Trường Mầm non xã Đông Thành từ ngày thành lập vẫn... "ở nhờ" (!)

09:20, 19/01/2017

BHG- Ngành học Mầm non xã Đông Thành (Bắc Quang) được thành lập từ sự chia tách khỏi bậc Tiểu học năm 2006. Đến tháng 9.2009, Trường Mầm non xã Đông Thành chính thức được thành lập đi vào hoạt động độc lập. Nhưng cũng kể từ đó đến nay, trường học chính của ngành học Mầm non này vẫn phải ở nhờ Trụ sở thôn Khuổi Niếng.

Trụ sở thôn Khuổi Niếng xã Đông Thành là nơi Trường Mầm non và Tiểu học xã học nhờ đã gần 7 năm.
Trụ sở thôn Khuổi Niếng xã Đông Thành là nơi Trường Mầm non và Tiểu học xã học nhờ đã gần 7 năm.

“Nếu anh có hỏi Trường Mầm non xã Đông Thành thì có tìm cả năm cũng chẳng thấy, vì nó có đâu mà tìm? Cái trụ sở thôn Khuổi Niếng kia mới chính là Trường Mầm non xã Đông Thành đấy. Trường học này đã về ở đấy kể từ khi nó được thành lập từ năm 2009 đến nay” – một người chỉ đường bảo chúng tôi như vậy.

Ngồi trong góc nhỏ cơi nới của căn nhà cấp 4 đã xuống cấp, cô Phùng Thị Cúc, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Đông Thành cho biết: Kể từ ngày thành lập trường đến nay đã có rất nhiều đoàn công tác của các cấp, bộ ngành tìm đến trường để liên hệ công việc. Năm học 2016 – 2017, Trường Mầm non xã Đông Thành đã qua 6 năm tuyển sinh. Trong năm học này, trường huy động được 10 nhóm lớp, bằng 172 học sinh, đạt 76,7% trẻ trong độ tuổi đến trường. Riêng Trụ sở thôn Khuổi Niếng này hiện đang cho “ở nhờ” 2 ngành học là bậc Tiểu học và bậc học Mầm non. Đối với ngành học Mầm non có 3 phòng học, gần 80 cháu, độ tuổi từ 2 đến 5 tuổi học và ăn nghỉ trưa tại đây. Trong đó, có 2 phòng học cấp 4 đã xuống cấp và 1 phòng học tạm. Các cô nuôi dạy và các cháu sử dụng các lớp học vừa làm các bếp ăn vừa là nơi ngủ, nghỉ. Cô giáo Phùng Thị Hoa chỉ đám trẻ ngồi quây quần vẽ, hát trong căn phòng chật hẹp, cho biết: Nhóm học 3 tuổi cô trực tiếp nuôi dạy này có 29 cháu. Vào giờ học, cô, trò cùng trải chiếu, kê bàn ngồi quây, giờ múa hát lại dọn bàn, dẹp chiếu múa hát. Vất vả là thế, nhưng nụ cười nở rộ và tiếng chào vẫn vang lên làm tôi thấy nhẹ lòng.

Hiệu trưởng Phùng Thị Cúc cho biết thêm: Ngành học Mầm non của xã Đông Thành hiện còn 4 điểm trường tại các thôn. Điểm trường trong Đội 3, có 2 lớp nhóm trẻ vẫn phải học nhờ trong Hội trường xây cấp 4 mượn của Lâm trường Vĩnh Hảo nay cũng đã xuống cấp. Điểm trường tại thôn Tân Thành có 3 phòng học cấp 4 đã hư hỏng nhiều. Điểm trường thôn Khuổi Hốc cũng xuống cấp tương tự điểm trường Tân Thành. Duy nhất, có điểm trường thôn Khuổi Trì, phòng học cấp 4 còn khá hơn tất cả các điểm trường khác. Sau hơn 9 năm chia tách và gần 7 năm thành lập, ngành học Mầm non xã Đông Thành vẫn thiếu thốn nhiều nhất về cơ sở vật chất và cả con người. Theo cô Cúc, ngay năm học 2016 – 2017, quy vào tỷ lệ định biên nhà trường vẫn thiếu 4 giáo viên trực tiếp giảng dạy. Còn từ ngày thành lập đến nay, nhà trường vẫn không có cán bộ y tế, cán bộ bảo vệ, người nấu ăn và cán bộ hành chính theo đúng quy định của Bộ Giáo dục...?!

Lớp học của cô giáo Đoàn Thị Vui thuộc bậc Tiểu học cũng… ở nhờ trong trụ sở thôn Khuổi Niếng( Đông Thành).
Lớp học của cô giáo Đoàn Thị Vui thuộc bậc Tiểu học cũng… ở nhờ trong trụ sở thôn Khuổi Niếng( Đông Thành).

