Nữ Nghệ nhân lưu giữ nghề dệt thổ cẩm và văn hóa truyền thống dân tộc Pà Thẻn
BHG - Đó là Nghệ nhân dân gian Phù Thị Thiên (sinh 1985) ở thôn My Bắc, xã Tân Bắc (Quang Bình). Chị là người am hiểu, lưu giữ và truyền dạy nhiều làn điệu múa, hát dân ca, nghề dệt thổ cẩm (DTC) truyền thống của dân tộc và những nét văn hóa truyền thống (VHTT) đặc trưng của dân tộc Pà Thẻn tại địa phương.
Nghệ nhân Phù Thị Thiên (ngoài cùng bên trái) với chị em trong Hợp tác xã Dệt thổ cẩm truyền thống My Bắc, xã Tân Bắc. (Ảnh nhân vật cung cấp). |
Sinh ra trong gia đình truyền thống dân tộc Pà Thẻn ở thôn My Bắc, tuổi thơ của chị gắn liền với hình ảnh người mẹ, người chị ngồi bên khung cửi đưa thoi, dệt vải. Ở tuổi 12, 13; chị Thiên được mẹ chỉ dạy nhận biết thế nào là khung cửi, cách thêu hoa, tạo hình hoa văn trên thổ cẩm truyền thống… Để học nhanh, nhớ kỹ, chị vừa lưu giữ bằng trí nhớ, vừa vẽ ra giấy những hoa văn phức tạp. Đến năm 16 tuổi, chị đã dệt thành thạo các loại hoa văn khó như: Hình con chó, hình thập ngoặc hay hình quả trám… Tự tay thêu, dệt được những bộ trang phục dân tộc truyền thống với khăn đội, váy, áo, chăn, gối trước khi lập gia đình; Qua đó, chị càng thêm yêu, gắn bó với nghề DTC của dân tộc Pà Thẻn. Chị kể, việc đồng áng rất vất vả, nên bộ trang phục truyền thống của dân tộc Pà Thẻn chủ yếu được mặc trong ngày cưới, ngày Tết hay dịp lễ, hội quan trọng mà thôi.
Tốt nghiệp THCS, chị theo học Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc từ năm 2001 đến 2006 (vừa học văn hóa, vừa học nghệ thuật ngành âm nhạc), rồi về tham gia công tác xã hội tại thôn, xã. Hiện, chị là cán bộ Ủy ban MTTQ huyện Quang Bình. Trong cuộc sống hàng ngày, chị luôn tâm huyết với nghề DTC, chị thường xuyên tham gia các buổi triển lãm, gặp gỡ, giới thiệu và quảng bá VHTT của dân tộc Pà Thẻn đến bạn bè trong nước, quốc tế như: Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh (năm 1999); triển lãm nghề DTC ở Thái Nguyên (2004); trưng bày sản phẩm DTC truyền thống tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội (năm 2015); Lễ hội Nhảy lửa dân tộc Pà Thẻn, Ngày hội Văn hoá các dân tộc của tỉnh hàng năm…
Đặc biệt năm 2008, được sự hỗ trợ từ nguồn vốn của Trung tâm Khuyến công tỉnh, chị đã mạnh dạn vận động, tập hợp một nhóm với hơn chục chị em có tay nghề DTC trong thôn, thành lập Hợp tác xã (HTX) DTC truyền thống My Bắc tại xã Tân Bắc, vừa truyền dạy nghề dệt cho chị em trong thôn, vừa tạo sản phẩm bán ra thị trường. Đến nay, các sản phẩm DTC của HTX ngày càng đa dạng, phong phú như: Khăn đội, trang phục dân tộc, chăn thêu, mặt gối, túi thêu đựng điện thoại… Giá trung bình của mỗi bộ trang phục truyền thống dân tộc Pà Thẻn từ 800 đến 1 triệu đồng/bộ (những bộ được chạm, gắn bạc có giá khoảng 2 – 3 triệu đồng). Nhờ sự khéo léo, tỉ mỉ, sáng tạo, các sản phẩm của HTX không chỉ phục vụ nhu cầu của khách hàng địa phương, mà còn được nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Việc thành lập HTX, vừa đảm bảo công việc ổn định cho nhiều chị em và còn truyền, dạy nghề DTC cho con em trong thôn. Nhờ đó, chị đã gìn giữ, bảo tồn và phát huy được nghề DTC truyền thống của dân tộc Pà Thẻn nơi đây.
Ngoài thời gian làm việc, chị Thiên thường gặp gỡ, trao đổi với những già làng, trưởng bản để tìm hiểu, sưu tầm thêm kiến thức về những nét văn hóa của dân tộc Pà Thẻn. Chị cũng là người tham gia tích cực vào việc khôi phục Lễ hội Nhảy lửa dân tộc Pà Thẻn (tổ chức vào ngày 16.10 âm lịch hàng năm) tại địa phương. Chị Thiên chia sẻ: “Những người già trong bản hiểu biết về VHTT của dân tộc Pà Thẻn giờ không còn nhiều, nhiều cụ cũng không biết, không nói sõi tiếng phổ thông… Giờ mình phải cố gắng tìm tòi, lưu giữ được càng nhiều kiến thức thì mới bảo tồn, gìn giữ và truyền dạy cho con cháu đời sau được; mình sẽ cố gắng không để truyền thống văn hóa dân tộc Pà Thẻn bị mai một”.
Bằng tình yêu, niềm đam mê VHTT, Nghệ nhân Phù Thị Thiên đã và đang tích cực bảo tồn, phát huy nghề DTC và những nét VHTT đặc trưng của dân tộc Pà Thẻn. Với những cố gắng, nỗ lực của mình; chị được Sở VH, TT&DL tỉnh khen thưởng vì đã có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp VH, TT&DL năm 2009 – 2010; nhiều năm liền, chị được huyện, xã khen thưởng.
YẾN VŨ
Ý kiến bạn đọc