Không bảo tồn sẽ không thể xây dựng và phát triển Công viên đá
BHG - Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành Công viên Địa chất toàn cầu (CVĐCTC) là bởi những giá trị địa chất, địa mạo và những kiến tạo độc đáo của địa chất nơi đây. Vì thế, nó như một bảo tàng về địa chất của nhân loại và chứa đựng tiềm năng cho phát triển du lịch, trở thành sinh kế cho người dân. Bảo vệ di sản trong điều kiện Công viên có hàng vạn người dân đang sinh sống và việc phải hài hòa với nhu cầu xây dựng và phát triển của các địa phương là một điều không dễ dàng.
Thực hiện các tiêu chí khuyến nghị của Chuyên gia Mạng lưới CVĐCTC trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị của CVĐCTC - Cao nguyên đá Đồng Văn, những năm qua chúng ta đã và đang rất nỗ lực trong điều kiện của một tỉnh khó khăn. Công viên đã được tái đánh giá tư cách thành viên lần thứ nhất vào năm 2014 và đang chuẩn bị trải qua kỳ tài đánh giá lần thứ 2 vào năm 2018. Chúng ta đang đặt rất nhiều kỳ vọng và quyết tâm biến nơi đây trở thành một Khu du lịch Quốc gia.
Khách du lịch nước ngoài ngày càng biết đến Cao nguyên đá nhờ vẻ đẹp tự nhiên và kiến tạo địa chất độc đáo. Trong ảnh: Du khách thăm Đài vọng cảnh khu vực Cổng trời Quản Bạ. |
Trong quá trình xây dựng và phát triển, bên cạnh những địa phương tích cực và nỗ lực trong công tác quản lí, bảo vệ các di sản, vẫn còn có những địa phương chưa thực hiện tốt trách nhiệm về bảo vệ, khai thác các giá trị của Công viên đá. Điển hình như việc một số nơi còn để xảy ra tình trạng khai thác đá làm vật liệu xây dựng (VLXD) trong khi không giấy phép khai thác, phá vỡ cảnh quan môi trường...
Theo một báo cáo của Sở Tài nguyên và môi trường, tính đến tháng 12.2016, cho thấy: Ngành chức năng và các huyện vùng Cao nguyên đá đã tiến hành kiểm tra 37 cơ sở khai thác khoáng sản (đá) làm VLXD thông thường trên địa bàn thì tại Mèo Vạc, trong số 7 cơ sở khai thác đá vôi, cả 7 điểm trên đều chưa được cấp có thẩm quyền cấp phép (đăng ký) khai thác; tại Yên Minh có 16 cơ sở khai thác đá làm VLXD thông thường thì có đến 14 điểm chưa cấp phép khai thác, 2 điểm được cấp giấy phép, nhưng chưa hoàn thiện các thủ tục sau cấp phép; Quản Bạ có 12 cơ sở khai thác đá làm VLXD thông thường thì có 8 điểm khai thác chưa cấp phép khai thác.
Mới đây nhất, tại Công văn số 875, ngày 13.3.2017 của UBND tỉnh về “Kiểm tra, xử lý tình trạng khai thác khoáng sản làm việt liệu xây dựng thông thường trái phép trên địa bàn”, trong đó có chỉ rõ trên địa bàn Cao nguyên đá mới có 5 đơn vị khai thác khoáng sản (đá vôi) làm VLXD có giấy xác nhận đăng ký khai thác còn hiệu lực, giấy phép khai thác còn hiệu lực.Từ những con số nêu trên, phải chăng đang có một sự lộn xộn trong thực hiện các quy định của Luật Khoáng sản và các chỉ đạo của tỉnh trong việc bảo vệ, phát huy các giá trị của di sản CVĐCTC - Cao nguyên đá Đồng Văn!?. Dư luận cũng đặt câu hỏi, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các xã và các huyện để xảy ra tình trạng khai thác đá vôi làm VLXD không phép ở đâu!?.
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã có Công văn số 875/UBND-CN, ngày 13.3.2017, chỉ đạo nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền, địa phương, đồng thời phải có biện pháp xử lý nghiêm, chấm dứt tình trạng khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường trái phép trên địa bàn tỉnh, trong đó có 4 huyện Cao nguyên đá. Từ sau ngày 30.4.2017, địa phương nào để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép mà không xử lý hoặc để diễn ra kéo dài thì Chủ tịch UBND huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định của Luật Khoáng sản.
Có thể nói, để xảy ra tình trạng khai thác trái phép, đập phá đá cảnh quan trên địa bàn Công viên đá một phần cũng là do các địa phương chưa thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân để bà con có thể hiểu rõ về di sản và trách nhiệm phải bảo vệ di sản. Chính vì thế, có thể thấy thời gian qua ở nhiều địa phương đã xảy ra việc người dân đập không ít mỏm đá, nhũ đá tự nhiên, tạo cảnh quan hai bên vệ đường; đặc biệt là việc một số địa phương sau khi phát hiện các hang động đã phải xây bịt lại hoặc làm cổng thép trước cửa hang như lô cốt để bảo vệ nhũ đá và cảnh quan bên trong...
Trao đổi với phóng viên, đồng chí Nguyễn Thanh Giang, Phó trưởng Ban quản lí CVĐCTC - Cao nguyên đá Đồng Văn cho biết, thời gian qua một số địa phương cơ sở vùng CVĐCTC chưa thực sự vào cuộc với việc xây bảo vệ, xây dựng Công viên, để xảy ra việc khai thác đá trái phép, phá vỡ cảnh quan. Trước tình trạng đó, công tác chấn chỉnh tình trạng khai thác khoáng sản (đá vôi) làm VLXD thông thường trái phép nhận được sự chỉ đạo rất quyết liệt từ lãnh đạo tỉnh. Bảo tồn CVĐCTC là việc làm vô cùng quan trọng. Không có bảo tồn thì Công viên sẽ không còn gì để phát triển.
Cao nguyên đá không chỉ là di sản cho ngày hôm nay. Đánh mất những giá trị di sản, các kiến tạo của địa chất là điều sẽ không thể lấy lại. Vì thế, hơn lúc nào hết chúng ta cần phải kiên quyết và kiên quyết hơn nữa trong việc bảo vệ và phát huy các giá trị di sản nơi đây.
Bài, ảnh: Huy Toán
Ý kiến bạn đọc