Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng
BHG - Để nâng cao nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân về việc đẩy mạnh các hoạt động học tập thường xuyên, suốt đời, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực cho tỉnh nhà; tháng 11.2014, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 200 về việc triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh. Sau hơn 3 năm triển khai, việc thực hiện Kế hoạch 200 đã đem lại những kết quả bước đầu đáng ghi nhận, góp phần nâng cao nhận thức, khơi dậy truyền thống hiếu học trong mọi tầng lớp nhân dân.
Lãnh đạo Hội Khuyến học tỉnh thăm mô hình học tập tại xã Ngọc Linh (Vị Xuyên). |
Những năm qua, Hội Khuyến học (HKH) từ tỉnh đến cơ sở không ngừng củng cố, phát triển, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động. Các cấp Hội luôn xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm của mình trong việc phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, xây dựng xã hội học tập của tỉnh nhà. Đến nay, toàn tỉnh có 3.879 Hội, Chi hội, Ban khuyến học các cấp với tổng số 233.398 hội viên, chiếm 28,67% dân số. Để thực hiện tốt Kế hoạch 200 của UBND tỉnh, các cấp Hội đã tổ chức trên 2.000 lớp tập huấn, hội thảo, hội nghị chuyên đề tuyên truyền đến đông đảo hội viên và các tầng lớp nhân dân, thu hút trên 191.000 lượt người tham gia. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.
Phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhưng còn mới đối với Hà Giang, một tỉnh miền núi biên giới, đa dân tộc, KT – XH còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí và tinh thần hiếu học không đồng đều giữa các vùng, miền trong tỉnh. Nhận định rõ những khó khăn đó nên Kế hoạch 200 của UBND tỉnh đã chỉ rõ mục tiêu: Trong năm 2015 xây dựng và thí điểm các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”. HKH tỉnh đã chỉ đạo lựa chọn, xây dựng được 447 mô hình điểm; trong đó, 187 gia đình, 112 dòng họ, 95 cộng đồng và 53 đơn vị học tập trong toàn tỉnh. Việc thực hiện thí điểm mô hình học tập đã đem lại hiệu quả tốt, tác động trực tiếp đến nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân và trách nhiệm của các gia đình, dòng họ, cộng đồng.
Sau khi sơ kết, đúc rút kinh nghiệm từ việc thực hiện thí điểm mô hình học tập, năm 2016, HKH tỉnh đã tham mưu cho chính quyền các cấp, hướng dẫn các cơ sở hội triển khai đại trà trong toàn tỉnh, với phương châm xây dựng các mô hình học tập phù hợp với điều kiện phát triển KT – XH của địa phương. Kết quả, trong năm 2016, có 33.199 gia đình đạt danh hiệu Gia đình học tập, vượt 27,18% so với Kế hoạch 200; 320 dòng họ đạt Dòng họ học tập, vượt 40% so với Kế hoạch 200 của tỉnh đề ra; 265 cộng đồng đạt Cộng đồng học tập, vượt 15,29% Kế hoạch 200. Đến năm 2017, toàn tỉnh có 85.743 Gia đình học tập, 941 Dòng họ học tập, 883 Cộng đồng học tập, 650 Đơn vị học tập, đều vượt chỉ tiêu so với Kế hoạch 200 đề ra.
Trao đổi với phóng viên, đồng chí Hạng Mí De, Chủ tịch HKH tỉnh cho biết: “Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Kế hoạch 200 của UBND tỉnh đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân; bà con vùng sâu, vùng xa đã hiểu rằng nhờ có học tập mới nâng cao năng suất lao động, tiến tới làm giàu cho gia đình và xã hội. Đồng thời, khơi dậy được truyền thống hiếu học trong mọi tầng lớp nhân dân; các cấp chính quyền ngày càng quan tâm đến công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập tại địa phương…”.
Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, việc triển khai thực hiện Kế hoạch 200 của UBND tỉnh cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế như: Công tác phối hợp giữa HKH với các cấp, các ngành chưa chặt chẽ, thường xuyên; việc triển khai Kế hoạch ở một số địa phương còn chậm, khâu đăng ký, chấm điểm, bình xét, công nhận danh hiệu ở một số nơi còn mang tính hình thức, chất lượng chưa cao; một số huyện, thành phố chưa được cấp kinh phí để thực hiện theo Kế hoạch 200 đề ra…
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc