Đóng góp quan trọng của Hội Nghệ nhân dân gian Quản Bạ
BHG- Những hội viên Hội Nghệ nhân dân gian (NNDG) huyện Quản Bạ đã phát huy vai trò tích cực trong đồng bào dân tộc thiểu số. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong tiệc cưới, việc tang; đưa văn hóa truyền thống vào trường học... đã mang đến bộ mặt Nông thôn mới cho các thôn, bản miền núi.
Tham gia Hội NNDG là những người có uy tín trong cộng đồng, có hiểu biết về pháp luật, thông thạo về hoạt động tín ngưỡng, văn hóa, văn nghệ dân gian, giỏi về làm nghề truyền thống và có khả năng khôi phục, truyền dạy những di sản văn hóa cho thế hệ sau... Trưởng ban Dân vận huyện Quản Bạ, Dương Chính Phù cho biết: “Thực hiện Đề án số 05-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng hoạt động mô hình “Hội NNDG” giai đoạn 2016 - 2020; huyện đã lựa chọn các xã: Quản Bạ, Thái An, Tùng Vài và thị trấn Tam Sơn để chỉ đạo điểm. Theo đó, Đảng ủy các xã, thị trấn tiếp tục quán triệt các quan điểm, mục tiêu và nội dung của đề án. Tổ chức rà soát, củng cố, kiện toàn Hội, đảm bảo phát huy đúng vai trò của người có uy tín”.
Nhiều năm qua ông Vàng Tờ Phủ, một nghệ nhân truyền dạy khèn Mông cao tuổi ở xã Thanh Vân không chỉ thường xuyên tham gia các lớp dạy thổi khèn Mông ở huyện mà còn là một thành viên tích cực trong việc vận động các gia đình người Mông từ bỏ phong tục lạc hậu trong việc tang. Ông Phủ cho biết: “Chúng tôi tham gia vào Hội vì muốn truyền dạy nghề khèn cho thế hệ trẻ, để bản sắc dân tộc không bị mất đi. Đồng thời, tôi cũng đi vận động bà con trong xã bỏ hủ tục trong việc ma chay. Trước đây, dân tộc Mông làm tiệc tang dài ngày nên rất tốn kém, thường mổ mấy con trâu, bò; trong khi nhà nghèo khó nên nợ nần trả từ đời bố sang đời con không hết. Vì vậy, chúng tôi phải đi vận động bà con từ bỏ tập tục này để đời sống văn minh hơn. Các hội viên đã thống nhất các quy định chi tiết về mức thù lao khi đi cúng, làm lễ tại các đám hiếu, hỷ; quy định cụ thể thời gian, hình thức tổ chức đám hiếu, hỷ”. Thông qua các hoạt động của Hội là một trong những biện pháp quan trọng góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết TW 5 (khóa VIII) của Đảng về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” thúc đẩy mạnh mẽ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào chiều sâu, thiết thực.
Sau 5 năm triển khai mô hình, kết quả bước đầu cho thấy sự hình thành và phát triển của Hội NNDG là một chủ trương đúng của tỉnh; nhằm phát huy tinh thần tự nguyện, tính tự quản của các nghệ nhân và quần chúng nhân dân. Các nghệ nhân đã phát huy vai trò của mình, gắn với tuyên truyền xây dựng Nông thôn mới, xây dựng Làng Văn hóa - du lịch điển hình, bảo tồn và phát triển các làng nghề; lưu giữ vốn văn hóa vật thể, phi vật thể và văn hóa tín ngưỡng, các phong tục tập quán tích cực của các dân tộc. Chủ động tập hợp, phát huy vai trò của những nghệ nhân có tâm, có tài năng sáng tạo, gìn giữ, truyền dạy nghề và những giá trị văn hóa dân gian cho thế hệ sau.
Tuy nhiên, theo đồng chí Dương Chính Phù cho biết: “Vai trò định hướng của cấp ủy Đảng, chính quyền đối với hoạt động của Hội còn hạn chế, chưa có sự vào cuộc đồng bộ; nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền ở cơ sở chưa cao”. Để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của Hội NNDG cần khuyến khích từng nghệ nhân tham gia sáng tác các tác phẩm về chủ đề lễ hội truyền thống của các dân tộc. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa cần có định hướng sân khấu hóa cho các tác phẩm để phục vụ tuyên truyền.
Lê Hải
Ý kiến bạn đọc