Đồng Văn bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc Mông
BHG - Thời gian qua, huyện Đồng Văn đã triển khai, tổ chức nhiều hoạt động nhằm gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mông; qua đó, tạo ra sản phẩm văn hóa, du lịch mang tính đặc trưng, thu thút khách du lịch trong và ngoài nước đến với Cao nguyên đá Đồng Văn.
Đồng chí Ly Mí Vàng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện, cho biết: Với quan điểm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông, Đồng Văn đã có nhiều cách làm cụ thể, thiết thực, như: Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đồng bào giữ gìn tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên, không theo đạo trái pháp luật, không tổ chức cúng ma khi có người ốm, người chết phải đưa vào áo quan, không tổ chức đám ma quá 3 ngày… Cấp xã, thị trấn, thôn nơi có đông đồng bào Mông sinh sống, tổ chức Lễ hội Gầu tào, khèn Mông, Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông theo định hướng của cấp ủy địa phương. Trong ngày hội, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc, các trò chơi dân gian, ném còn, đánh yến, bắn nỏ… thu hút đông đảo người dân tham gia. Đặc biệt, huyện chỉ đạo, những xã có đông người Mông sinh sống, lựa chọn xây dựng mỗi xã có một Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông, đảm bảo các tiêu chí về kiến trúc, khuôn viên theo kiến trúc truyền thống; có hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, nghề truyền thống; có đội văn nghệ, nhà văn hóa, phòng trưng bày hiện vật đặc trưng dân tộc Mông…
Ném còn - nét văn hóa đặc trưng của người Mông được người dân huyện Đồng Văn gìn giữ, phát huy. |
Cùng với các hoạt động trên, huyện Đồng Văn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn sưu tầm các hiện vật văn hóa vật thể, phi vật thể qua các thời kỳ của người Mông; vận động nhân dân hiến tặng hiện vật quý để trưng bày trong các phòng truyền thống tại Làng Văn hóa; khảo sát, lập hồ sơ đề nghị các cấp công nhận một số di sản văn hóa vật thể, phi vật thể dân tộc Mông như múa khèn, đánh yến, tục thờ cúng Tổ tiên, kiến trúc nhà ở; dành nguồn lực đầu tư, hỗ trợ thành lập làng nghề truyền thống để khôi phục một số nghề như làm khèn, đan lát, rèn, chạm bạc, may mặc, đục đá… qua đó tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo, phản ánh rõ nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng của dân tộc Mông.
Đồng chí Thào Mí Chơ, Chủ tịch UBND xã Phố Cáo, cho biết: Nhằm gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mông, xã chỉ đạo các đơn vị trường học mời các nghệ nhân dân gian đến phổ biến, truyền dạy nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào Mông cho học sinh; tổ chức các cuộc thi múa, trang phục Mông gắn với đưa văn hóa truyền thống vào trường học. Đặc biệt, Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông của xã đã tái hiện nét văn hóa, trò chơi dân gian truyền thống, thu hút hàng nghìn lượt người tham gia; điều này đã tạo khí thế vui tươi, phấn khởi, giúp người dân ý thức hơn trong gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc.
Nghệ nhân dân gian xã Phố Cáo, Vàng Chớ Thào tâm sự: Bản thân thấy rất vinh dự, tự hào khi đến các trường học trên địa bàn xã truyền dạy học sinh múa khèn, tìm hiểu phong tục tập quán, tín ngưỡng người Mông. Ở xã không còn nhiều người am hiểu, biết rõ tín ngưỡng, phong tục truyền thống nên tôi thấy mình phải có trách nhiệm hơn trong truyền dạy, gìn giữ, bảo tồn nét văn hóa cho thế hệ trẻ để không bị lãng quên, mai một”.
Việc bảo tồn, phát huy văn hóa đặc trưng dân tộc Mông ở Đồng Văn đã và đang được các cấp, ngành, người dân quan tâm, thực hiện tốt với nhiều cách làm phù hợp với điều kiện của địa phương, góp phần xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
HOÀNG NGỌC
Ý kiến bạn đọc