Dấu ấn tiên phong ở Trường Trung cấp Nghề Dân tộc nội trú Bắc Quang
BHG - 10 năm xây dựng và phát triển (2006-2016), từ Trung tâm Dạy nghề trở thành Trường Trung cấp Nghề và đổi tên thành Trường Trung cấp Nghề Dân tộc nội trú Bắc Quang. Những bước ngoặt quan trọng này không chỉ chứng minh sự phát triển vượt bậc của nhà trường mà còn ghi dấu ấn tiên phong trong công tác dạy và học nghề, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nơi địa đầu Tổ quốc...
Đồng chí Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và cán bộ, giáo viên Trường Trung cấp Nghề Dân tộc nội trú Bắc Quang chụp ảnh lưu niệm tại Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập trường. |
Ngày 12.12.2016, Trường Trung cấp Nghề Bắc Quang long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập và Công bố Quyết định đổi tên thành trường Trung cấp Nghề Dân tộc nội trú Bắc Quang. Sự kiện này trở thành dấu mốc quan trọng minh chứng quá trình nỗ lực không ngừng của Chi bộ, Ban Giám hiệu và tập thể cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường; đặc biệt là sự năng động của Ban Giám hiệu nhà trường trong việc cụ thể hoá quan điểm, chủ trương, Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh. Thực tế cho thấy, năm 2006, Bắc Quang là huyện đầu tiên của tỉnh thành lập Trung tâm dạy Nghề. Đến năm 2011, Trung tâm Dạy nghề Bắc Quang được nâng cấp thành Trường Trung cấp Nghề. Đây cũng là Trung tâm Dạy nghề duy nhất trên tổng số 3 trung tâm dạy nghề được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2010 – 2015) quy hoạch nâng cấp thành Trường Trung cấp Nghề... Đặc biệt, ngày 22.9.2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2231 về việc đổi tên Trường Trung cấp Nghề Bắc Quang thành Trường Trung cấp Nghề Dân tộc nội trú Bắc Quang để phù hợp với quy hoạch phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề các tỉnh vùng Trung du, miền núi phía Bắc và các huyện phía Tây tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An giai đoạn 2013 – 2020, theo Quyết định số 1379/QĐ-TTg ngày 12.8.2013 của Thủ tướng Chính phủ. Điều này một lần nữa khẳng định sự đoàn kết, trí tuệ, năng động của tập thể Ban giám hiệu Nhà trường trong tiến trình phát triển bền vững của nhà trường. Không những vậy, điều đó còn là minh chứng chứng minh việc thực hiện đúng, trúng tinh thần Nghị quyết số 01, ngày 29.9.2015 của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020 với 2 khâu đột phá, 5 chương trình trọng tâm. Trong đó nêu rõ “chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm”, hướng tới mục tiêu nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 37,1% (năm 2015) lên 45% (năm 2020) nhằm đẩy nhanh chương trình xây dựng Nông thôn mới, xoá đói, giảm nghèo một cách bền vững và đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của Hà Giang...
Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, nhiều thế hệ học trò đã sáng tạo nên những sản phẩm có tính ứng dụng cao, ví như “xe hoa” góp phần tạo không gian đẹp và gọn. Ảnh: THU PHƯƠNG |
Qua dấu mốc 10 năm xây dựng và phát triển, Trường Trung cấp Nghề Dân tộc nội trú Bắc Quang đã chứng minh là một trong những đơn vị tiêu biểu trong tổng số 13 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập của tỉnh. Mặc dù trong điều kiện của tỉnh vùng cao, biên giới còn nhiều khó khăn; thiếu về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề, đội ngũ giáo viên; nguồn tài chính hạn hẹp. Song, với sự đoàn kết, nỗ lực của Chi bộ, Ban Giám hiệu và toàn thể cán bộ, giáo viên, nhà trường luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và giành nhiều kết quả đáng tự hào. Trong đó, nhà trường không ngừng thực hiện tốt công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ giáo dục nghề nghiệp trong tình hình mới. Thực tế cho thấy, từ khi thành lập đến nay, nhà trường liên tục đạt danh hiệu Tập thể lao động tiên tiến xuất sắc, nhiều cá nhân được các cấp, các ngành tặng thưởng Bằng khen và Giấy khen. Đặc biệt hơn, dưới mái trường này đã có trên 20.000 con em đồng bào các dân tộc của tỉnh, chủ yếu là học viên thuộc đối tượng nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số và học sinh hưởng chính sách học nghề nội trú được học tập, đào tạo trở thành những công nhân kỹ thuật có trình độ, tay nghề. Chỉ tính riêng giai đoạn 2011 – 2016, nhà trường đã đào tạo trên 1.200 học sinh hệ trung cấp với 8 mã nghề như: Điện công nghiệp, hàn, công nghệ ô tô,... Đây thực sự là con số khá ấn tượng đối với một trường nghề còn khá “trẻ”. Và sau đào tạo, đa phần các em đều tìm được việc làm tại chỗ hoặc tại các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp với mức thu nhập bình quân từ 1,5 triệu đến trên 3 triệu đồng/người/tháng. Không những vậy, nhà trường còn thực hiện đào tạo đủ cả 3 cấp trình độ nghề là sơ cấp, trung cấp và cao đẳng nghề thông qua việc liên kết đào tạo với trường Cao đẳng Nghề Hà Giang, Cao đẳng Nghề Cơ điện Hà Nội hay Cao đẳng Nghề Cơ điện – Luyện kim Thái Nguyên. Qua đó, không chỉ tạo cơ hội học nghề cho người lao động trên địa bàn huyện Bắc Quang và các huyện lân cận mà còn góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh – Thầy giáo Kiều Ngọc Lễ, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Có thể khẳng định, từ những kết quả trên chính là tiền đề để Trường Trung cấp Nghề Dân tộc nội trú Bắc Quang tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những cơ sở dạy nghề vững mạnh trong hệ thống, góp phần quan trọng đào tạo nguồn nhân lực “vừa hồng, vừa chuyên” cho sự nghiệp phát triển toàn diện của tỉnh nhà nơi biên cương Tổ quốc.
Thu Phương
Ý kiến bạn đọc