Hẹn nhau giữa mùa hoa Tam giác mạch
BHG - Tháng 10, tiết trời Cao nguyên đá chuyển mình se lạnh, cái nắng nhạt ngày cuối Thu làm cho những loài hoa nhỏ bé lấp ló bên dãy núi điệp trùng như cô gái mới lớn e ấp, nhẹ nhàng, xinh đẹp. Khi những con ong cần mẫn đi tìm mật, mải mê đậu lại trên cánh hoa cũng là lúc loài hoa Tam giác mạch bung mình khoe sắc, tạo nên sức sống diệu kỳ nơi miền đá lạnh.
Tam giác mạch từ lâu đã mọc trên các vùng núi đá, tô điểm cho những phiến đá tai mèo sắc nhọn; cánh hoa màu hồng, trắng mỏng manh có sức hút bất cứ lữ hành nào ngang qua.
Du khách lưu lại khoảnh khắc bên cánh đồng hoa Tam giác mạch xã Phố Cáo (Đồng Văn). |
Nhằm phục vụ cho Lễ hội hoa Tam giác mạch tỉnh lần thứ 2 năm 2016 (được tổ chức vào các ngày từ 14-16.10), các địa phương đã triển khai trồng hoa Tam giác dọc tuyến quốc lộ 4C, từ huyện Quản Bạ lên đến huyện Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc xa xôi. Lữ khách đến Cao nguyên đá chinh phục những cung đường uốn lượn sẽ không thể thể cưỡng lại vẻ đẹp của loài hoa mỏng manh nhưng đầy sức sống này. Hiện nay, các huyện đã trồng gần 1.000 ha hoa, trồng thành nhiều trà để kéo dài thời điểm hoa nở, du khách sẽ có thêm nhiều cơ hội ngắm hoa và giữ lại những khoảnh khắc đẹp bên rừng hoa rực rỡ sắc màu. Đặc biệt, Sở VHTT&DL đã kết hợp với Sở NN&PTNT tiến hành quy hoạch trồng hoa theo điểm nhấn du lịch. Tại các địa phương, hoa được trồng tạo hình với đa dạng các hình ảnh như: bản đồ đất nước, hình trái tim, tên địa danh, hình khèn Mông...
Có dịp thăm thôn Lũng Cẩm Trên, xã Sủng Là (Đồng Văn), hiện nay trà hoa phục vụ LH đang phát triển khá thuận lợi. Theo đồng chí Mua Sè Sính, Bí thư Đảng ủy xã Sủng Là cho biết: “Vụ hoa năm nay hứa hẹn sẽ đẹp hơn năm ngoái do thời gian trồng đúng thời vụ, bà con biết cách chăm sóc và thời tiết thuận lợi nên hoa phát triển tốt. Điểm nhấn tạo hình chữ “Sủng Là Hoa” cùng với các điểm khác đã bắt đầu thành hình khá rõ nét. Đây sẽ là thương hiệu của xã trong phát triển du lịch”. Những năm trở lại đây, hoa Tam giác mạch đã trở thành tài nguyên du lịch, thu hút du khách từ khắp mọi miền đến với mảnh đất địa đầu Tổ quốc. Cùng với tiếng khèn Mông mời gọi, thiết tha; những cô gái Mông xúng xính váy áo rực rỡ, má ửng hổng trong hơi men say của rượu ngô; các sản phẩm địa phương, sản phẩm làng nghề như: đan lát, thêu dệt truyền thống, nghề chạm khắc bạc, nghề rèn; các sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương và dụng cụ sản xuất gắn liền với đời sống sinh hoạt thường ngày của cư dân vùng Cao nguyên đá... chắc chắn sẽ mang lại cho du khách một mùa du lịch lý tưởng. Mặc dù đã có một số địa phương trồng hoa Tam giác mạch như Lào Cai, Cao Bằng nhưng Hà Giang vẫn là sự lựa chọn số một bởi lẽ nơi đây được xem là khởi nguồn của loài hoa ấy. Và có lẽ chỉ ở nơi đây, người ta mới cảm nhận rõ được sức sống của một loài hoa nhỏ bé nhưng rất đỗi kiên cường. Giữa bốn bề cao nguyên quanh năm sương mù, giữa những con đường đổ dốc ngoằn nghèo và hàng loạt thung lũng mọc “gai đá” tua tủa... thì sự sống của hoa Tam giác mạch như một “nét chấm phá”, khéo léo điểm xuyết vào bức tranh phong cảnh tứ bình thơ mộng ở vùng đất địa đầu. Xin hẹn nhau giữa mùa Tam giác mạch!
MY LY
Ý kiến bạn đọc