"Gập ghềnh" con chữ Khuẩy Roài
BHG - Những cháu bé người Giáy, người Mông lấm lem, đi chân trần dưới nắng chiều hanh hao; bộ quần áo cũ mèm, khuôn mặt ngây thơ, đỏ ửng vì nắng và mệt... Đó là cảnh tượng chung của tất cả các cháu nhỏ ở điểm Trường Mầm non thôn Khuẩy Roài, xã Tát Ngà (Mèo Vạc) khi vượt một chặng đường dài tới lớp.
Theo chân đồng chí Hà Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Tát Ngà; chúng tôi đến thôn Khuẩy Roài, nơi có điểm Trường Mầm non được xếp vào “hạng nhất” trong số những điểm trường khó khăn trên địa bàn xã. Con đường từ trụ sở xã vào điểm trường gần 10 cây số, nhưng phải vượt qua đủ mọi địa hình: Từ đường đất chỉ vừa bánh xe máy đến đường đá nhọn lởm chởm; vượt qua suối và cả những con dốc cao thách thức mỗi bước chân. May mắn khi chúng tôi đến Tát Ngà vào một chiều nắng nên bùn lầy của trận mưa đêm trước đã kịp se lại, mất gần 1 giờ đồng hồ, chúng tôi mới có mặt ở điểm trường Khuẩy Roài; những ánh mắt thơ ngây lộ rõ sự lạ lẫm khi thấy có khách.
Những ánh mắt ngây thơ của các cháu học sinh mong muốn có một điểm trường kiên cố. |
Được biết, lớp Mầm non có 17 cháu; ngày nắng cũng như ngày mưa, các cháu đều tự đến lớp, chỉ có một số cháu 3 tuổi được bố mẹ đưa đi. Cô Chu Thị Lan, giáo viên của lớp cho biết: “Các cháu ở đây tuy nhà xa nhưng đi học rất đều, chỉ có những đợt mưa nhiều, đường không đi được mới nghỉ. Thương nhất là cháu nhỏ mới hơn 3 tuổi, bố mẹ không đưa đi được, ngày nào cũng tự đi đến lớp”, rồi cô Lan đưa tay chỉ về cháu bé mặc áo hoa đỏ xinh xắn mặt đang ửng hồng lên vì nắng. Ở cái tuổi lên ba, vì ham học chữ nên dù chặng đường cháu tự đi đến lớp quá xa nhưng các cháu luôn bám lớp, bám trường. Cháu ở xa nhất cách điểm trường hơn 5 km, ngày nào cũng đi bộ 2 km rồi đợi cô giáo ở ngã ba đường để theo cô vào lớp. Khoảnh khắc nhìn các cháu miệng đọc theo từng con chữ, khuôn mặt ngây thơ và nghĩ lại con đường các cháu đến đây, chúng tôi không khỏi chạnh lòng!
Không chỉ đường đến trường khó khăn mà ở Khuẩy Roài, các cháu không có được một lớp học đúng nghĩa. Lớp mà chúng tôi nhìn thấy là ngôi nhà một gian lợp pro-xi măng cũ nát, tường được ghép bằng nhiều mảnh gỗ, có miếng đã mục, thủng lỗ chỗ. Bên trong lớp, nền đất bụi bẩn, vẻn vẹn 4 chiếc bàn gỗ dài cũ kĩ, ọp ẹp, bảng gỗ đã bạc phếch nhìn không rõ phấn. Được biết, lớp học này do nhân dân trong thôn góp sức, góp của dựng lên hơn 10 năm nay. Năm nào vào đầu năm học, các phụ huynh và bà con cũng tu sửa; nhưng cùng với thời gian, đến nay lớp học đã xuống cấp nghiêm trọng. Thời điểm này, xã vừa trải qua đợt mưa lũ lớn, bà con đã sửa lại nhưng vẫn dột không thể sử dụng được. Trong cuộc trò chuyện, đôi mắt của cô Lan không giấu nổi nỗi buồn khi nhìn căn nhà lụp xụp; không điện, nền đất bụi phủ. Đưa mắt nhìn những đứa trẻ, cô bảo: “Các cháu đang học nhờ lớp của Tiểu học. Chỉ lo nhất lúc lớp Tiểu học đủ học sinh, mấy cô trò không biết học ở đâu; chưa kể những ngày bão lớn, cả cô lẫn trò phải co ro trốn bão vì sợ nhà đổ”. Lớp học dột nát, xập xệ, trang thiết bị cũng chẳng có gì ngoài vài thứ đồ chơi do các cô giáo tự làm. Theo tìm hiểu, do khó khăn về cơ sở vật chất, việc học chung của các cháu không cùng độ tuổi vào một lớp gây ra không ít những khó khăn. Nếu học chung một giáo án, các cháu nhỏ tuổi sẽ không theo kịp, nên cô giáo đã phải chia ra thành nhiều nhóm nên công việc cũng vất vả hơn rất nhiều. Đã 6 năm bám trụ ở miền đất Tát Ngà, cô giáo trẻ ở quê hương Bắc Kạn, Chu Thị Lan đã gắn bó tuổi thanh xuân với vùng đất khó. Mặc dù từng được chuyển ra trường chính nhưng những kỷ niệm với thôn nghèo, với điểm trường này đã thôi thúc cô quay trở lại nơi đây. “Là giáo viên ở vùng cao, ai cũng vất vả, có đôi lúc tủi thân vì nhớ nhà; vì thương các con nhiều hơn nên cố gắng vượt qua. Quả thật, đôi khi chỉ cần nhìn thấy sự hồn nhiên ngây thơ của các con là quên hết” – cô Lan tâm sự.
Theo tìm hiểu, Tát Ngà là xã nghèo của huyện Mèo Vạc, đồng bào nơi đây chủ yếu là dân tộc Giáy và Mông; đời sống hết sức khó khăn do địa hình và khí hậu khắc nghiệt. Mặc dù mới bắt đầu năm học mới, nhưng bên cạnh sự hào hứng đến trường của trẻ thơ vẫn còn đó những trăn trở; bởi ở những điểm trường khó khăn như Khuẩy Roài, chưa bao giờ việc đi học lại gian nan, ghập ghềnh đến thế! Hiện tại, Trường Mầm non Tát Ngà có 1 trường chính và 6 điểm trường, với 285 cháu học sinh; trong số đó có tới 4 điểm trường là lớp học tạm hoặc đi học nhờ. Các điểm trường có lớp học nhưng học sinh đông, lớp học chật nên chất lượng giáo dục không đảm bảo. Cô Hoàng Thị Hiền, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nguyện vọng duy nhất của trường là có được lớp học đảm bảo cho các cháu; cũng vì đường đi lại quá khó khăn nên các cháu hầu như không có cơ hội tiếp xúc với bên ngoài, đó là thiệt thòi rất lớn, nhất là với các cháu mầm non đang trong giai đoạn tìm hiểu về mọi thứ. Rất mong sự quan tâm của các cấp, các ngành và các tổ chức, cá nhân để các cháu có điều kiện tiếp cận tốt hơn với con chữ”.
Ở nơi ngửa mặt thấy núi, cúi mặt thấy vực sâu; những đứa trẻ lên ba đã tự mình bước những bước đi đầu tiên đầy khó khăn để theo đuổi “con chữ”. Tạm biệt Khuẩy Roài, tạm biệt những ánh mắt thơ ngây đang hy vọng về một lớp học mới; chúng tôi tin rằng, một ngày không xa khi trở lại đây; sẽ được thấy các cháu không còn nhiều nỗi “nhọc nhằn” khi theo đuổi “con chữ”.
Bài, ảnh: MY LY
Ý kiến bạn đọc