Những tấm gương sáng vì sự nghiệp "Trồng người"
BHG - Hà Giang là một tỉnh miền núi, nơi công tác dạy và học còn nhiều khó khăn, thử thách. Nhưng với sự tâm huyết, nỗ lực của đội ngũ các thầy, cô giáo nơi miền cực Bắc của Tổ quốc; bức tranh giáo dục tỉnh nhà ngày càng tươi sáng, khẳng định chất lượng giáo dục phát triển về quy mô, hiệu quả. Đó là nhờ công lớn của những người thầy, cô giáo đang ngày đêm cống hiến vì sự nghiệp “trồng người”.
Vượt qua khó khăn về bệnh tật, cô giáo Hiền vẫn luôn miệt mài bên trang giáo án, cống hiến cho ngành giáo dục. |
Đối với cô giáo Đỗ Thị Thúy Hiền, 14 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục là chặng đường với những gian nan, vất vả để có thể tiếp tục bám trụ lại với nghề, để ước mơ trong cô không bao giờ tắt. Đến thăm cô trong một ngày mưa đầu Đông, cái lạnh miền cực Bắc như “bủa vây” lấy người con gái có dáng hình mảnh khảnh, nhỏ nhắn. Con đường nhỏ dẫn đến khu tập thể của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Lũng Hồ, xã Lũng Hồ, huyện Yên Minh như gần hơn khi cô giáo Hiền bắt đầu kể cho tôi nghe câu chuyện của đời mình. Sinh ra và lớn lên tại huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang; sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Tuyên Quang năm 1997, năm 2002 cô lên Trường Tiểu học Lũng Hồ công tác. Từ những ngày đầu, lúc việc dạy học còn khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn lại không có điện. Các điểm trường khó khăn nhất của xã cô đều có mặt, từ điểm Khẩu Khứ, Phia Tráng, Làng Qúa..., đến khi sức khỏe của cô yếu dần mới chuyển ra trường chính. Cuộc sống sẽ đẹp hơn biết mấy khi người con gái ấy không bị phơi nhiễm chất độc da cam do di chứng từ người cha tham gia kháng chiến chống Mỹ. Không còn kìm được những giọt nước mắt khi cô nhớ lại quãng thời gian đầu đối diện với sự thật, cô Hiền tâm sự: “Ở cái tuổi đẹp nhất của cuộc đời, lúc chị biết tin cũng là lúc dường như mọi cánh cửa đều đóng lại. Sức khỏe của chị yếu dần đi, hay quên, không ăn, không ngủ được, phải đi cấp cứu liên tục. Lúc đầu chị nghĩ mình sẽ bỏ nghề, nhưng nhờ có sự động viên của đồng nghiệp và các em học sinh chính là động lực để chị vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, để viết dài hơn tiếp ước mơ được làm cô giáo, cống hiến cho ngành Giáo dục”. Vượt qua mọi khó khăn về bệnh tật, cô giáo Đỗ Thị Thúy Hiền đã vươn lên sống thật đẹp. Ngoài làm công tác chuyên môn, cô còn phụ trách học sinh bán trú; do đó, hơn ai hết, với các em học sinh cô là người gần gũi hơn cả và là tấm gương để các em học tập, noi theo. Cô không chỉ là người dạy cho những con chữ đầu tiên trên hành trình trinh phục tri thức, cô còn là người đi “thắp lửa”, nhen lên ước muốn được học hành cho thế hệ tương lai của đất nước. Cứ như vậy, ngày này qua ngày khác, cô luôn miệt mài với những bài giảng, nhẫn nại như một người đi gieo hạt, rồi vung những “hạt giống tri thức” trên khắp các thửa ruộng vùng Cao nguyên đá. Nhiều năm liền, cô là giáo viên dạy giỏi cấp trường, đạt danh hiệu Lao động Tiên tiến xuất sắc; mới đây nhất, năm 2015 cô nhận được Bằng khen của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam...
Còn đối với cô giáo Phạm Thị Thêu, nỗi nhớ nhà, nhớ quê ắt hẳn luôn luôn thường trực. Cô sinh năm 1987, công tác tại Trường Mầm non Du Tiến, xã Du Tiến, huyện Yên Minh đến nay đã 8 năm. Sinh ra tại huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Bình năm 2007, với tấm Bằng giỏi, cô Thêu tự nguyện xin lên vùng cao dạy học; Hà Giang là mảnh đất cô lựa chọn gắn bó. Cô chia sẻ: “Quãng thời gian mới nhận công tác là lúc khó khăn nhất, lúc này tôi dạy tại điểm trường Há Khó Cho. Điểm còn khó khăn, không có điện lại ở một mình nên đêm nào cũng khóc, cũng không dám gọi điện vì sợ người nhà lo, nhưng muốn gọi cũng không được vì không có cả sóng điện thoại”. Vào hoàn cảnh ấy, cô được đồng nghiệp, Ban Giám hiệu nhà trường và bà con trong thôn động viên, chia sẻ rất nhiều. Cứ như thế, cô giáo trẻ dần dần quen với hoàn cảnh và vươn lên phấn đấu bám lớp, bám trường. Với cô, chính sự hồn nhiên, chăm chỉ và cần mẫn của các em học sinh và tình cảm gần gũi, quý trọng của bà con nơi đây đã khiến cô thêm yêu nghề và gắn bó lâu dài với sự nghiệp trồng người. Gần 10 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục vùng cao Du Tiến, là những chuỗi ngày với những câu chuyện về quá trình “gieo chữ”. Đó là những những ngày cô xuống các thôn, bản để tuyên truyền, vận động các em không bỏ học, phân tích để phụ huynh hiểu được tầm quan trọng của việc học tập. Cơ sở vật chất ở điểm trường không đảm bảo, có hôm mưa cô trò lại phải “lội nước” trong lớp. Hơn hết, với một người từ miền xuôi lên “cắm bản” như cô giáo Thêu để bám trụ lại với nghề, cống hiến sức trẻ trên mảnh đất còn nhiều khó khăn này là cả ý chí và nghị lực. Cô Thêu bảo: “Nhìn các em đến lớp đều đặn, chăm ngoan, đó là niềm hạnh phúc không có gì so sánh được, cũng chính là phần thưởng lớn nhất mà cô tôi nhận được”.
Qua câu chuyện của cô giáo Hiền, cô giáo Thêu; chúng ta thêm cảm phục cái tâm, cái trí của bao thế hệ giáo viên đang hết mình cống hiến cho sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà. Xin mượn những lời thơ để gửi lời tri ân sâu sắc nhất đến các thầy, các cô giáo đã và đang dành bao tâm sức cho các thế hệ học sinh vững bước vào đời.
“Có một nghề bụi phấn bám đầy tay
Người ta bảo là nghề trong sạch nhất
Có một nghề không trồng cây vào đất
Lại nở cho đời muôn vạn đóa hoa thơm...”
PHẠM HOAN
Ý kiến bạn đọc