Quang Bình xây dựng môi trường học đường thân thiện
BHG- Hiện nay, việc giáo dục nhân cách, đạo đức cho học sinh, xây dựng môi trường học đường lành mạnh, an toàn là một vấn đề trăn trở không chỉ của riêng ngành giáo dục mà còn được cả xã hội quan tâm. Nhận thức tầm quan trọng của vấn đề, những năm gần đây, Phòng GD&ĐT huyện Quang Bình tiếp tục triển khai sâu rộng mô hình “Trường học an toàn” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong các đơn vị trường học trên địa bàn.
Đại hội Liên đội của trường Tiểu học Vĩ Thượng, xã Vĩ Thượng có sự tham gia của đông đảo thầy cô và các em học sinh. |
Chia sẻ về điều này, phó Trưởng phòng GD&ĐT Quang Bình, chị Hoàng Thị Phiến cho hay: Những năm gần đây, ngoài việc giảng dạy văn hóa, các trường học trên địa bàn huyện cũng đẩy mạnh việc giáo dục kỹ năng sống, cách nhìn nhận, đánh giá các kiến thức xã hội, phòng chống bạo lực học đường cho các em học sinh. Việc dạy và học các môn đạo đức, giáo dục công dân lý thuyết khô khan, mang đầy tính hình thức nay được chuyển đổi thành những buổi thảo luận nhóm, tranh luận diễn đàn hay sân khấu hóa qua những buổi hoạt động ngoại khóa, các hội thi tìm hiểu kiến thức... Đặc biệt, việc thí điểm thành công mô hình “Trường học an toàn” tại trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Quang Bình từ năm 2013 là tiền đề để phòng GD&ĐT huyện mở rộng thực hiện mô hình “Trường học an toàn” trên toàn huyện trong năm học này với mục tiêu đảm bảo không còn học sinh vi phạm nội quy nhà trường, không có tệ nạn xã hội, không bạo lực học đường.
Đến thăm trường Tiểu học Vĩ Thượng, xã Vĩ Thượng, một trong những trường đạt Chuẩn Quốc gia đầu tiên của bậc tiểu học huyện Quang Bình, chị Nông Thị Thúy, Hiệu trưởng trường Tiểu học Vĩ Thượng cho biết: Năm học 2016 – 2017, nhà trường có tổng số 420 học sinh với 43 thầy, cô giáo. Ngoài việc giảng dạy, nhà trường tăng cường các hoạt động giáo dục thể chất, kỹ năng sống cho học sinh, góp phần giáo dục các em có ý thức, trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Hàng năm, nhà trường tổ chức nhiều chương trình, hoạt động ngoại khóa xuyên suốt năm học như: Vẽ báo tường, tìm hiểu về văn hóa, lịch sử dân tộc, sinh hoạt chủ điểm, giao lưu văn nghệ, thể thao... để các lớp thi đua với nhau, tạo môi trường giao lưu học hỏi, sinh hoạt, trang bị kỹ năng sống, tăng cường tình đoàn kết, hữu ái.
Cách đây không lâu, Tòa án nhân dân huyện Quang Bình vừa xét xử một vụ án về vấn đề bạo lực học đường với tội danh “làm nhục người khác” chỉ vì mâu thuẫn trong quan hệ bạn bè (hai em học sinh trường THPT Quang Bình và THPT Xuân Giang đánh và làm nhục 2 học sinh thuộc Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – GDTX huyện). Sự việc này trở thành một bài học kinh nghiệm sâu sắc đối với các thầy cô, các nhà trường và cả cộng đồng xã hội.
Giám đốc Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – GDTX huyện Quang Bình, anh Hoàng Ngọc Kiên chia sẻ: Hiện nay, hai em học sinh bị đánh đã bình phục và tham gia học tập bình thường. Các thầy, cô trong trung tâm cũng thường xuyên an ủi, động viên các em tự tin, nỗ lực học tập, tin tưởng vào tương lai. Mặc dù đây là một bài học đau lòng nhưng từ đó chúng tôi cũng đã “cảnh tỉnh”, tuyên truyền, giáo dục các em học sinh trong toàn trung tâm về công tác phòng, chống bạo lực học đường; thường xuyên trò chuyện, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các em, hạn chế đến mức thấp nhất các mâu thuẫn, xung đột trong quan hệ giữa học sinh với nhau và với thầy cô.
Xây dựng được môi trường học đường thân thiện, lành mạnh, an toàn, không có bạo lực là công việc lâu dài, thường xuyên, liên tục của ngành và từng cơ sở giáo dục. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành GD&ĐT huyện Quang Bình, của các bậc phụ huynh học sinh và của toàn xã hội trong thời gian tới.
YẾN VŨ
Ý kiến bạn đọc