Một vòng ra sau ngôi trường học nhờ là khu nhà bếp được cơi nới, quây tạm làm chỗ cho cô phục vụ nấu nướng hàng ngày cho 76 cháu ăn, ngủ trưa sau mỗi buổi học. Thật vui, căn bếp nhỏ tạm bợ này lại sạch sẽ, ấm cúng, nhưng cũng thấy lo lắng cho cái sự tạm bợ ấy vì nhìn về tương lai còn quá xa xôi.

Đối với bậc học Tiểu học cũng có tới 5 lớp, trên 60 học sinh học từ lớp 1 đến lớp 5. Cô giáo Đoàn Thị Vui tâm sự: May cho tôi đến trường vào giữa mùa Đông nên còn ngồi được trong các lớp học. Còn nếu đến trường vào ngồi ở lớp học bé tẹo teo, thấp tè tè, lại lợp Phi Prô xi măng vào lúc tháng 3, tháng 5 thì chỉ có... bỏ chạy vì nóng. Các thầy cô dạy Tiểu học tại đây có 2 nỗi khổ. Khổ tâm nhất là mùa nắng nóng thì cô, trò lại phải đứng, ngồi dùi mài kinh sử trong “lò sấy”. Khổ tâm thứ nữa là quản lý học trò lúc ra chơi, lúc rèn luyện thể lực. Vì rằng, sân chơi cho cả 2 ngành học ở nhờ trong thôn chỉ vẻn vẹn mấy chục mét vuông. Cận kề bên ngoài kia là hành lang đường bộ tỉnh lộ 183 chạy qua có vài mét đất vừa thoát qua đoạn cua vòng che khuất tầm nhìn hết sức nguy hiểm khi tham gia giao thông. Bên trong thì học sinh Tiểu học, học sinh Mầm non hết sức năng động, bên ngoài là đường đi với rất nhiều các phương tiện tham gia giao thông được ví như những cái bẫy. Theo thống kê, toàn bộ diện tích Trụ sở thôn Khuổi Niếng là 1.200 m2 đất. Số diện tích trên được lấp đầy bởi 9 lớp học của cả 2 ngành học. Do vậy, số diện tích đất còn lại để làm chỗ cho các hoạt động thể lực ngoại khoá là rất ít.

Đem câu chuyện trao đổi với Trưởng phòng Giáo dục huyện Bắc Quang, Phạm Hồng Thanh được biết, ở góc độ quản ly, phòng đã nhiều lần đề nghị các cấp, các ngành quan tâm bố trí vốn xây dựng Trường Mầm non Đông Thành và các lớp học cho bậc học Tiểu học đang phải học nhờ ở đó. Tuy nhiên, do nhiều lý do đến nay trường vẫn phải bám vào trụ sở thôn Khuổi Niếng để duy trì học tập... Thiết nghĩ, các cấp, các ngành cần quan tâm hơn nữa tới công tác “trồng người” đối với xã Đông Thành trong thời gian tới.      

Nguyễn Hùng


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tăng cường quản lý tổ chức lễ hội

BHG- Việc giữ gìn văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, đảm bảo sự đa dạng, phong phú, giàu bản sắc dân tộc trên mảnh đất địa đầu Tổ quốc là nhiệm vụ thiết yếu. Thông qua các lễ hội, còn góp phần thu hút một lượng lớn du khách đến tham quan; kéo theo là những hoạt động về công tác tổ chức lễ hội, những thuận lợi và bất cập.

19/01/2017
Niềm tự hào của người Mông trên Cao nguyên đá

BHG- Dinh thự nhà Vương, một địa chỉ du lịch mà bất kỳ du khách nào lên với Cao nguyên đá Đồng Văn đều muốn dừng chân ghé lại. Với những giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc độc đáo, năm 1993, Nhà vương đã được Bộ VHTT&DL xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia và trở thành niềm tự hào của người Mông nơi cực Bắc Tổ quốc.

19/01/2017
Dấu ấn tiên phong ở Trường Trung cấp Nghề Dân tộc nội trú Bắc Quang

BHG - 10 năm xây dựng và phát triển (2006-2016), từ Trung tâm Dạy nghề trở thành Trường Trung cấp Nghề và đổi tên thành Trường Trung cấp Nghề Dân tộc nội trú Bắc Quang. Những bước ngoặt quan trọng này không chỉ chứng minh sự phát triển vượt bậc của nhà trường mà còn ghi dấu ấn tiên phong trong công tác dạy và học nghề, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nơi địa đầu Tổ quốc...

17/01/2017
Thắm tình quân - dân!

BHG - Chúng tôi có mặt ở thôn Tân Sơn, xã Minh Tân (Vị Xuyên) vào một sớm mùa Đông giáp Tết, tham dự Chương trình Xuân canh trời - Tết biên cương và Ngày hội "Bánh Chưng xanh" do Bộ CHQS tỉnh Hà Giang tổ chức.

17/01/2017