Tạo sinh kế cho người dân từ phát triển du lịch cộng đồng
BHG - Hoàng Su Phì – mảnh đất miền Tây đầy nắng, gió của tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch. Ngoài danh lam, thắng cảnh ruộng bậc thang kỳ vĩ, nơi đây còn có những đồi chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi, những đỉnh núi cao trên 2 nghìn m so với mực nước biển và nhiều cung đường hiểm trở, thuận tiện cho việc phát triển du lịch mạo hiểm, khám phá. Những yếu tố đó đã, đang trở thành lợi thế riêng, giúp địa phương mở hướng phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ), tạo sinh kế cho người dân.
Homstay của gia đình ông Hoàng Văn Thuyên, thôn Nam Sơn, xã Hồ Thầu luôn thu hút lượng lớn du khách. |
Nhận diện rõ những tiềm năng du lịch cần được “đánh thức” của Hoàng Su Phì, năm 2016, Tổ chức Helvetas (Thụy Sĩ) đã tài trợ, triển khai thực hiện Dự án “Tăng cường sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số thông qua phát triển DLCĐ”. Dự án được Trung tâm Phát triển kinh tế nông thôn (CRED) Việt Nam điều phối thực hiện. Sau quá trình khảo sát, có 4 thôn thuộc các xã ở Hoàng Su Phì phù hợp được lựa chọn thí điểm phát triển DLCĐ. Theo đó, dự án đã hỗ trợ vốn vay với lãi suất thấp cho người dân nhằm cải tạo nhà ở; tổ chức cho người dân trực tiếp tham quan, học tập kinh nghiệm tại một số địa điểm phát triển mạnh về DLCĐ như Sa Pa (Lào Cai), Mai Châu, Đà Bắc (Hòa Bình). Đồng thời, hỗ trợ các gia đình di rời chuồng trại gia súc ra xa nhà; xây dựng chương trình văn nghệ dân gian tại các thôn; hỗ trợ xây dựng công trình vệ sinh... Ngoài ra, dự án còn tổ chức tập huấn nghiệp vụ du lịch cộng đồng như: Quản lý, vận hành Homestay, nấu ăn, thuyết minh, hướng dẫn viên, kỹ năng lữ hành… cho đại diện các gia đình kinh doanh du lịch.
Là hộ đầu tiên của thôn Nam Sơn, xã Hồ Thầu triển khai mô hình DLCĐ, ông Hoàng Văn Thuyên, chủ Homestay Đình Thuyên đã được Tổ chức Helvetas cho vay 80 triệu đồng. Ông Thuyên chia sẻ: “Ban đầu gia đình gặp nhiều khó khăn vì thiếu kinh nghiệm, thiếu vốn kinh doanh nhưng do cố gắng học hỏi nên việc kinh doanh du lịch cũng dần ổn định, thu nhập cao hơn, đỡ vất vả hơn làm nông nghiệp”. Cũng giống như gia đình ông Thuyên, mô hình DLCĐ của gia đình ông Bàn Quầy Chán, thôn Nam Sơn cũng đang phát triển tốt dưới sự hỗ trợ của dự án. Homestay nhà ông Chán mang kiến trúc truyền thống của người Dao với 9 giường ngủ, khuôn viên thoáng đãng hướng ra những thửa ruộng bậc thang hùng vĩ. “Sắp tới, ngoài việc nâng cao chất lượng phục vụ và kỹ năng phát triển DLCĐ, tận dụng lợi thế của gia đình, chúng tôi hướng đến mở thêm dịch vụ tắm lá thuốc gia truyền dân tộc Dao để tăng thu nhập” – ông Chán cho biết thêm.
Sau 2 năm đi vào hoạt động, mô hình DLCĐ tại Hoàng Su Phì đã có nhiều khởi sắc, tạo thu nhập ổn định cho người dân. Ngoài dịch vụ nghỉ qua đêm, các Homestay còn phục vụ ăn uống với các sản vật địa phương, như: Các món chế biến từ rau rừng, thịt treo… Theo tính toán của các gia đình tham gia dự án, trung bình mỗi tháng thu nhập thêm từ kinh doanh dịch vụ DLCĐ đạt 3 - 4 triệu đồng. Nhận định về Dự án “Tăng cường sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số thông qua phát triển DLCĐ”, đồng chí Trần Chí Nhân, Phó phòng Văn hóa Thông tin huyện Hoàng Su Phì cho biết: “Năm 2018, dự án sẽ mở thêm các Homestay tại một số xã trên địa bàn huyện và triển khai mô hình Bungalow – nhà riêng có diện tích nhỏ để tiếp cận lượng khách có thu nhập cao và nâng cấp chất lượng dịch vụ. Dự án cũng chủ trương nhân rộng các trò chơi cộng đồng, các tiết mục biểu diễn nghệ thuật để khách du lịch tham gia trải nghiệm”.
Với phương pháp đúng, đầu tư trực tiếp vào người dân, Dự án “Tăng cường sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số thông qua phát triển DLCĐ” đã mang lại sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Hoàng Su Phì. Ngoài việc giúp người dân nâng cao đời sống, dự án còn góp phần bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, quảng bá hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp, con người Hà Giang mến khách đến bạn bè trong và ngoài nước.
Bài, ảnh: TRẦN MAI
Ý kiến bạn đọc