"Start up" ở Bản Tùy

09:18, 13/07/2016

BHG - “Start up” nghĩa là sự khởi nghiệp, một phong trào đang nở rộ hiện nay. Nói đến “start up” là nói đến sự khởi đầu từ đôi bàn tay, khối óc và khát vọng làm giàu. Đến Bản Tùy, xã Ngọc Đường, thành phố Hà Giang những ngày Hè này, có thể cảm nhận được quyết tâm của anh Triệu Quang Lý, người nông dân đang quyết tâm “start up” từ hồ sen giữa chốn sơn thủy hữu tình.

“Start up”, là câu mà tôi và Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Đường, Bùi Văn Thành vui gắn cho Triệu Quang Lý, người nông dân 45 tuổi, dân tộc Tày, chủ hồ sen du lịch, nơi đang được coi như một “hiện tượng du lịch” ở thành phố. Quả thực, nhìn anh Lý sạm nắng, ngâm mình dưới hồ sen, cùng khoảng chục nhân công đang dựng thêm những nhà chòi trên hồ và nấu nướng cho du khách, sẽ cảm nhận thấy tinh thần khởi nghiệp.

Với dáng vẻ chắc chắn của một “hai lúa”, ở Triệu Quang Lý toát lên vẻ hiền lành, chất phác nhưng đầy quyết đoán. Triệu Quang Lý cho biết, sau 18 năm bươn trải ra ngoài làm nghề xây dựng đầy cực nhọc, chỉ đủ ăn, anh trở về Bản Tùy, năm ngoái anh thầu hồ và lập một hai chòi câu cá, dần dần thấy người dân đến tham quan nhiều, anh nảy ra ý định phát triển hồ sen thành địa điểm du lịch và dịch vụ ăn uống. Khởi đầu rất khó khăn, phải xây dựng cơ sở vật chất, kéo điện, internet, tu sửa thêm đường đi vào hồ sen và đặc biệt là việc dựng những chòi để cho khách nghỉ ngơi, ngắm cảnh, ăn uống trên hồ sen.

Khách tham quan khu hồ sen ở Bản Tùy.
Khách tham quan khu hồ sen ở Bản Tùy.

Đến nay khu hồ sen du lịch của Triệu Quang Lý có gần chục nhà chòi trên hồ. Anh khéo léo thiết kế những đường đi bằng tre trên mặt nước, bám quanh hồ rất lãng mạn, đồng thời cũng là lối đi vào các nhà chòi. Hồ sen có diện tích khoảng 5.000 m2, gồm đa phần là sen, xen thêm hoa súng. Những ngày Hè, sen và súng đua nở, tạo nên khung cảnh thơ mộng.

Theo anh Lý và nhiều người dân ở Bản Tùy cho biết, lợi thế ở khu hồ sen là môi trường sạch, phong cảnh thôn giã giữa núi non nên thơ. Chính bởi vậy, đến nay dù chưa “khai trương” khu hồ sen, nhưng hàng ngày có rất nhiều đoàn khách, không chỉ có khách Việt mà còn cả khách Tây đến đây, đặc biệt là giới trẻ rất thích thú. Những hình ảnh về hồ sen Bản Tùy sau khi được các bạn trẻ đăng tải trên mạng facebook thu hút rất nhiều người quan tâm, chia sẻ. 

Nhiều người cho rằng, trong điều kiện thực tế hiện nay ở thành phố Hà Giang không có nhiều điểm tham quan, vui chơi và ngắm cảnh hấp dẫn thì việc anh Lý xây dựng mô hình hồ sen gắn với dịch vụ ăn uống là rất phù hợp. Nếu lấy đây làm một sự khởi nghiệp thì lại càng đúng hướng. Sen là Quốc hoa và được người Việt Nam rất yêu quý bởi mầu sắc cũng như hương thơm thuần khiết, tinh tế. Giữa tiết trời Hè oi nóng ở khu vực thành phố, việc tìm vào chốn hương đồng, gió nội ngào ngạt sen và gió thì còn gì bằng. Hơn nữa, địa điểm đầm sen lại là Làng văn hóa du lịch cộng đồng Bản Tùy. Đến hồ sen Bản Tùy, du khách còn được thưởng thức những hương vị ẩm thực đậm chất địa phương. Từ vịt, gà, cá... của làng, nhưng bằng kỹ năng nấu nướng, gia vị thuần chất Tày, khiến những người khó ăn nhất cũng cảm thấy hài lòng. Từ những điểm hấp dẫn đó, khiến lượng khách đến với hồ sen Triệu Quang Lý cứ nườm nượp, đặc biệt là dịp cuối tuần, có hôm đông như chợ phiên. Có thời điểm không thể đáp ứng được nhu cầu khách đặt ăn, anh Lý đành phải từ chối khéo. Nhà báo Nguyễn Thanh Huyên, ở tổ 1, phường Trần Phú, thành phố Hà Giang, cho biết: Dù chưa được đầu tư đầy đủ, nhưng hồ sen Bản Tùy là địa điểm rất đẹp, dịch vụ ăn uống cũng rất hợp lý. Điều này cho thấy một tinh thần “khởi nghiệp” rất chuyên nghiệp của anh Lý.

Anh Lý tiết lộ, việc đầu tư hồ sen mất hàng trăm triệu, thời gian tới anh sẽ tiếp tục mở rộng khu hồ sen từ 5.000 m2 lên thành 6.000 m2. Giống như “hiện tượng” tam giác mạch trên Cao nguyên đá, hiện khu du lịch hồ sen của anh Lý chỉ thu một chút phí 5.000đ/1 người thăm, trừ người già, trẻ em. Phí thu được tái đầu tư mở rộng hồ sen. Anh cũng đang xem xét mua hoặc thuê thêm những thửa ruộng bên cạnh để trồng hoa, cây dược liệu, làm sân bãi phục vụ du khách. Anh cũng mong các ngành, các cấp quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ gia đình anh các cơ chế, chính sách để tiếp tục đầu tư khu hồ sen du lịch, góp phần xây dựng Nông thôn mới và Làng văn hóa du lịch cộng đồng Bản Tùy.

Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Đường, Bùi Văn Thành cho biết, Bản Tùy có khoảng 200 hộ, đa phần là đồng bào Tày. Thôn được công nhận Làng văn hóa du lịch cộng đồng từ năm 2006 và hiện có khoảng 10 hộ tham gia làm du lịch cộng đồng. Xã đã đạt chuẩn Nông thôn mới, đồng thời thành phố có chủ trương về lựa chọn Làng văn hóa du lịch cộng đồng Bản Tùy gắn với Đề án về phát triển, nâng cao chất lượng làng văn hóa du lịch cộng đồng trên địa bàn thành phố thì mô hình của anh Triệu Quang Lý rất được cấp ủy, chính quyền xã quan tâm và khích lệ phát triển. Để tiếp tục củng cố, phát triển Làng văn hóa du lịch Bản Tùy cũng như mô hình của anh Lý, xã sẽ chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, thôn tuyên truyền, vận động bà con cùng tham gia trồng hoa cảnh, thay đổi tư duy sản xuất, tăng cường liên kết trong sản xuất, dịch vụ để phục vụ cho phát triển du lịch cộng đồng.

Có thể nói, sự “khởi nghiệp” của anh Lý dù không sớm. Nhưng nhìn quyết tâm, cách làm sáng tạo cho thấy đây là một nông dân “Start up” đầy triển vọng. Mô hình của anh Lý như muốn nói với mọi người, bất kể ở tuổi nào, xuất phát từ khó khăn hay thuận lợi, chúng ta đều có thể là những Start up.

Bài, ảnh: Huy Toán


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đường Hạnh Phúc, con đường dẫn đến "trái tim" của đá

BHG- Trên trái đất, chỗ nào có những bước chân con người, chỗ đó có đường. Con đường trở nên bình dị, nó là sản phẩm của một quá trình phát triển của xã hội. Nhưng, ở Cao nguyên đá Đồng Văn (CNĐĐV), con đường lại trở thành một di sản, di sản của quá trình chinh phục đá bằng tinh thần đoàn kết, bằng ý chí của con người. Để từ đó, tạo ra một con đường dẫn đến "trái tim" của đá – đường Hạnh Phúc trên CNĐĐV.

30/06/2016
Quang Bình đẩy mạnh khai thác tiềm năng thế mạnh để phát triển du lịch

BHG- Nằm dọc theo tuyến Quốc lộ 279, huyện Quang Bình nối liền với các điểm du lịch nổi tiếng như Bảo Yên, Bắc Hà, Sa Pa của tỉnh Lào Cai; khu du lịch Panhou của huyện Hoàng Su Phì và các làng du lịch cộng đồng của huyện Bắc Quang và huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. 

30/06/2016
Văn hóa tộc người gắn với phương thức sản xuất trên Cao nguyên đá

BHG- "Thổ canh hốc đá" (TCHĐ), phương thức sản xuất độc đáo không chỉ phản ánh cuộc sống vô vàn khó khăn, vất vả mà còn là bức tranh phản chiếu nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc trên Cao nguyên đá (CNĐ) Đồng Văn. Họ gùi đất, xếp đá thành nương, chăm sóc mỗi ngày để những hạt ngô được nảy mầm xanh tốt. Trải qua bao thế hệ, phương thức sản xuất độc đáo ấy đã được Bộ VHTT&DL vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

30/06/2016
Hội thảo "Các nhà văn khu vực Sông Chảy với công cuộc bảo tồn, khai thác và phát huy vốn văn hóa truyền thống"

BHG - Ngày 12.7, Hội Nhà văn Việt Nam, Chi hội Nhà văn sông Chảy và Hội Văn học nghệ thuật Hà Giang phối hợp tổ chức Hội thảo với chủ đề: "Các nhà văn khu vực Sông Chảy với công cuộc bảo tồn, khai thác và phát huy vốn văn hóa truyền thống". Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chủ trì hội thảo. Đến dự có lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh cùng đông đảo hội viên.

12/07/2016