Khôi phục Làng nghề mây, tre đan xã Khuôn Lùng

07:49, 28/12/2017

BHG - Cứ thường lệ, từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần, bà con nhân dân thôn Nà Ràng, xã Khuôn Lùng (Xín Mần) lại tranh thủ thời gian nhàn rỗi, tập trung tại nhà ông Lèn Đức Quân, để nghe thầy giáo dạy nghề truyền đạt về kỹ năng đan lát và thực hành đan các vật dụng hàng ngày bằng mây, tre...

Lớp dạy nghề mây, tre đan thu hút nhiều người dân thôn Nà Ràng tham gia.
Lớp dạy nghề mây, tre đan thu hút nhiều người dân thôn Nà Ràng tham gia.

Cụ thể hóa chủ trương của tỉnh, huyện về việc xây dựng “Mỗi làng một sản phẩm” nhằm bảo tồn, giữ gìn và phát triển nét văn hóa truyền thống, phục vụ phát triển du lịch cộng đồng, đầu tháng 11, huyện Xín Mần đã triển khai mở lớp dạy nghề mây tre đan cho người dân thôn Nà Ràng. Lớp học nhận được nhiều sự quan tâm của bà con trong thôn và thu hút được 60 học viên tham gia học tập. Ông Hoàng Minh Cát, Phó Chủ tịch Hội Nghệ nhân dân gian xã Khuôn Lùng, cho biết: Nghề mây tre đan là nghề truyền thống của thôn Nà Ràng. Với nguyên liệu mây, tre phong phú sẵn có tại địa phương, nghề mây tre đan trước đây đã trở nên quen thuộc với bà con nhân dân. Tuy nhiên, trải qua thời gian với nhiều lý do khác nhau nên nghề mây tre đan thôn Nà Ràng đã bị mai một...

Thực hiện công tác khôi phục nét đẹp văn hóa truyền thống của Làng nghề mây tre đan, huyện Xín Mần đã chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương đặc biệt phát huy vai trò của Hội nghệ nhân dân gian, trưởng thôn, già làng và người có uy tín trong thôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia. Với nhiều hình thức tuyên truyền như: Lồng ghép với các cuộc họp thôn, các hoạt động xã hội của thôn và phân công cán bộ xuống các hộ dân để tuyên truyền, phổ biến. Huyện đã triển khai mở lớp dạy nghề mây tre đan ở các xã Khuôn Lùng và Quảng Nguyên. Đồng thời, liên kết với các làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội trong việc cắt cử thầy giáo dạy nghề mây tre đan có kinh nghiệm trực tiếp truyền dạy cho bà con nhân dân.

Anh Nguyễn Văn Cần, thầy giáo dạy nghề của Làng nghề Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ (thành phố Hà Nội), cho biết: Nghề mây tre đan đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì của người thợ, nhiều công đoạn như: Chọn nguyên liệu, xử lý nguyên liệu, kỹ thuật chẻ nan, đan lát và công đoạn hoàn thiện... Vì thế, bước đầu học viên cần phải học những thao tác đơn giản, đan những vật dụng hàng ngày. Sau khi thành thạo mới làm những sản phẩm đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao hơn. Qua thời gian hơn 1 tháng trực tiếp truyền dạy, bà con nhân dân thôn Nà Ràng đều rất tích cực tham gia và đến nay tất cả các học viên đã biết được những kỹ năng để tạo ra một sản phẩm mây tre đan.

Đến tham quan lớp học nghề mây tre đan, những sản phẩm do học viên làm ra được sắp xếp gọn gàng trên một tủ đựng sẵn sàng để giới thiệu cho du khách thập phương. Chị Nông Thị Vân chia sẻ: Sau khi tham gia lớp học, đến nay em đã làm tự tay làm được các vật dụng trong gia đình. Tùy vào từng sản phẩm mà thời gian hoàn thiện sẽ khác nhau. Đối với các vật dụng đơn giản như: Cơi trầu, khay, đĩa đựng hoa quả thì đan trong một ngày sẽ hoàn thiện được một sản phẩm. Đối với một số sản phẩm mang tính chất phức tạp thì khoảng 3 - 4 ngày mới làm xong một sản phẩm. Với giá bán ra thị trường từ 100 nghìn đồng đến 700 nghìn đồng/ 1 sản phẩm. Qua đó, đã giúp cho gia đình có thêm thu nhập. 

Ngoài việc khôi phục Làng nghề truyền thống mây tre đan giúp tạo công ăn việc làm tại chỗ cho người dân địa phương, đồng thời tạo nên sức hấp dẫn đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch khi đến tham quan, trải nghiệm với Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nà Ràng.

Đồng chí Vũ Thị Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Xín Mần cho biết: Để phát triển làng nghề và tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nhân dân, hiện tại huyện cũng đã hỗ trợ đầu tư cho lớp học máy chẻ nan, máy chẻ mây. Mục tiêu của huyện là giúp cho học viên nâng cao kỹ năng đan lát và thành thạo hoàn thiện 20 sản phẩm bằng mây, tre trong thời gian tới nhằm đáp ứng tính thẩm mỹ và nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Về định hướng lâu dài, huyện cũng sẽ tiếp tục duy trì và phát triển các lớp dạy nghề phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, đồng thời liên kết với các làng nghề, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tạo đầu ra sản phẩm nhằm phát triển bền vững làng nghề mây tre đan truyền thống nâng cao thu nhập cho người dân.

Bài, ảnh: Văn Long


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Trường THCS Lê Quý Đôn - Điểm sáng của ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Giang

BHG - Trong những ngày cuối cùng của năm 2017, sau khi hoàn thành nhiệm vụ học kỳ I với kết quả cao, thầy và trò trường Trung học Cơ sở (THCS) Lê Quý Đôn, thành phố Hà Giang lại bận rộn với công tác chuẩn bị tổ chức Lễ đón bằng công nhận Trường đạt chuẩn Quốc gia vào ngày 28.12.2017. Niềm vui đó, không chỉ của thầy và trò nhà trường mà còn là niềm tự hào của ngành Giáo dục thành phố về thành tích của một trường điểm luôn đứng đầu về chất lượng dạy và học.

27/12/2017
Huyện Bắc Mê khai mạc Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam

BHG - Ngày 26.12, Tại hội trường Trung tâm Văn hóa huyện Bắc Mê, Sở Văn hóa TT&DL, Sở Thông tin và truyền thông đã phối hợp với UBND huyện Bắc Mê tổ chức khai mạc Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu "Hoàng Sa,Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý". Triển lãm đã thu hút được đông đảo các cơ quan, ban ngành, lực lượng vũ trang, học sinh, đoàn viên thanh niên và nhân dân trên địa bàn huyện đến tham dự.

26/12/2017
Lễ công bố Quyết định công nhận hoàn thành thực hiện tiêu chí xây dựng Làng văn hóa du lịch gắn với xây dựng NTM thôn Hạ Thành, xã Phương Độ và thôn Lâm Đồng, xã Phương Thiện

BHG - Ngày 24.12, tại thôn Hạ Thành,  UBND Thành phố Hà Giang phối hợp với Sở VHTT&DL tỉnh tổ chức Lễ công bố Quyết định công nhận hoàn thành các tiêu chí xây dựng Làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với xây dựng NTM thôn Hạ Thành, xã Phương Độ và thôn Lâm Đồng, xã Phương Thiện. Đến dự có đồng chí Trần Mạnh Lợi, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố; Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh; cùng đông đảo bà con nhân dân và du khách thập phương. 

24/12/2017
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Khu du lịch quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030

BHG- Ngày 21.12, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Khu du lịch quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

23/12/2017