Phát huy hơn nữa vai trò của Trạm Thông tin khu vực Công viên Địa chất toàn cầu
BHG - Từ khi Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận thành viên mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu (CVĐCTC), lượng khách du lịch trong nước và quốc tế biết và đến tìm hiểu rất đông. Để giúp du khách thuận tiện khi tìm hiểu về các điểm đến, đồng thời giới thiệu bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc vùng Cao nguyên đá, 4 Trung tâm Thông tin khu vực, nay là Trạm Thông tin (TTT) đã được mở tại 4 huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ.
Bảo tàng mi - ni tại Trạm thông tin khu vực Yên Minh được đầu tư, nâng cấp, bước đầu thu hút du khách tham quan. |
Cuối tháng 3 vừa qua, chúng tôi đến TTT khu vực Yên Minh (thôn Ngán Chải, xã Lao Và Chải), nơi đây có bảo tàng mi - ni mới được nâng cấp, xây dựng theo lối kiến trúc của người dân tộc Pu Péo, một trong số những dân tộc rất ít người ở nước ta. Ngày nay, bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Pu Péo đang dần bị mai một, do đó việc gìn giữ và bảo tồn là rất cấp thiết, đồng thời góp phần phát triển du lịch địa phương. Bảo tàng mi - ni, trưng bày và giới thiệu bài bản, chi tiết với 43 hiện vật, đồ dùng sinh hoạt, sản xuất hàng ngày của người Pu Péo; cùng với đó là một số di sản địa chất, văn hóa và đa dạng sinh học trên địa bàn huyện Yên Minh có chú thích rõ ràng; ngoài ra còn có máy tính phục vụ du khách tìm kiếm thông tin. Tuy nhiên, theo một cán bộ tại TTT khu vực Yên Minh: Từ khi được thành lập đến nay, việc thu hút du khách tham quan và tìm hiểu thông tin về văn hóa các dân tộc, các mô hình tại bảo tàng vẫn còn một số hạn chế.
Đồng chí Lâm Tiến Mạnh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giám đốc Ban Quản lý CVĐCTC - Cao nguyên đá Đồng Văn cho biết: Thực trạng trên diễn ra ở tất cả các TTT vùng CVĐCTC. Nguyên nhân của tình trạng này, do thời gian gần đây thực hiện việc tách, sáp nhập lại TTT nên số lượng cán bộ quản lý còn ít; các hiện vật, hình ảnh bày trí chưa mang tính chuyên nghiệp; trình độ ngoại ngữ của các cán bộ quản lý còn hạn chế. Đặc biệt, một số người dân chưa nhận thức rõ vai trò giữ gìn bản sắc cộng đồng dân tộc, ngoài ra còn hiện tượng chèo kéo, nâng giá bán các mặt hàng nên không tạo được thiện cảm của du khách.
Khắc phục những hạn chế và phát huy vai trò của các TTT khu vực CVĐCTC, trước mắt cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân thấy rõ giá trị của việc giữ gìn, bảo vệ tài nguyên di sản địa chất, địa mạo, đa dạng sinh học, di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên trên Cao nguyên đá; nêu cao vai trò tự quản của cộng đồng dân cư trong khai thác, quản lý các điểm di sản gắn với phát triển du lịch, dịch vụ; khuyến khích các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, địa chất và khám phá; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương trong việc quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị địa chất, địa mạo của CVĐCTC; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao và tác phong làm việc chuyên nghiệp. Đồng thời, đánh giá và bày trí lại các hình ảnh, hiện vật, thiết bị trong bảo tàng sao cho phù hợp; xây dựng kế hoạch cụ thể, cập nhật thông tin trên các trang thông tin điện tử, website, mạng xã hội; phối hợp hiệu quả với các đơn vị chức năng trên địa bàn nhằm cung cấp thông tin nhanh, kịp thời tới khách du lịch; phát huy hiệu quả của bảo tàng mi - ni trở thành điểm nhấn thu hút du khách lên tham quan CVĐCTC - Cao nguyên đá Đồng Văn.
Được biết, hiện nay UBND tỉnh đang phối hợp với các chuyên gia mạng lưới CVĐCTC đang xây dựng 3 tuyến du lịch mới trên Cao nguyên đá, mỗi tuyến gồm 15 điểm di sản như: “Hành trình lên khởi nguồn của sự sống”; “Giai điệu cuộc sống trên miền đá” và “Hành trình tới tự hào và hạnh phúc”. Hy vọng, khi các tuyến du lịch mới được khai thác, các TTT khu vực sẽ phát huy hiệu quả vai trò quảng bá, giới thiệu, cung cấp thông tin và những trải nghiệm thú vị cho du khách khi đến CVĐCTC – Cao nguyên đá Đồng Văn.
Bài, ảnh: Vương Mai
Ý kiến bạn đọc