Phụ nữ Mông trong xã hội hiện đại
BHG - Trỉa bắp, trồng ngô, địu con lên rẫy, xe lanh, dệt vải, chăm sóc chồng, con, tảo hôn, mù chữ... những vấn đề gắn liền với hình ảnh người phụ nữ dân tộc Mông trên Cao nguyên đá khiến ta liên tưởng đến một cuộc sống quẩn quanh, khèo khổ, bế tắc. Nhưng nay, ánh sáng của Đảng dẫn đường, người phụ nữ Mông đã vượt qua những rào cản của phong tục, lễ giáo để đến trường, để phát triển kinh tế, vươn lên làm chủ cuộc sống, nhiều người nắm giữ các vị trí quan trọng trong cơ quan Nhà nước. Vai trò của phụ nữ Mông trong gia đình và ngoài xã hội ngày càng được khẳng định.
Từ xưa, trong gia đình người Mông, người chồng luôn giữ vai trò quan trọng và quyết định mọi việc nên phụ nữ Mông chịu rất nhiều thiệt thòi. Các bé gái người Mông không được đi học bởi quan niệm hà khắc: Con gái không cần học, lớn lên đi lấy chồng là thành người nhà khác, học cũng chỉ để phục vụ nhà chồng. rồi các em lớn lên, lấy chồng theo tục bắt vợ khi đang ở tuổi vị thành niên, cơ thể chưa phát triển hoàn thiện để sẵn sàng làm vợ, làm mẹ. Nếu những đứa trẻ cùng trang lứa ở vùng xuôi đang tuổi cắp sách đến trường thì trên khắp các bản làng heo hút núi, những bé gái không biết đến tình yêu ấy đã “Một nách ba con”, cuộc sống lại quẩn quanh với nương rẫy và đói, nghèo.
Những thiếu nữ Mông học nghề may, thêu để có việc làm ổn định tại các cơ sở dệt, may trang phục dân tộc. |
Trong nhiều cuộc trò chuyện với những người am hiểu về văn hóa dân tộc Mông, tôi hiểu phía sau những vất vả, thiệt thòi ấy, họ còn là những người phụ nữ rất chăm chỉ, chịu khó và khéo léo, không quản ngại khó khăn. Họ vất vả gùi đất, đổ vào hốc đá để trỉa bắp, trồng rau; họ chu đáo chăm sóc gia đình, con cái; đôi bàn tay của họ dường như không lúc nào ngơi nghỉ, bởi thế, ta dễ dàng bắt gặp người phụ nữ Mông dù trên đường lên nương rẫy, hay xuống chợ phiên thì đôi tay vẫn không ngừng nối sợi lanh; họ khéo léo dệt cho mình những bộ trang phục đẹp nhất. Đối với người Mông, con gái đến tuổi trưởng thành thì phải biết trồng lanh, dệt vải, biết làm việc nhà, đó là một trong những tiêu chí để đánh giá về phẩm chất, đạo đức và điều kiện để các chàng trai người Mông chọn vợ.
Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, sự giao thoa về văn hóa và đặc biệt là sự quan tâm của Đảng , Nhà nước, chính quyền địa phương đối với đồng bào dân tộc thiểu số bằng nhiều chính sách thiết thực, ý nghĩa, người Mông có thêm nhiều điều kiện để vươn lên trong cuộc sống. Từ đây, phụ nữ Mông vượt qua rào cản về những hủ tục lạc hậu, con gái Mông đã được đến trường như các bạn nam, nhiều chị đã nỗ lực vươn lên học tập, trở thành cán bộ trong các cơ quan nhà nước hay phát triển kinh tế giỏi với thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm và được các cấp khen thưởng...
Nhờ biết đầu tư phát triển chăn nuôi, những người phụ nữ Mông đã có lợn mang xuống chợ phiên bán. |
Chị Vàng Thị Cầu, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Đồng Văn, một người con thành đạt của đồng bào dân tộc Mông xã Phố Cáo chia sẻ rằng: “Trên địa bàn huyện Đồng Văn, nơi chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, cuộc sống của người phụ nữ đã có nhiều thay đổi. Họ được đi học chữ, học nghề, được vay vốn phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, có nhiều chị mạnh dạn phát triển mô hình chăn nuôi quy mô lớn, thành lập các tổ hợp tác may trang phục dân tộc..., không chỉ có thu nhập ổn định cho gia đình mà còn tạo việc làm cho nhiều chị em phụ nữ khác. Vai trò của họ trong gia đình được nâng lên. Từ chỗ nhận thức hạn chế, bị áp lực dẫn đến bế tắc và tìm đến cái chết như trước đây thì nay họ đã tìm ra được giá trị của cuộc sống, nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội và vấn đề tảo hôn giảm rõ rệt”.
Sự đổi thay cả trong nhận thức và cuộc sống của người phụ nữ Mông nơi miền cực Bắc là điều thấy rõ, tuy nhiên, ở một địa bàn vùng núi còn vô cùng khó khăn, nhiều phong tục, tập quán và tư tưởng Phụ hệ đã ăn sâu vào tâm trí người dân thì việc thay đổi quan niệm, cách nhìn nhận của họ về vai trò của người phụ nữ vẫn còn nhiều hạn chế và đâu đó trên vùng đá núi tai mèo sắc nhọn, cuộc sống của nhiều phụ nữ Mông vẫn còn khó khăn, bất bình đẳng.
Trao đổi với phóng viên, bà Lê Thị Bích Hằng, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: “Những năm qua, thực hiện các phong trào, nhiệm vụ của công tác Hội, Hội phụ nữ các cấp đã tích cực tuyên truyền về Luật bình đẳng giới, thành lập các CLB: Bình đẳng giới; Không sinh con thứ 3 trở lên; Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế; Phụ nữ dân tộc thiểu số học và nói tiếng phổ thồng..., giúp chị em phụ nữ từng bước khắc phục khó khăn, vươn lên làm chủ cuộc sống. Tuy nhiên, để phụ nữ dân tộc thiểu số, trong đó có phụ nữ Mông được hưởng các quyền lợi về bình đẳng giới và có cơ hội được tiếp xúc, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, vươn lên trong cuộc sống và có điều kiện để phát triển toàn diện thì cần sự chung tay của toàn xã hội”.
Bài, ảnh: BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc