Xây dựng "Văn hóa đọc" nơi biên cương
BHG- Xác định sách, báo, tạp chí là một trong những kênh truyền tải thông tin quan trọng, phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) và là hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật mang lại hiệu quả cao, những năm qua, việc xây dựng “Văn hóa đọc”, duy trì các mô hình “Tủ sách pháp luật”, “Tủ sách quân dân” trên địa bàn biên giới, của BĐBP Hà Giang đã đạt chất lượng và hiệu quả sử dụng, khai thác khá cao.
Đọc sách, báo góp phần nâng cao kiến thức cho CBCS Đồn Biên phòng Phó Bảng. Ảnh: Thế Hà (Đồn Biên phòng Phó Bảng) |
Đến hẹn lại lên, hôm nay, Trung úy Sùng Văn Sinh, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, kiêm phụ trách Phòng Truyền thống và Tủ sách của Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận lại lựa chọn sách, báo, tạp chí để Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học xã Nghĩa Thuận (Quản Bạ) mượn luân chuyển.
Việc luân chuyển sách được thực hiện từ năm 2015. Mỗi năm học, luân chuyển 4 lần, mỗi lần gần 100 cuốn sách, báo, tạp chí cho cô và trò nhà trường đọc. Những cuốn sách từ “Tủ sách quân dân” của Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận không chỉ chứa đựng giá trị về kiến thức mà còn là tình cảm, trách nhiệm của cán bộ, chiến sỹ biên phòng với dân bản và đặc biệt là cán bộ, giáo viên, học sinh ở đây.
Thượng tá Đào Hồng Hà, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Giang, cho biết: Triển khai và thực hiện chương trình đưa sách, báo đến với đồng bào, chiến sĩ vùng cao, biên giới, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Giang đã từng bước xây dựng cơ sở hạ tầng, huy động các nguồn lực, đầu tư sách, báo cho các đơn vị trực thuộc. Để duy trì nguồn sách, ngoài sách được trang cấp, hàng năm, các bộ, ngành, đoàn thể các cấp từ Trung ương đến địa phương đã bổ sung hàng trăm ngàn quyển sách, ấn phẩm báo chí phục vụ kịp thời cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân khu vực biên giới.
Ngoài thư viện tại cơ quan Bộ Chỉ huy BĐBP, đơn vị 19 Huấn luyện và 12/12 Đồn Biên phòng đều có tủ sách, ngăn sách pháp luật. Mỗi tủ sách Đồn Biên phòng cơ sở có từ 600 đến 1.000 đầu sách và gần 19 loại báo, tạp chí. Các đầu sách về: Phổ biến giáo dục pháp luật, kỹ thuật chăn nuôi - trồng trọt, bảo vệ môi trường, y tế, văn học… đã phát huy giá trị, giúp cán bộ, chiến sỹ và bà con có điều kiện tiếp cận với các văn bản pháp luật, những phương pháp làm kinh tế, từ đó áp dụng hiệu quả vào cuộc sống và sản xuất.
Cũng từ hiệu quả của “Tủ sách quân dân”, địa bàn Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận và trên tuyến biên giới của tỉnh, đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Các vụ vi phạm pháp luật đã giảm rõ rệt.
Cô Đinh Loan Vân, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học xã Nghĩa Thuận, cho biết: Với quan điểm “đọc sách mọi lúc mọi nơi, tăng cường đọc, tăng cường hiểu biết ngôn ngữ, thầy, cô đọc sách cho các trò nghe”, ngoài Thư viện chính, nhà trường còn có mô hình “Thư viện ngoài trời” và tủ sách đặt tại khu học sinh ở bán trú. Thư viện của trường luôn tạo điều kiện cho thầy và trò đọc sách vào các giờ nghỉ hoặc trống tiết. Truyện, sách lịch sử văn hóa, kiến thức sách giáo khoa được trang cấp chưa đủ, cần củng cố và mở mang kiến thức, do đó sách luân chuyển của Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận chính là nguồn tư liệu bổ sung quá trình học, đọc của giáo viên, học sinh nhà trường, đặc biệt là sách, báo, tạp chí có nội dung về thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới và an ninh trật tự trên địa bàn. Ngoài phục vụ tại trường chính, các cô cũng luân chuyển số sách, báo tới điểm trường trực thuộc.
Đầu năm học 2017- 2018, Tủ sách của Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận lại tiếp tục cho cán bộ, giáo viên và học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS xã Nghĩa Thuận mượn luân chuyển. Cháu Hoàng Thị Khánh Huyền (dân tộc Ngạn) lớp 8A, học sinh của trường, chia sẻ: Cháu rất thích đọc sách, nhất là các sách, báo của các chú biên phòng, cháu cũng hay mượn sách pháp luật về đọc cho các bạn trong lớp và cả nhà cùng nghe.
Ở Đồn Biên phòng Phó Bảng (Đồng Văn), công tác quản lý Tủ sách pháp luật luôn được đơn vị chú trọng. Đồng chí Vàng Dũng Đình, Chính trị viên Phó Đồn Biên phòng Phó Bảng, cho biết: Đơn vị đã xây dựng được nội quy, quy chế hoạt động của Phòng đọc, Tủ sách thư viện. Lập sổ đăng ký danh mục sách, tài liệu theo số thứ tự. Việc theo dõi cho mượn, trả và cập nhật biến động các đầu sách pháp luật được thực hiện thường xuyên. Cán bộ được phân công phụ trách phòng đọc sách có trách nhiệm mở cửa hàng ngày vào giờ nghỉ, ngày nghỉ để cho cán bộ, chiến sĩ tự đọc và nghiên cứu, phục vụ thực hiện nhiệm vụ của đơn vị... Đồng thời, phân loại các tài liệu, sách pháp luật hết hiệu lực, bổ sung các văn bản pháp luật mới được thực hiện kịp thời, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của đơn vị.
Thông qua việc xây dựng, quản lý và khai thác có hiệu quả “Tủ sách quân dân”, cán bộ, chiến sỹ các đơn vị đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, Nhà nước, phổ biến kiến thức pháp luật, kinh tế - xã hội đến dân bản. Việc xây dựng và tổ chức phục vụ của Tủ sách biên phòng đã góp phần xây dựng nếp đọc sách cho cán bộ, chiến sĩ biên phòng, cán bộ, học sinh và nhân dân địa bàn. Góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Hoa Sim
Ý kiến bạn đọc