Gắn bảo tồn tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với phát triển du lịch
Di sản văn hóa là điều kiện và cũng là môi trường để phát triển du lịch, có vai trò quyết định quy mô, thể loại, chất lượng và hiệu quả phát triển du lịch. Ngược lại, du lịch góp phần quan trọng vào việc phát huy giá trị của di sản văn hóa, đồng thời tạo lập tiền đề vật chất, nguồn thu để tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa. Vì thế, nói bảo tồn tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng gắn với phát triển bền vững cũng bao hàm cả nội dung phát triển du lịch.
Đối tượng được tôn vinh, thờ cúng tại Đền Hùng, theo cố GS. Trần Quốc Vượng là “hiện tượng siêu tâm linh” của người Việt - Quốc Tổ Hùng Vương. Đây không phải là Tổ riêng của một gia đình, riêng một dòng họ, riêng một xóm làng, thậm chí riêng một vùng, mà là Tổ của cả nước. Để duy trì và thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cha ông ta đã sáng tạo đồng thời hai loại hình di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Đó là hệ thống đền thờ Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng- ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, mà phạm vi ảnh hưởng đã lan tỏa ra khắp mọi vùng, miền đất nước.
Các hoạt động văn hóa tín ngưỡng trong dịp Giỗ Tổ hàng năm thu hút đông đảo du khách. |
Điều đó lý giải vì sao tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Đền Hùng, Phú Thọ được Unesco công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (12/2012) làm nên nét đa dạng văn hóa của thế giới là điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch văn hóa, du lịch tâm linh/ hành hương về cội nguồn.
Văn hóa du lịch đặt ra yêu cầu nghiên cứu, phát hiện các giá trị văn hóa tiêu biểu của Đền Hùng phục vụ cho du khách. Đồng thời, văn hóa du lịch lại góp phần giáo dục di sản văn hóa cho cộng đồng phải có thái độ ứng xử văn hóa với môi trường thiên nhiên, môi trường sinh thái- nhân văn cũng như các giá trị văn hóa của Đền Hùng. Cuối cùng, văn hóa du lịch là nhân tố tạo ra hình ảnh tốt đẹp của đất nước ta trong lòng du khách và xây dựng thương hiệu du lịch Quốc gia.
Ngành Du lịch đã xác định: “Du lịch văn hóa là hình thức du lịch dựa vào bản sắc văn hóa dân tộc với sự tham gia của cộng đồng nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống”. Còn du lịch tâm linh là sự kết hợp hai hình thức hành hương và du lịch đến những điểm thắng tích, các không gian văn hóa - linh thiêng, mà Đền Hùng là trường hợp điển hình. Bản chất của du lịch tâm linh là hướng thượng/hướng thiện, là tạo cơ hội cho du khách thực hành trải nghiệm và sống trong môi trường thanh tịnh, để được chiêm bái, cầu nguyện, tu tập kết hợp với thư giãn, chăm sóc thân và tâm của mỗi cá nhân.
Đối với chúng ta, du lịch tâm linh/ hành hương về Đền Hùng là cơ hội tiếp cận và trải nghiệm sự tích hợp các tầng “ký ức lịch sử” của nhiều thế hệ người Việt Nam về cội nguồn cao quý dân tộc (cha Rồng- mẹ Tiên), về vị Quốc Tổ khai sáng Quốc gia, dân tộc. Hành hương về đền Hùng, chúng ta còn có cơ hội tiếp cận các giá trị văn hóa truyền thống trong tín ngưỡng thờ tổ tiên và lễ hội Đền Hùng để tự thanh lọc thân –tâm mình và để nuôi dưỡng tình yêu quê hương đất nước, lòng biết ơn, tôn kính với Tổ tiên, hướng vào mục tiêu vun bồi tâm trí theo tinh thần minh triết Việt.
Khi xây dựng các dự án phát triển du lịch tâm linh/ hành hương về Đền Hùng, chúng ta sẽ đạt được nhiều mục tiêu đặt ra: Tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch mang sắc thái địa phương và phù hợp với điều kiện tự nhiên, văn hóa – xã hội của Phú Thọ; có khả năng thu hút nhiều đối tác tham gia du lịch (người dân địa phương, cơ quan quản lý Nhà nước về văn hóa du lịch, các công ty lữ hành, các tổ chức xã hội và khách du lịch); cộng đồng dân cư địa phương được tôn trọng, tự nguyện tham gia hoặc chịu trách nhiệm pháp bảo ra quyết định về các đối tượng cần bảo vệ, các giải pháp bảo vệ, phát huy giá trị Đền Hùng phục vụ du lịch và chia sẻ lợi ích từ phát triển du lịch; nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cộng đồng cư dân địa phương, các đối tác kinh doanh du lịch và du khách trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích.
“Bảo tàng hóa” di sản văn hóa trong cộng đồng là phương thức hoạt động có khả năng đạt mục tiêu kép: Bảo tồn di sản văn hóa và sáng tạo được những sản phẩm du lịch đặc sắc phục vụ phát triển du lịch văn hóa và du lịch tâm linh ở Đền Hùng. Bảo tàng hóa di sản văn hóa được hiểu là phương pháp tối ưu và hiện đại nhằm bảo vệ và phát huy di sản văn hóa (biến thành bảo tàng tại chỗ ở ngoài trời), trực tiếp ngay trong môi trường sinh thái- nhân văn, nơi di sản văn hóa được sáng tạo ra (trong lòng cộng đồng) và hiện đang tồn tại, được thực hành, đồng thời gắn bó mật thiết với đời sống thường nhật của các chủ thể văn hóa/các cộng đồng cư dân địa phương xung quanh Đền Hùng. Đối tượng được chính cộng đồng “bảo tàng hóa” bao gồm: Di sản văn hóa vật thể (Đền Hùng và các đình đền thờ Hùng Vương ở trong vùng) và di sản văn hóa phi vật thể (lễ hội, nếp sống, phong tục tập quán, cộng đồng cư dân; môi trường sinh thái - nhân văn, nơi di sản văn hóa được sáng tạo ra và hiện đang tồn tại, lưu giữ; bản thân cộng đồng cư dân địa phương các làng quanh Đền Hùng với tư cách là chủ thể sáng tạo, nắm giữ, thực hành, truyền dạy, bảo tồn di sản văn hóa, vừa là đối tượng được bảo tàng hóa.
Bảo tàng hóa di sản văn hóa trong cộng đồng được khuyến khích vì nó hỗ trợ, hướng dẫn, giúp cho các chủ thể văn hóa tự biết cách bảo vệ, giới thiệu và duy trì di sản văn hóa của mình một cách có lợi nhất cho cộng đồng. Đó cũng là phương pháp phát triển cộng đồng theo nghĩa: Nhà nước, các nhà khoa học, các công ty lữ hành, các doanh nghiệp hỗ trợ (kinh phí, hướng dẫn, đào tạo nâng cao năng lực...) để cộng đồng tự nỗ lực giải quyết những vấn đề của chính mình.
Mục tiêu bảo tàng hóa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng trong lòng cộng đồng nhằm: Giữ gìn nguyên vẹn và đầy đủ di sản văn hóa của các làng xã; khai thác và phát huy có hiệu quả di sản văn hóa của các làng xã nhằm phục vụ cho phát triển con người và phát triển du lịch; góp phần bảo vệ và xây đắp môi trường sinh thái – nhân văn bền vững ở khu vực Đền Hùng.
GS.TS Đặng Văn Bài
Phó Chủ tịch Hội di sản Văn hóa Việt Nam
Ý kiến bạn đọc