Hạnh phúc gia đình là sự yêu thương và chia sẻ!
BHG- Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Từ bao đời nay, gia đình Việt luôn được hình thành và phát triển dựa trên những giá trị truyền thống, đạo đức tốt đẹp về tình yêu, sự thủy chung, chia sẻ, hiếu nghĩa, chăm chỉ, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách, góp phần vào sự phát triển chung của xã hội.
Yêu thương và chia sẻ giúp vợ chồng ông Nguyễn Thái Học và bà Nguyễn Thị Khủy, thôn Tân thành, xã Phương Độ (TP Hà Giang) có hạnh phúc bền chặt hơn 30 năm nay. Ảnh: Tư liệu |
Gia đình nơi duy trì nòi giống, hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người; nơi bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp và trở thành bức bình phong vững chắc để chống lại các tệ nạn xã hội. Để xây dựng gia đình hạnh phúc và ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình (BLGĐ), những năm qua, tỉnh ta đã chỉ đạo việc tổ chức triển khai thực hiện Luật Phòng, chống BLGĐ; Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới... với nhiều hình thức như: Mít tinh, diễu hành, cổ động; tuyên truyền tại chợ phiên, tụ điểm đông dân cư... Các cấp, các ngành tích cực tổ chức các hoạt động truyền thông về các phẩm chất của người phụ nữ “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” cho các tầng lớp nhân dân, nhân rộng mô hình hoạt động của các câu lạc bộ: Xây dựng gia đình hạnh phúc, gia đình không có bạo lực gia đình, không sinh con thứ 3 trở lên. Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, hiện nay, toàn tỉnh có trên 96.300 gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa” (chiếm 56,6% số hộ gia đình), họ là những gia đình hòa thuận, hạnh phúc, kinh tế ổn định, có kế hoạch sản xuất, kinh doanh, học tập, công tác, gương mẫu trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Thông qua các hoạt động đó đã góp phần nâng cao nhận thức, tự giác, chia sẻ công việc gia đình của nam giới với người phụ nữ, tạo sự bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình, xóa dần những quan niệm, khoảng cách bất bình đẳng về giới trên mọi lĩnh vực, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, từng bước đẩy lùi BLGĐ.
Tuy nhiên, do sự phát triển của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và sự bùng nổ của công nghệ thông tin, mạng xã hội khiến cho cấu trúc và quan hệ trong gia đình Việt đang có nhiều thay đổi. Bên cạnh những thay đổi tích cực như: Các thành viên trong gia đình trở nên dân chủ, bình đẳng, phụ nữ được tham gia nhiều hơn vào các hoạt động xã hội; con cái có quyền lựa chọn về tình yêu, nghề nghiệp... thì mối quan hệ gia đình cũng ngày càng đứng trước nhiều nguy cơ đổ vỡ; tình trạng mất cân bằng giới tính, xung đột, bất hòa giữa các thành viên trong gia đình, ngoại tình, ly hôn, BLGĐ có chiều hướng gia tăng. Cách xưng hô, ứng xử trong gia đình tùy tiện, thiếu chuẩn mực; nhiều gia đình không có thời gian để quây quần với nhau bên mâm cơm đầm ấm. Đặc biệt, sự bùng nổ của công nghệ thông tin và mạng xã hội hiến nhiều người “sống ảo”; thay vì quây quần, trò chuyện, sẻ chia với nhau sau một ngày lao động vất vả, thì giờ đây, không khó để bắt gặp cảnh trong một gia đình sau bữa cơm tối, mỗi thành viên ôm lấy một chiếc điện thoại hay máy tính và sống với thế giới riêng của mình. Đặc biệt BLGĐ có chiều hướng gia tăng, vi phạm đến quyền con người, danh dự, nhân phẩm và tính mạng của mỗi cá nhân; làm xói mòn các giá trị truyền thống tốt đẹp, tác động xấu đến môi trường giáo dục thế hệ trẻ, gây ra những tác động tiêu cực đến đời sống KT - XH. Nạn nhân chủ yếu là ở nhóm phụ nữ, trẻ em. Sự tồn tại của BLGĐ liên quan đến nhận thức không đầy đủ của người dân, sự quan tâm chưa đầy đủ ở một số cơ quan có thẩm quyền về hành vi bạo lực gia đình; sự thiếu hiểu biết về pháp luật và nghiêm trọng hơn, nhiều nạn nhân của BLGĐ có thái độ cam chịu, chấp nhận và cho rằng đó là “việc riêng của gia đình”. Để ngăn chặn và đẩy lùi BLGĐ, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và toàn xã hội.Nhằm đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể và tổ chức xã hội trong việc quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, ngày 4.5.2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg lấy ngày 28.6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam. Đây là một sự kiện nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt, là dịp để các thành viên trong gia đình quan tâm đến nhau, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Gia đình, nơi trở về sau những lo toan bộn bề của cuộc sống, nơi luôn chào đón, chở che ta sau mỗi lần vấp ngã. Dù đang ở đâu, làm gì, chúng ta hãy luôn hướng về gia đình mình bằng tất cả sự yêu thương và chia sẻ.
AN GIANG
Ý kiến bạn đọc