Cần gìn giữ nghề làm hương truyền thống ở Linh Hồ
BHG - Ai đã từng đến những bản người Tày của xã Linh Hồ (Vị Xuyên), ngoài cảm giác thanh bình, yên ả của một vùng quê rẻo cao, sẽ còn bị mê mẩn bởi hương thơm dịu nhẹ từ những nén hương do chính bàn tay của người dân bản địa làm ra từ các loại lá và vỏ cây rừng. Theo thời gian, nghề làm hương truyền thống đang dần bị mai một, những người trẻ chẳng mấy ai còn mặn mà với nghề làm hương truyền thống; còn chính quyền địa phương thì vẫn loay hoay với bài toán, làm thế nào để gìn giữ và phát triển nghề làm hương truyền thống của địa phương?
Bác Hoàng Ngọc Minh, thôn Nà Lách chẻ tăm hương. |
Đến thăm gia đình bác Hoàng Ngọc Minh, 63 tuổi, trú tại thôn Nà Lách, xã Linh Hồ, là một trong số ít những hộ còn gìn giữ được nghề làm hương truyền thống, bác Minh tâm sự: “Không biết nghề làm hương ở Linh Hồ có từ bao giờ, chỉ biết từ khi tôi còn rất nhỏ đã thấy ông bà, bố mẹ mình làm. Trước đây, hầu hết các hộ trong bản đều tự làm hương để đốt vào những dịp lễ, Tết; nhưng bây giờ chỉ còn vài chục hộ biết làm thôi. Còn đội trẻ bây giờ thì hầu như không ai biết làm cả...”. Bác Minh cho biết, mỗi nén hương mỏng manh như vậy, nhưng để làm ra là cả một nghệ thuật. Công đoạn đầu tiên là chẻ tăm hương, tăm hương được làm từ những cây tre, vầu với gióng dài và thẳng được ngâm vài tháng dưới ao, sau đó được vớt lên phơi nắng và chẻ nhỏ, dài chừng 40 – 50 cm. Để que hương cháy đượm, không bị tắt giữa chừng, bà con phải phơi tăm hương thật kỹ trước khi đem lăn bột. Bột hương được người Tày xã Linh Hồ làm từ vỏ cây quế và cây nho rừng. Vỏ cây sau khi lấy trên rừng về được phơi khô, băm nhỏ và giã nhuyễn rồi được pha trộn theo một tỷ lệ nhất định, sao cho đảm bảo độ kết dính và hương thơm. Sau đó đến công đoạn lăn hương, đây là công đoạn vất vả nhất vì rất giặm, đòi hỏi người làm phải thật khéo và nhanh tay. Khi lăn hương, người làm nhúng tăm hương vào xô nước, sau đó đem lăn qua, lăn lại trên lớp bột vỏ cây đã được trộn sẵn, rồi nhúng vào xô nước và tiếp tục lăn, cứ như vậy cho đến khi được một nén hương to bằng chiếc đũa. Rồi đem phơi dưới nắng nhẹ, khoảng 2 – 3 nắng, đảm bảo que hương khô, cứng và cháy đượm. Hương do người Tày ở Linh Hồ làm ra khi đốt tỏa mùi thơm thanh khiết, dễ chịu bởi được làm từ những nguyên liệu thiên nhiên và an toàn cho sức khỏe con người.
Hiện nay, trên địa bàn xã Linh Hồ còn khoảng gần 50 hộ gìn giữ được nghề làm hương, nhưng bà con chủ yếu làm vào dịp nông nhàn nên nguồn thu đem lại cũng không đáng kể, trung bình mỗi hộ thu nhập thêm từ nghề làm hương khoảng 15 – 20 triệu đồng/năm. Vào những ngày chợ phiên, bà con thường đem bán ở chợ trung tâm xã và bán giao cho một số cửa hàng ở các xã lân cận như: Ngọc Minh, Bạch Ngọc, Linh Hồ, Phú Linh... Mỗi bó hương 60 nén chỉ có giá 10.000 đồng, trong khi công đoạn làm ra một nén hương lại rất công phu, vất vả; vì vậy, ngày nay nhiều hộ không còn muốn giữ nghề. “Nhà tôi có 2 người làm thường xuyên, một ngày nhiều nhất được khoảng 50 bó, thu nhập chỉ khoảng 30 – 40 triệu đồng/năm. Người dân quanh vùng cũng rất ưa chuộng dùng hương truyền thống bởi vì hương thơm dịu nhẹ, đặc trưng của cây rừng và an toàn cho sức khỏe. Tuy nhiên, vì tất cả các công đoạn đều làm thủ công nên năng suất thấp và phụ thuộc thời tiết, bởi làm hương thì trời nắng ráo mới phơi được” – Bác Hoàng Ngọc Minh cho biết thêm.
Trao đổi với chúng tôi về hướng đi cho nghề hương truyền thống ở địa phương, ông Hà Văn Nguyên, Chủ tịch UBND xã Linh Hồ cho biết: “Hiện nay, xã đang tập trung chỉ đạo rà soát, đánh giá thực trạng các loại hình kinh tế trên địa bàn, trong đó có nghề làm hương truyền thống. Đây là nghề có từ lâu đời ở địa phương, tuy nhiên đang có nguy cơ mai một dần. Thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh, huyện, cấp ủy, chính quyền địa phương đang có hướng đi là thành lập các nhóm sở thích, tổ hợp tác, cao hơn nữa là hình thành làng nghề hương truyền thống, tiến hành đưa máy móc, áp dụng công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất lao động, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm của bà con”.
Để hình thành làng nghề hương truyền thống ở xã Linh Hồ, cấp ủy, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác quản lý, chỉ đạo, có kế hoạch phát triển làng nghề cụ thể cho từng năm. Đó là chưa kể đến hương truyền thống phải cạnh tranh giá thành với sản phẩm ở các tỉnh khác, đa dạng hơn về chủng loại. Vì vậy, cần phải có chiến lược cụ thể để đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm hương truyền thống của địa phương. Cùng với đó, nguồn nguyên liệu tự nhiên đang dần khan hiếm cũng là một “bài toán” trong quá trình sản xuất hương truyền thống... Sẽ còn rất nhiều việc mà cấp ủy, chính quyền địa phương phải làm để xây dựng làng nghề hương truyền thống ở Linh Hồ; hy vọng với chủ trương đúng đắn, trong một tương lai không xa, Linh Hồ sẽ có một làng nghề hương truyền thống, vừa góp phần nâng cao thu nhập, XĐGN cho bà con, vừa gìn giữ được nghề truyền thống của địa phương...
NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc