Hiệu quả Cuộc vận động "Phụ nữ dân tộc thiểu số học chữ và nói tiếng phổ thông"
BHG- Không biết chữ và nói tiếng phổ thông đồng nghĩa với việc “cánh cửa” giao tiếp với thế giới bên ngoài gần như bị đóng lại; mọi cơ hội để được học tập, vươn lên phát triển kinh tế và tham gia các hoạt động xã hội khác đều rất khó khăn. Để tháo gỡ “rào cản” này giúp chị em phụ nữ dân tộc thiểu số, Hội LHPN tỉnh đã chủ động triển khai Cuộc vận động “Phụ nữ dân tộc thiểu số học chữ và nói tiếng phổ thông”.
Phụ nữ xã Phú Nam (Bắc Mê) tích cực tham gia lớp học xóa mù chữ. |
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 50% chị em phụ nữ dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới mù chữ, tái mù chữ và không biết nói tiếng phổ thông, đây thực sự là khó khăn lớn trong cuộc sống hàng ngày của chị em. Hầu hết các chị đều bị động, khó hòa nhập với cuộc sống, không biết tính toán để làm ăn, xem ti vi không hiểu nội dung, không nắm bắt được chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để thực hiện; khi làm thủ tục giấy tờ phải dùng tay điểm chỉ... Từ thực tế ấy, năm 2012, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo thực hiện điểm Cuộc vận động “Phụ nữ dân tộc thiểu số học chữ và nói tiếng phổ thông” tại xã Lùng Tám (Quản Bạ). Sau đó, nhân rộng đến các cấp Hội trong toàn tỉnh.
Cuộc vận động “Phụ nữ dân tộc thiểu số học chữ và nói tiếng phổ thông” đã được chị em tích cực hưởng ứng. Các cấp Hội linh hoạt tổ chức cho chị em học tiếng phổ thông bằng nhiều hình thức như: Chồng dạy vợ, con dạy mẹ, học qua bạn bè; thành lập nhóm chị em nòng cốt, nhóm học qua sinh hoạt câu lạc bộ, nhóm học qua sinh hoạt chi, tổ, hội và nhóm tự học. Sau học tiếng, Hội phối hợp với ngành Giáo dục mở các lớp xóa mù chữ cho chị em. Biết tiếng phổ thông và biết chữ, chị em tự tin hơn trong giao tiếp, tiếp thu được các kiến thức của cuộc sống thường nhật qua các kênh truyền hình, nghe đài phát thanh, thông qua sinh hoạt chi, tổ, hội, từ đó có kiến thức để phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong 6 tháng đầu năm, Hội phụ nữ các cấp đã phối hợp với các Phòng Giáo dục mở 92 lớp xóa mù chữ cho 2.195 phụ nữ tham gia học tập. Hội LHPN tỉnh và Sở GD&ĐT tổ chức ký kết Chương trình phối hợp “Xoá mù chữ cho hội viên, phụ nữ giai đoạn 2017- 2021” với mục tiêu đến hết năm 2021 sẽ phối hợp vận động và tổ chức mở 60 lớp XMC cho trên 1.600 hội viên, phụ nữ. Có mặt tại lớp học xóa mù chữ vào buổi tối của phụ nữ thôn Tắn Khâu, xã Phú Nam (Bắc Mê), chứng kiến sự háo hức đến lớp của các chị đủ mọi lứa tuổi, tôi chợt nhận ra, nhu cầu được học tập và hiểu biết xã hội của chị em phụ nữ rất lớn. Trước đây, vì điều kiện gia đình khó khăn, vì định kiến con gái không được đến trường, hay vì nhiều chị em sau khi học chữ nhưng không thường xuyên sử dụng nên đã quên và tái mù... dẫn đến những hệ lụy khó khăn trong cuộc sống; thì nay, trước nhu cầu học tập của phụ nữ, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ngành đoàn thể cần quan tâm đến công tác xóa mù chữ và đẩy mạnh phong trào xây dựng xã hội học tập; triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Xóa mù chữ đến năm 2020”; Kế hoạch số 200/KH-UBND ngày 13.11.2014 của UBND tỉnh về đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ về tầm quan trọng, sự cần thiết của việc biết chữ, biết tiếng phổ thông; tổ chức cho hội viên, phụ nữ tự nguyện đăng ký, cam kết tham gia học tiếng phổ thông và học các lớp xóa mù chữ tại cơ sở; phối hợp tổ chức các hình thức xóa mù chữ linh hoạt, phù hợp điều kiện thực tế tại cơ sở và tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số; nhằm thu hút, huy động tối đa số hội viên, phụ nữ chưa biết chữ đi học
Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Lê Thị Bích Hằng, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh chia sẻ: “Việc xóa mù chữ cho phụ nữ dân tộc thiểu số là rất cần thiết. Biết chữ, đồng bào sẽ tiếp thu chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước hiệu quả hơn, biết cách để tiếp nhận thông tin, kiến thức, áp dụng vào thực tiễn để nâng cao chất lượng cuộc sống. Vì vậy, bằng nhiều giải pháp hiệu quả, chúng tôi quyết tâm đến cuối nhiệm kỳ này, có 70% phụ nữ dân tộc thiểu số sử dụng thành thạo tiếng phổ thông và phối hợp tổ chức 15 lớp xóa mù chữ/năm, cho trên 400 hội viên, phụ nữ”.
AN GIANG
Ý kiến bạn đọc