Những điểm mới của Luật Du lịch 2017
BHG - Luật Du lịch 2017 được thông qua tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV với tỷ lệ gần 90% đại biểu tán thành và có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. Báo Hà Giang điện tử tổng hợp, đăng tải về những điểm trọng tâm của Luật Du lịch 2017.
a) Luật Du lịch 2017 lấy khách du lịch làm trung tâm
Một trong những quan điểm xuyên suốt của Luật Du lịch 2017 là lấy khách du lịch làm trung tâm của mọi hoạt động du lịch. Nhiều nội dung liên quan như quy định về quản lý khu, điểm du lịch, kinh doanh dịch vụ lữ hành, hướng dẫn viên du lịch, kinh doanh các dịch vụ du lịch khác đều đã được điều chỉnh, bổ sung để bảo đảm an ninh, an toàn, quyền và lợi ích hợp pháp của khách du lịch, tạo điều kiện thuận lợi để khách du lịch tham quan, du lịch.
b) Về chính sách phát triển du lịch
Thể chế hóa Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Luật Du lịch 2017 đã quy định các chính sách cụ thể và có tính khả thi hơn (Điều 5). Theo đó, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch được hưởng mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cao nhất khi Nhà nước ban hành, áp dụng các chính sách về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư; đồng thời Luật đã quy định một số chính sách đặc thù đối với các hoạt động du lịch theo mức độ được ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách hoặc được nhà nước khuyến khích, hỗ trợ.
Để Điều Luật này đi vào cuộc sống, cũng như Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cần phải có sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành, chính quyền địa phương thông qua việc sửa đổi, ban hành mới một số văn bản quy phạm pháp luật.
c) Về phát triển sản phẩm du lịch
Sản phẩm du lịch là yếu tố cơ bản và quan trọng trong hoạt động kinh doanh du lịch. Tuy nhiên, Luật Du lịch 2005 còn thiếu các quy định nhằm phát triển sản phẩm du lịch. Để khắc phục hạn chế này, Luật Du lịch 2017 đã bổ sung quy định:
Điểm b và điểm d, khoản 4 Điều 5: Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu, định hướng phát triển sản phẩm du lịch; đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới có tác động tích cực tới môi trường, thu hút sự tham gia của cộng đồng dân cư; đầu tư phát triển sản phẩm du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa và các sản phẩm du lịch đặc thù khác.
Điều 18. Khoản 1 khẳng định quyền sáng tạo, phát triển, kinh doanh sản phẩm du lịch của các tổ chức, cá nhân; Khoản 2 giao Chính phủ định hướng và có chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch chủ đạo phù hợp với từng vùng và trong phạm vi toàn quốc theo từng giai đoạn cụ thể; Khoản 3 giao Chính phủ quy định chi tiết về các biện pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch đối với những sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch.
Đặc biệt Luật Du lịch 2017 có 1 Điều (Điều 19) quy định về du lịch cộng đồng, đây là một sản phẩm du lịch đặc thù trên cơ sở phát huy bản sắc văn hóa du lịch của địa phương và tham gia, quản lý của cộng đồng dân cư. Phát triển du lịch cộng đồng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương còn nhiều khó khăn, mang lại lợi ích trực tiếp cho đồng bào các dân tộc.
Khoản 2 Điều 19 quy định UBND cấp tỉnh có trách nhiệm lựa chọn những địa điểm có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, có chính sách hỗ trợ hộ gia đình tham gia phát triển du lịch cộng đồng tại những nơi đó.
Khoản 3. Quy định trách nhiệm của UBND cấp xã phải tuyên truyền, giáo dục người dân trong cộng đồng có thái độ văn minh ứng xử với khách du lịch cũng như giữ gìn bản sắc văn hóa, môi trường du lịch lành mạnh, sạch đẹp.
(còn nữa) Theo Tổng cục Du lịch
Ý kiến bạn đọc