Tăng cường quản lý tổ chức lễ hội
BHG- Việc giữ gìn văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, đảm bảo sự đa dạng, phong phú, giàu bản sắc dân tộc trên mảnh đất địa đầu Tổ quốc là nhiệm vụ thiết yếu. Thông qua các lễ hội, còn góp phần thu hút một lượng lớn du khách đến tham quan; kéo theo là những hoạt động về công tác tổ chức lễ hội, những thuận lợi và bất cập.
Lễ hội Đền thành phố Hà Giang năm 2016 thu hút đông đảo du khách. |
Theo số liệu thống kê mới nhất, trên địa bàn tỉnh có khoảng 40 lễ hội, chủ yếu là những lễ hội nhỏ gắn với các hoạt động tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong đó, có một số lễ hội đặc sắc thu hút số lượng lớn du khách tới tham quan như: Lễ hội Chợ tình Khâu Vai ở huyện Mèo Vạc; Lễ hội Hoa Tam giác mạch lần thứ hai ở 4 huyện thuộc vùng Cao nguyên đá; Lễ hội Đền của thành phố Hà Giang. Đây là những lễ hội đang dần trở thành sự kiện thu hút khách du lịch đến Hà Giang.
Để các lễ hội diễn ra đảm bảo an toàn trật tự, đúng quy định, không tạo bức xúc cho người dân và du khách, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL, Lâm Tiến Mạnh, cho biết: “Sở đã ban hành các văn bản chỉ đạo về việc tiếp tục chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội đến các Phòng Văn hóa và Thông tin; Trung tâm VHTT&DL các huyện, thành phố. Từ đó có cơ sở tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Đặc biệt, không cấp giấy phép tổ chức đối với “Lễ họi chọi trâu” do không phải là lễ hội truyền thống. Sở cũng yêu cầu các địa phương lựa chọn từ 1 đến 2 lễ hội tiêu biểu, đặc trưng của địa phương để tổ chức thường niên. Đồng thời, yêu cầu địa phương theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến trong lễ hội, hội trên địa bàn quản lý”.
Ngành cũng thường xuyên chỉ đạo đội 814 của các huyện, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín dị đoan. Chỉ đạo các Ban quản lý di tích quản lý và sử dụng nguồn kinh phí công đức đúng quy định. Phối hợp với chính quyền địa phương đảm bảo an ninh trật tự trong quá trình tổ chức hoạt động lễ hội.
Với trình độ tổ chức lễ hội, tạo sự kiện thu hút khách du lịch còn khá mới mẻ, vẫn không tránh khỏi một số hạn chế như: Trước khi triển khai và thực hiện Thông tư số 15 của Bộ VH,TT&DL, một số lễ hội chọi trâu trên địa bàn huyện Vị Xuyên, Bắc Quang vẫn diễn ra, bởi công tác chuẩn bị lễ hội của các địa phương này đã triển khai trước khi có Thông tư hướng dẫn. Để khắc phục tình trạng trên, huyện Vị Xuyên đã có công văn số 1060 về việc không tổ chức hội, lễ hội có yếu tố bạo lực, phản cảm, lễ hội không phải là lễ hội truyền thống. Huyện Bắc Quang cũng có công văn số 98 chỉ đạo, quán triệt về việc tổ chức các lễ hội phản cảm trên địa bàn.
Tăng cường công tác quản lý hoạt động lễ hội, đồng chí Lâm Tiến Mạnh, cho biết trong thời gian tới Sở sẽ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33 của BCH TƯ Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, nhân dân và du khách nghiêm túc thực hiện các quy định của Nhà nước về tổ chức lễ hội. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm. Đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành kinh doanh văn hóa phẩm trái phép. Giải pháp là khuyến khích đồng bào các dân tộc tự quản, tổ chức lễ hội truyền thống. Xây dựng văn bản hướng dẫn việc tổ chức lễ hội, hội trên địa bàn tỉnh; nhất là những lễ hội mới phát sinh như đua thuyền, chọi dê, đua mảng... nhằm thống nhất việc quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh, tránh trùng lặp, lãng phí.
Lê Hải
Ý kiến bạn đọc