Vị Xuyên chú trọng kế thừa các giá trị văn hóa truyền thống
BHG- Huyện Vị Xuyên có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc lại có những phong tục tập quán riêng; tạo nên bức tranh phong phú về văn hóa. Với mục tiêu xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, huyện Vị Xuyên đã có nhiều giải pháp tích cực nhằm khơi dậy, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống (VHTT) của dân tộc.
Việc khôi phục các trò chơi dân gian đặc sắc như: Kéo co, tung còn, đẩy gậy đã thu hút sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Trong ảnh: Trò chơi đẩy gậy tại Hội khỏe Phù Đổng huyện Vị Xuyên. |
Với 19 dân tộc, nên huyện Vị Xuyên có rất nhiều phong tục, lễ hội, nghề truyền thống cần được gìn giữ và phát huy. Nếu như dân tộc Mông có Lễ hội Gầu tào, dân tộc Dao có Lễ hội Cấp sắc, thì đồng bào Tày cũng có Lễ hội Lồng tông; người Bố Y, Pà Thẻn có Lễ hội Nhảy lửa,... và các làn điệu dân ca phong phú ngọt ngào như: Hát Then, hát Cọi, hát Sli, hát Lượn. Tuy nhiên, là một huyện biên giới, địa bàn rộng, kinh tế phát triển chưa đồng đều, đời sống sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa tinh thần của một bộ phận người dân nhất là đồng bào thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới còn gặp nhiều khó khăn; cùng với xu hướng hội nhập, thương mại hóa đã khiến cho một số lễ hội, phong tục, VHTT của các dân tộc có xu hướng bị mai một.
Xác định công tác bảo tồn và phát huy các giá trị VHTT là một trong những nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt là trong thời kỳ hội nhập như hiện nay; huyện Vị Xuyên đã đưa ra nhiều giải pháp để khơi dậy, bảo tồn và phát huy các giá trị VHTT của dân tộc như: Trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, khôi phục các lễ hội truyền thống (LHTT), tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ; đưa VHTT vào giảng dạy trong các trường học; đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm kêu gọi các tổ chức, cá nhân chung tay bảo tồn, phát huy các giá trị VHTT...
Trên địa bàn huyện Vị Xuyên hiện có 4 di tích lịch sử cấp Quốc gia đó là: Chùa Sùng Khánh (xã Đạo Đức), chùa Nậm Dầu (xã Ngọc Linh), chùa Bình Lâm (xã Phú Linh) và danh lam thắng cảnh Hang Đán Poóng (xã Bạch Ngọc). Những năm qua, huyện đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa việc tu bổ, tôn tạo các di tích, góp phần khơi thông nội lực trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử. Cùng với đó, nhân dân địa phương cũng tích cực tham gia quản lý, giữ gìn và phát huy giá trị các di tích, hàng năm thu hút từ 5.000 – 8.000 lượt khách đến tham quan, thưởng ngoạn.
Ông Nguyễn Hữu Việt, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Vị Xuyên cho biết: “Hiện, huyện có 250 đội văn nghệ quần chúng, 120 đội văn nghệ dân gian, 24/24 xã, thị trấn đều có Hội Nghệ nhân dân gian (NNDG) với tổng số trên 1.000 hội viên. Các đội văn nghệ và Hội NNDG đều hoạt động rất tích cực và đã phát huy tốt vai trò trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị VHTT ở địa phương. Bên cạnh đó, các trường học đã phối hợp với chính quyền địa phương mời các NNDG đến truyền dạy văn hóa bản địa vào các giờ ngoại khóa. Nhiều lớp dạy đàn Tính, hát Then, hát Cọi, dạy nghề truyền thống được mở ra đã thu hút sự tham gia của đông đảo các em học sinh và quần chúng nhân dân, qua đó góp phần bảo tồn các giá trị VHTT tốt đẹp đang đứng trước nguy cơ mai một...”.
Trực tiếp tham gia một buổi ngoại khóa tại lớp học hát Then, đàn Tính ở xã Linh Hồ vào kỳ nghỉ hè vừa qua mới thấy hết được sự tâm huyết với văn hóa truyền thống của các NNDG. Đến lớp học từ rất sớm, mang theo cây đàn Tính, Nghệ nhân Hoàng Xuân Và chia sẻ: “Dù tuổi cao, sức yếu và nhà ở xa, đi lại rất vất vả nhưng chứng kiến các cháu nhỏ say sưa học đàn, học hát tôi thấy mình như có thêm động lực. Chúng tôi thực sự rất tâm huyết với VHTT và muốn truyền dạy lại cho thế hệ trẻ để dù sau này lớp người già chúng tôi không còn nữa thì tiếng đàn Tính và những lời hát Then, hát Cọi vẫn vang lên trong những nếp nhà sàn...”. Đến nay, xã Linh Hồ đã mở được 3 lớp dạy hát Then, Cọi cho gần 100 học viên là con em địa phương. Sau khi kết thúc khóa học, 100% học viên hoàn thành nội dung và biết hát một số làn điệu Then, Cọi truyền thống của dân tộc.
Bên cạnh đó, hàng năm huyện đều ban hành các văn bản hướng dẫn tôn tạo, trùng tu các di tích, tổ chức khôi phục các LHTT, mỗi năm duy trì từ 15 – 17 lễ hội ở các địa phương, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền và giao lưu văn nghệ phục vụ các sự kiện, các ngày lễ lớn. Khôi phục các trò chơi dân gian đặc sắc như: Kéo co, tung còn, bắn nỏ, đẩy gậy, đánh yến... tạo không khí lễ hội vui tươi, lành mạnh, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, qua đó góp phần khơi dậy, bảo tồn và phát huy các giá trị VHTT đậm đà bản sắc dân tộc.
NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc