Sau 3 năm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện công tác giáo dục ở Yên Minh
BHG - Sau 3 năm thực hiện Đề cương số 01 - ĐC/TU năm 2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về các giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực văn hóa, xã hội gắn với những mục tiêu cụ thể tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Yên Minh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 về việc đổi mới căn bản, toàn diện công tác giáo dục… chất lượng dạy và học tại các đơn vị trường học trên địa bàn huyện đã có chuyển biến tích cực.
Lớp học được trang bị máy chiếu phục vụ dạy và học tại Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Đường Thượng. |
Trên cơ sở các chương trình, đề án đã ban hành, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Yên Minh luôn xác định tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Nhằm cụ thể hóa kịp thời các nội dung của Đề án Xây dựng xã hội học tập; xóa mù chữ, phổ cập giáo dục, xây dựng trường chuẩn Quốc gia giai đoạn 2016 - 2020; chuyển học sinh Tiểu học về trường chính; đưa kỹ năng sống, văn hóa truyền thống các dân tộc vào giảng dạy; tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ, giáo viên; tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, lối sống cho thanh niên, nhi đồng giai đoạn 2015 – 2020… Phòng GD&ĐT đã tham mưu cho UBND huyện đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng nhân lực và đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các đơn vị trường học. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, ban, ngành và các tổ chức xã hội, huy động tối đa học sinh trong độ tuổi đến trường. Đổi mới kiểm tra, đánh giá, thi cử, tăng cường tiếng Việt cho trẻ Mầm non, Tiểu học, nhất là công tác phổ cập giáo dục ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn. Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng phòng học, phòng ở cho học sinh bán trú, trang thiết bị trường học. Những giải pháp mang tính đột phá, lâu dài như một làn gió mới thúc đẩy mạnh mẽ phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt” ở mỗi nhà trường.
Căn cứ vào kết quả khảo sát chất lượng học sinh chưa đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng, từ năm học 2015 - 2016, trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Đường Thượng tập trung nâng cao hiệu quả chương trình dạy học theo các chủ đề tích hợp, tăng cường các hoạt động nhằm giúp học sinh vận dụng kiến thức liên quan đến môn học vào giải quyết các vấn đề thực tiễn. Đồng thời, mỗi cán bộ, giáo viên đều cố gắng đổi mới phương pháp dạy học và quản lý, mỗi tổ chuyên môn có một sáng kiến kinh nghiệm về kế hoạch bộ môn. Dù trong điều kiện còn khó khăn, các thôn, bản ở xa, nhiều gia đình phụ huynh chưa thực sự quan tâm đến việc học tập của con em nhưng đến nay nhà trường đã làm tốt công tác vận động học sinh chuyên cần đến lớp, nên tỷ lệ duy trì sỹ số đạt 97%.
Thầy giáo Ma Văn Bảy, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Đường Thượng vui mừng cho biết: Hiện nay, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy được đầu tư mới đem lại thuận lợi cho giáo viên và học sinh. Đặc biệt, những chương trình đổi mới thiết thực đã khắc phục tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp, đầu vào lớp 6 được nâng lên. Minh chứng rõ nhất, trong năm học 2016 - 2017, nhà trường có học sinh đạt giải Nhì kỳ thi khoa học kỹ thuật; giải Khuyến khích môn Hóa học, Lịch sử cấp huyện; số học sinh khá ngày càng tăng, đạt 34/179 em, chiếm 19%. Năm học 2017 - 2018, toàn trường có 7 lớp học với 197 học sinh, nhằm duy trì và phát huy những kết quả đạt được, thầy và trò sẽ phấn đấu thực hiện phong trào thi đua “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học, tự sáng tạo gắn với xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Theo đánh giá chung, sau 3 năm đổi mới, công tác GD&ĐT huyện Yên Minh có những thay đổi rõ nét. Toàn huyện hiện có 27/55 trường phổ thông dân tộc bán trú; 9 trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1; 18/18 xã, thị trấn công nhận phổ cập mẫu giáo 5 tuổi, phổ cập giáo dục Tiểu học, Trung học cơ sở. Chất lượng dạy và học cơ bản đáp ứng được yêu cầu, tỷ lệ chuyển cấp, chuyển lớp đạt trên 95%. Mạng lưới trường, lớp không ngừng được củng cố, đầu tư khang trang, sạch đẹp, đội ngũ giáo viên các cấp cơ bản đáp ứng đủ về số lượng, chất lượng; tỷ lệ học sinh thi đỗ các trường cao đẳng, đại học tăng.
Đồng chí Phạm Ngọc Quyết, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Yên Minh cho biết thêm: Trong bối cảnh cả nước đang đổi mới toàn diện nền giáo dục thì việc nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện là một việc làm hết sức cấp thiết. Thời gian tới, ngành sẽ quyết liệt chỉ đạo các đơn vị trường học huy động tối đa học sinh trong độ tuổi đến trường, giảm tỷ lệ bỏ học giữa chừng. Song song với đó, tiếp tục triển khai dạy học theo chuẩn kiến thức kỹ năng phù hợp với từng đối tượng học sinh, tăng cường dạy 2 buổi/ngày. Duy trì mô hình nội trú, bán trú dân nuôi các cấp học, xã hội hóa giáo dục, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT-XH của huyện nhà.
Bài, ảnh: MỘC LAN
Ý kiến bạn đọc