Nhớ... Pờ Chừ Lủng!
BHG- Trong những ngày chuẩn bị kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1925 – 21.6.2017), dường như trong mỗi suy nghĩ của những người làm báo nơi địa đầu cực Bắc Tổ quốc đều dành thời gian hồi tưởng lại những trang sử vàng của Báo chí cách mạng Việt Nam trong gần một thế kỷ qua. Chính vì thế, có lẽ ai cũng bừng lên niềm khao khát được đem sức khỏe, trí tuệ của mình cống hiến cho quê hương, đất nước. Tôi cũng vậy, khi những cơn mưa đầu mùa xối xả trút xuống trong những ngày vừa qua, lại khiến tôi trăn trở khi nhớ về một Pờ Chừ Lủng – nơi tận cùng non cao của xã Ngam La (Yên Minh).
Giữa năm 2016 trong chuyến công tác bám nắm địa bàn huyện Yên Minh theo sự phân công của cơ quan, trong câu chuyện của một chuyên viên Văn phòng Huyện ủy Yên Minh về một thôn được coi là sâu, xa và khó khăn bậc nhất của huyện, tôi đã tự hứa với bản thân mình trong thời gian sớm nhất phải đến được địa phương này để ghi nhận thực tế về những khó khăn của nơi đó. Ngày 7.9.2016, sau khi liên hệ và nhận được sự nhất trí của cấp ủy, chính quyền xã Ngam La, tôi lên đường đến với Pờ Chừ Lủng. Dẫn đường và đưa tôi đi là đồng chí Tẩn A Nhùng, Bí thư Đoàn xã Ngam La, người được phân công phụ trách thôn Pờ Chừ Lủng và một thầy giáo của Trường tiểu học xã. Do điều kiện địa hình chia cắt và diện tích mặt bằng hẹp nên thôn Pờ Chừ Lủng được chia làm 3 cụm dân cư (người trong thôn gọi là 3 tổ). Cả thôn có hơn 50 hộ dân sinh sống với 100% là dân tộc Mông. Tổ 1 của thôn có 12 hộ dân và là tổ thuận lợi nhất khi có đường cấp phối nối vào tuyến đường liên thôn Sủng Hòa – Cốc Peng về trung tâm xã. Tuy nhiên đoạn đường này có độ dốc rất lớn và đã bị nước mưa rửa trôi nhiều năm nên chỉ còn trơ lại những hòn đá đủ mọi kích cỡ lởm chởm trên nền đường rất khó đi. Tổ 2 và 3 có 39 hộ nhưng muốn đến thôn hoàn toàn phải leo bộ từ thôn Sủng Hòa qua những sườn núi, nương ngô của người dân dựng đứng, lởm chởm đá. Với ý nghĩ, đã đến Pờ Chừ Lủng thì nhất định phải đến nơi khó khăn nhất. Tôi đề xuất với anh Nhùng đưa đến tổ 2 và 3 của thôn. Chính vì vậy, xuất phát từ trung tâm xã lúc 8 giờ sáng, nhưng phải đến 11h30 chúng tôi mới tới được khu trung tâm của tổ 2 và 3.
Đúng như những gì tôi được nghe kể và hình dung trong đầu, cả 2 tổ dân cư gần 40 nóc nhà, nhưng chỉ lác đác vài ngôi nhà được lợp bằng fibro – xi măng hoặc tôn và hoàn toàn không có ngôi nhà được xây dựng bằng gạch, đá, xi măng. 100% các ngôi nhà nơi đây là nhà gỗ và phần lớn mái nhà cũng được lợp bằng... ván gỗ. Người dân nơi đây cho biết: Những năm trước, vì không có đường nên chẳng có cách nào để mang vật liệu xây dựng vào thôn. Cho nên họ chỉ còn cách xẻ gỗ ra làm nhà, lợp mái. Trâu, bò, dê của người dân muốn mua về nuôi cũng phải thay nhau gùi hoặc vác lên thôn. Khi mang đi bán phải thịt trước từ thôn rồi gùi thịt xuống chợ. Chính vì vậy, 100% các hộ dân đều thuộc hộ nghèo.
Ngoài khó khăn về đường, nước sạch ở đây cũng là một trăn trở. Nước sinh hoạt của người dân hoàn toàn phụ thuộc vào... ông trời. Mưa xuống thì có nước sạch. Những tháng mùa khô, cả tháng không có một hạt mưa, người dân nghĩ ra cách đào các hố sâu xuống đất 3 đến 4m, thậm chí sâu hơn nữa để chờ nước ngấm ra từ lòng đất mới có nước dùng. Những hố nước này vừa không đảm bảo vệ sinh do nhiều loại côn trùng, động vật, cây cỏ rơi xuống chết và đặc biệt là tiềm ẩn nguy hiểm cho người dân, trẻ nhỏ và động vật nếu không may rơi xuống. Theo anh Lù Mí Quả, người dân trong thôn cho biết: Chuyện gia súc không may rơi xuống hố chết thì thường xuyên, thậm chí ở tổ 1 của thôn đã có người chết do rơi xuống hố mà không ai biết....
Người dân đã khổ, giáo viên cắm bản nơi đây còn khổ hơn, nhất là các cô giáo. Hai cô giáo dạy điểm mầm non của thôn là Lý Thị Long và Lừu Thị Tiên rưng rưng nước mắt tâm sự với chúng tôi: “Chúng em mới được điều chuyển lên thôn được hai tháng để thay cho 2 cô giáo trước ở đây chuyển về thôn vùng thấp. Nếu chỉ tính đi bộ từ thôn Sủng Hòa vào đây chúng em đi nhanh cũng mất 3 tiếng, không may đang đi trời mưa thì phải mất 4 tiếng. Cuối tuần được nghỉ 2 ngày về nhà thì tính ra đi lại đã mất một ngày rồi. Ở đây nước thiếu, điện lưới cũng chưa có, chỉ có đường điện do dân tự kéo về nên dùng cũng không được ổn định. Sóng điện thoại cũng không nên gần như đến thôn là tách biệt với bên ngoài. Ở nhà các con có ốm hay có việc cấp bách cũng phải đến cuối tuần về mới biết...”.
Những lời chia sẻ của các cô giáo và cán bộ đưa tôi đến thôn khiến tôi chỉ muốn có thể ở lại Pờ Chừ Lủng để cảm nhận được hết những khó khăn, vất vả mà người dân và giáo viên nơi đây đang gặp phải. Nhưng sau bữa cơm trưa đầm ấm với người dân và các giáo viên nơi đây chúng tôi phải trở về xã, nếu không trời tối sẽ không thể... xuống núi. Ánh mắt của các thầy, cô giáo nhìn theo khi chúng tôi rời đi khiến tôi không thể nào quên.
Quãng đường xuyên qua những tán rừng già sang tổ 1 trở về trung tâm xã, cơn mưa rừng bất chợt khiến chúng tôi ướt như chuột lột. Thế mới thấy rằng người dân nơi đây mỗi khi muốn xuống núi hay về thôn vất vả biết bao. Cũng chính vì vậy, đến thời điểm này, chuyến đi đến Pờ Chừ Lủng trở thành kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với tôi trong quãng thời gian công tác vừa qua.
DUY TUẤN
Ý kiến bạn đọc