Hướng tới mục tiêu phát triển thành phố Hà Giang thành Trung tâm du lịch của tỉnh
BHG - Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2015 – 2020, BCH Đảng bộ thành phố đã ban hành Nghị quyết 03-NQ/TU ngày 3.11.2015 về phát triển du lịch thành phố Hà Giang, giai đoạn 2016 – 2020 và Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 24.2.2016 về lãnh đạo phát triển thương mại - dịch vụ, giai đoạn 2016-2020. Đồng thời ban hành nhiều chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện nghị quyết về phát triển du lịch.
Năm 2016, lượng du khách đến thành phố Hà Giang đạt trên 236.300 lượt người, doanh thu từ du lịch đạt trên 146,6 tỷ đồng. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 4.665 cơ sở kinh doanh thương mại - dịch vụ, trong đó có 643 cơ sở dịch vụ ăn uống, 79 khách sạn, nhà nghỉ, nhà khách, 37 cơ sở lưu trú du lịch cộng đồng, 5 điểm du lịch tâm linh; 19 điểm du lịch sinh thái; 4 đơn vị kinh doanh lữ hành và 5 làng văn hóa du lịch cộng đồng. Trong năm, thành phố đã phối hợp với Công ty TNHH Mickensey Company tổ chức khảo sát thực địa quy hoạch phát triển du lịch trên địa bàn; triển khai thực hiện Đề án Nâng cao chất lượng các Làng văn hóa du lịch cộng đồng, giai đoạn 2016-2020.
Khách du lịch nước ngoài tham quan Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Tha, xã Phương Độ. |
Tiềm năng, lợi thế có sẵn, nhưng để nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh so với các địa phương khác trong và ngoài tỉnh và có thể “níu chân” được du khách, đưa thành phố phát triển thành Trung tâm du lịch của tỉnh, thì chủ trương, nghị quyết cần được triển khai bằng các giải pháp thiết thực, hiệu quả.
Thực tế hiện nay, ngành Du lịch của thành phố tuy đã có những bước phát triển cả về cơ sở hạ tầng, lượng du khách và doanh thu, nhưng sản phẩm du lịch còn đơn điệu, thiếu tính độc đáo và chưa đáp ứng được nhu cầu du khách. Anh Nguyễn Hoài Nam, nhân viên một công ty du lịch ở Hà Nội, sau khi đưa đoàn khách người Pháp tham quan Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Tha, xã Phương Độ, chia sẻ với chúng tôi câu chuyện về cách làm du lịch nơi đây: “Tôi thường xuyên đưa khách du lịch nước ngoài đến các địa phương vùng Tây Bắc, họ rất thích khám phá cảnh quan và những nét đẹp văn hóa, truyền thống của đồng bào các dân tộc. Cảnh quan của thôn Tha rất đẹp, bình yên, con người thân thiện nhưng chất lượng dịch vụ và các sản phẩm phục vụ du lịch không hấp dẫn như các làng văn hóa của đồng bào người Tày ở Cao Bằng, Bắc Kạn nên chúng tôi chỉ tham quan, rồi tiếp tục hành trình lên Cao nguyên đá Đồng Văn chứ không lưu trú lại”. Câu chuyện ấy có lẽ không chỉ là sự chia sẻ của du khách mà đang đặt ngành Du lịch thành phố trước “bài toán” về tính cạnh tranh trong liên kết vùng.
Được biết, trong giai đoạn tới, thành phố Hà Giang tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng, chú trọng phát triển dịch vụ, du lịch theo hướng bền vững, văn minh, hiện đại, có thương hiệu; hình thành các tour du lịch có tính liên kết vùng; hội nhập Quốc tế gắn với giữ gìn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc. Tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành thương mại, du lịch - dịch vụ; tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, tăng nguồn thu cho ngân sách, tạo tiền đề cho các ngành nghề khác phát triển. Phấn đấu đến năm 2020 khách du lịch đến thành phố đạt trên 1 triệu lượt người; quy hoạch các tuyến phố kinh doanh ẩm thực; phát triển và duy trì tốt các làng Văn hoá du lịch cộng đồng, sinh thái; tổ chức các chợ đêm mang bản sắc văn hóa riêng, độc đáo của đô thị miền núi; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực; tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại và có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ gắn với du lịch; tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm bảo vệ và giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh lịch sự của người dân thành phố.
Hy vọng kết quả đạt được của ngành Du lịch thời gian tới có thể minh chứng quyết tâm của thành phố được thể hiện trong chủ đề năm 2017: “Tiếp tục thực hiện kỷ cương văn minh đô thị; nâng cao năng lực quản trị và chất lượng cải cách hành chính; tập trung thu hút nguồn lực đầu tư, phát triển kinh tế vùng động lực, thực hiện nói đi đôi với làm”.
BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc