ Tổ tiên và nhà. Đầu tiên, thầy cúng chính thực hiện gọi Tổ tiên, quan binh gia phả, thần Bếp, Thổ địa giáng hạ bàn thờ ba lần và gọi thần Trời chứng kiến phù hộ, giúp thầy gọi thần Lúa về.
Gà luộc, bánh Chít, rượu, hương, tiền giấy, chén uống rượu là những vật phẩm không thể thiếu trong Lễ cúng Hồn lúa. Sau khi mâm cỗ cúng gồm cá Chép, xôi, bông lúa mới, rau xanh các loại, Nhộng ong, cua suối được chuẩn bị xong, thầy cúng hát vang bài khấn cầu xin Tổ tiên phù hộ; khấn trình báo tổ tiên mùa lúa đã chín và cuối cùng khấn gọi Hồn lúa về. “Một phần hồn cây lúa đi sẽ gọi 10 phần hồn về, một hạt lúa đi sẽ gọi 10 hạt lúa về, 10 hạt lúa đi gọi 100 hạt lúa về… để sinh sôi, nảy nở thành bồ thóc, kho thóc ăn quanh năm không hết”. Kết thúc bài khấn, thầy chủ tế sẽ dẫn Hồn lúa từ ngoài vào, lên bàn thờ và cuối nghi lễ, chủ nhà sẽ ra nhận bó lúa từ thầy cúng cùng những lời chúc tụng được mùa, thóc lúa đầy nhà…
Cùng với việc thực hiện các nghi lễ, các thành viên tham gia chuẩn bị vật dụng cần thiết cho việc xuống đồng, khai trương một mùa vụ mới. Các chàng trai, cô gái cũng chuẩn bị tổ chức và tham gia các trò chơi dân gian độc đáo, mang đậm màu sắc của tín ngưỡng nông nghiệp.
Anh Triệu Tà Pú, trí thức trẻ xã Hồ Thầu cho biết: “Cúng Hồn lúa mang ý nghĩa tinh thần, tâm linh truyền thống được duy trì qua nhiều thế hệ. Tổ chức cúng gọi Hồn lúa giúp gia đình một năm mới mùa màng tươi tốt, quan niệm gắn với tín ngưỡng nông nghiệp này là nét đẹp văn hóa được đồng bào Dao đỏ nơi đây duy trì thường xuyên. Ông Triệu Chòi Hín, thầy cúng chính của xã Hồ Thầu chia sẻ: Để giữ gìn bản sắc dân tộc Dao, chúng tôi đã thực hiện giảng dạy các bài cúng cho lớp trẻ, từ đó văn hóa truyền thống luôn được bảo tồn, phát huy.
Bài, ảnh: Giàng Kía
Ý kiến bạn đọc