Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao thôn Lùng Tao
BHG - Thôn Lùng Tao, xã Cao Bồ (Vị Xuyên) có 100% đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc từ trang phục, tiếng nói, chữ viết, lễ hội,… đã và đang được người dân nơi đây gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Mô hình Homestay (phục vụ ăn, nghỉ) của một gia đình ở thôn Lùng Tao. |
Mùa này, đường lên Lùng Tao được tô điểm bởi sắc thắm của những cành đào, mận và những nương Cải vàng rực. Những nếp nhà sàn nhỏ, xinh nép mình dưới chân núi của của đồng bào như rộn rã hơn bởi tiếng nói cười cùng những làn điệu hát giao duyên vang xa khắp sườn đồi. Bên hiên nhà, các cô gái Dao nhanh tay dệt vải, thêu khăn, túi; tạo ra các sản phẩm phục vụ khách du lịch. Mấy năm trở lại đây, lượng khách đến với Lùng Tao ngày càng đông, giúp người dân có thêm thu nhập từ làm du lịch, dịch vụ; đời sống của đồng bào Dao nơi đây nhờ vậy mà ngày càng khấm khá.
Phong cảnh nên thơ của thôn Lùng Tao, xã Cao Bồ. |
Thôn Lùng Tao được công nhận Làng Văn hóa du lịch cộng đồng từ năm 2009, toàn thôn hiện có 74 hộ đồng bào Dao sinh sống. Giá trị văn hóa, tinh thần của dân tộc Dao nơi đây rất đa dạng, giàu bản sắc, từ tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội, nghi lễ trong hôn nhân, thờ cúng, quy ước, hương ước của dòng họ, bản làng… “Những giá trị văn hóa này gắn liền với cuộc sống của người Dao từ bao đời nay và chúng tôi coi đó như tài sản quý để truyền lại cho các thế hệ con cháu sau này” – Trưởng thôn Lùng Tao, Đặng Văn Quang chia sẻ.
Người Dao thôn Lùng Tao hiện nay vẫn mặc trang phục truyền thống của dân tộc. Phụ nữ Dao mặc chiếc áo được thiết kế dài đến đầu gối, cổ và lưng áo thêu hoa văn, quần vải nhuộm chàm. Chị Cháng Thị Hường cho biết: Phụ nữ Dao được học thêu thùa, may vá từ nhỏ; khoảng lên 5, 6 tuổi là đã được theo mẹ lên nương để học cách trồng bông, se sợi, nhuộm chàm, dệt vải. Ngày nay, do trồng bông mất nhiều thời gian, nên chị em thường mua vải sợi ở chợ về rồi thêu hoa văn và dệt nên những bộ trang phục hoặc khăn, túi để sử dụng và phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Theo quan niệm của đồng bào Dao, nhìn vào cách thêu hoa văn ở phần đuôi áo hoặc trên khăn của người phụ nữ sẽ biết được người phụ nữ khéo hay không, có đảm đang hay không.
Một trong những nét văn hóa truyền thống đặc sắc nhất của dân tộc Dao ở Lùng Tao đó là Lễ Cấp sắc. Theo quan niệm của đồng bào, Cấp sắc là một thủ tục không thể thiếu của đàn ông dân tộc Dao, được Cấp sắc mới được coi là người đàn ông trưởng thành và có quyền tham gia các công việc của cộng đồng, làng, bản. Lễ Cấp sắc thường được tổ chức vào tháng 11, tháng 12 hoặc tháng Giêng hàng năm, vì đây là thời gian nhàn rỗi khi vụ mùa đã được thu hoạch xong; con trai từ 10 tuổi trở lên là có thể tiến hành Cấp sắc. Một trong những điểm tạo nên giá trị của nghi lễ này, chính là ý nghĩa của các lời răn dạy. Đó là sự hướng tới việc thiện, tuyệt đối không được làm điều ác, tôn trọng bề trên, hiếu thảo với cha mẹ, không phản bội, lừa gạt… Những lời giáo huấn này được thực hiện bằng lời thề dưới sự chứng giám của thần linh, trời đất, Tổ tiên và trước cả cộng đồng, dòng tộc; nên có tính giáo dục rất lớn. Trong Lễ Cấp sắc còn có rất nhiều điệu múa độc đáo của dân tộc. Hiện nay, người Dao Lùng Tao vẫn duy trì nghi lễ này một cách thường xuyên, trở thành một điểm nhấn về tâm linh thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Hiện, thôn Lùng Tao có hơn chục hộ làm dịch vụ Homestay, phục vụ du khách ăn, nghỉ. Từ cuối năm 2016, tuyến đường vào thôn đã được bê – tông hóa, giúp cho việc đi lại thuận tiện hơn, lượng khách đến với thôn cũng ngày càng tăng. Trong năm 2017, đã thu hút trên 2.000 lượt khách đến tham quan. Chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền cho nhân dân tích cực vệ sinh đường làng, ngõ xóm; phát triển các nghề truyền thống như: Dệt vải, chạm Bạc, rèn nông cụ. Thôn đã thành lập được một Đội văn nghệ dân gian gồm 6 thành viên, biết hát các làn điệu dân ca như: Hát Cọi, hát giao duyên, đối đáp,… để phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa, văn nghệ của du khách. Tổ chức các trò chơi dân gian vào những dịp lễ, Tết. Đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ nhằm tạo sinh kế bền vững cho người dân, gắn với việc phát huy những giá trị truyền thống đẹp của dân tộc…
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc