Đừng để hệ thống di tích khảo cổ học ở Bắc Mê rơi vào quên lãng
BHG- Những năm gần đây, huyện Bắc Mê đã có sự quan tâm thúc đẩy KT-XH của huyện phát triển và tăng trưởng nhanh; đó là dấu hiệu đáng mừng ở một huyện đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên hiện nay, các di tích khảo cổ học (DTKCH) đang đứng trước thực trạng sau khi công bố thì dường như đã bị bỏ quên...
Hang Nà Chảo (thôn Nà Chảo, xã Yên Cường, Bắc Mê) cả năm không có một đoàn khách nào đến tham quan. |
Công nhận rồi... bỏ quên (!?)
Có thể nói, Bắc Mê là cái nôi của cách mạng và cũng là địa danh sơn thuỷ hữu tình vì trong 8 di tích lịch sử (DTLS) được Nhà nước xếp hạng thì huyện Bắc Mê có tới 3 di tích. Ngoài DTLS văn hoá Căng Bắc Mê do thực dân Pháp xây dựng vào năm 1939 là nơi giam cầm các chiến sỹ cách mạng của ta được Nhà nước công nhận năm 1992; huyện Bắc Mê còn 2 DTKCH được Nhà nước công nhận vào năm 2001 đó là hang Đán Cúm và hang Nà Chảo thuộc xã Yên Cường. Theo các nhà khảo cổ học cho biết, qua các công cụ tìm thấy trong hang thì nơi đó đã có người Việt cổ sống cách thời đại chúng ta khoảng 8 nghìn năm. Di tích khảo cổ là một bộ phận quan trọng của di sản văn hóa dân tộc, là những gì còn lại với thời gian. Sau khi DTKCH được công bố, phát hiện thì hang Đán Cúm và hang Nà Chảo dường như bị bỏ quên. Không được đầu tư khai thác; hệ thống điện không có, đường đi lại thì khó khăn... Bên cạnh đó, vùng lòng hồ thuỷ điện kết nối giữa 3 tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang và Bắc Kạn rất hấp dẫn đối với khách tham quan, du lịch với những loài thuỷ sản phong phú đã được ghi vào sách đỏ Việt Nam như cá Dầm xanh, Anh vũ, tôm Bó Củng; ngoài ra, du khách còn được chiêm ngưỡng những cánh rừng nguyên sinh với thiên nhiên hùng vĩ, danh lam thắng cảnh tươi đẹp, quần thể DTLS văn hoá ghi lại truyền thống yêu nước đấu tranh anh dũng của nhân dân các dân tộc huyện Bắc Mê nói riêng và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang nói chung. Vì thế, “bảo tồn” và “phát triển” về văn hóa luôn đan xen, song hành. Điều này có nghĩa là cùng một lúc phải bảo lưu cho được những giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ những DTLS, không gian, cảnh quan thiên nhiên vốn có, nhưng đồng thời phải đảm bảo phát triển một cách hài hòa có định hướng (bảo tồn thích nghi). Do vậy, đòi hỏi các phương án, giải pháp cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa nói chung và hệ thống DTKCH nói riêng ở Bắc Mê phải được đặt ra một cách khẩn trương.
Nhiều đoàn khách thiếu ý thức đã viết, đánh dấu ở bên trong hang Đán Cúm Di tích khảo cổ học tại thôn Tiến Xuân, xã Yên Cường. |
Thách thức trong việc bảo tồn:
Thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (Khoá VIII) và Kết luận Hội nghị T.Ư 10 (Khoá IX) về tiếp tục xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; DTLS văn hoá Căng Bắc Mê, hang Đán Cúm và hang Nà Chảo thuộc xã Yên Cường huyện Bắc Mê là nơi chứa đựng những giá trị đặc sắc về nền kiến trúc thời Pháp thuộc và những giá trị văn hoá vật thể của người Việt cổ đã sống cách niên đại chúng ta hàng vạn năm. Mặc dù đã có những điều kiện tự nhiên và bản sắc văn hoá độc đáo của các di tích được Nhà nước công nhận và xếp hạng DTLS văn hoá nhưng mới chỉ dừng lại ở việc sưu tầm, nghiên cứu, chưa được khai thác cũng như giới thiệu quảng bá đối với 3 di tích. Nhìn chung việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá vật thể của 3 thôn: Cốc Phát, Tiến Xuân và Nà Chảo của xã Yên Cường huyện Bắc Mê đã được bảo tồn, tôn tạo nhưng chỉ ở phạm vi hẹp, đầu tư manh mún chưa thường xuyên, chưa có định hướng nên chưa thu hút khách du lịch.
DTKCH hang Đán Cúm là một ví dụ, vì không có kinh phí, nên sau khi được công nhận, dự định xây dựng nơi đây thành điểm đến của du khách để phục vụ du lịch nhưng đến nay chưa thấy thực hiện. Di tích khảo cổ không những không thành nơi phục vụ du lịch, mà trở nên đìu hiu, vắng lặng. Trước thực trạng đó, việc tìm các giải pháp đồng bộ, đặc biệt là các giải pháp nhằm để lưu truyền, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá vật thể, sự cần thiết phải công nhận điểm du lịch đối với ba DTLS của huyện Bắc Mê, qua đó sẽ tạo cơ sở cho nhân dân trong huyện và khách du lịch tìm hiểu rõ hơn về giá trị lịch sử văn hoá của huyện Bắc Mê nói riêng và giá trị lịch sử văn hoá của tỉnh Hà Giang nói chung.
Tại rất nhiều cuộc họp, chính quyền địa phương và người dân huyện Bắc Mê đã có ý kiến cần phải có hành động cụ thể để những DTLS văn hoá Căng Bắc Mê, hang Đán Cúm và hang Nà Chảo không rơi vào quên lãng. Những di tích này cần phải được giữ gìn, bảo vệ chặt chẽ, chu đáo; đồng thời phải có sự phân công, phân cấp và quy trách nhiệm quản lý thật rõ ràng. Mặt khác, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị các nhu cầu thiết yếu để phục vụ du khách đến tham quan, tìm hiểu.
Văn Quân
Ý kiến bạn đọc