Chuyển đổi cơ cấu cây trồng - phát triển du lịch ở xã Lũng Cú
BHG - Đến với mảnh đất cực Bắc của Tổ quốc, xã Lũng Cú (Đồng Văn) thời điểm này, những cánh đồng nhuộm vàng hoa Hướng dương đủ sức chinh phục, làm say lòng du khách. Bởi đó là một trong những điểm nhấn ấn tượng cho “bức tranh du lịch” (DL) khi cấp ủy, chính quyền sở tại thực hiện Phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng (CCCT) gắn với phát triển DL, dịch vụ.
Cánh đồng hoa Hướng dương – cảnh quan ấn tượng trải dọc tuyến đường đến trung tâm xã Lũng Cú. |
Đặt chân đến Lũng Cú, nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc: Tày, Pu Péo, Mông, Lô Lô nơi cực Bắc của Tổ quốc luôn là hành trình thú vị để du khách khám phá, trải nghiệm. Không những vậy, Cột cờ Lũng Cú – nơi bắt đầu nét vẽ của bản đồ Tổ quốc đã trở thành địa điểm DL đặc biệt, thôi thúc bước chân du khách chinh phục 389 bậc thang đá cùng 140 bậc thang xoắn ốc để lên đỉnh Cột cờ lộng gió – ghi dấu chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2016 đã có 4.680 đoàn khách với 36.811 lượt khách đến tham quan Cột cờ Quốc gia Lũng Cú (đạt 116% so với cùng kỳ năm 2015), đặc biệt trong đó thu hút 1.267 khách quốc tế. Để tạo điểm nhấn ấn tượng cho địa điểm DL đặc biệt này và khắc phục hạn chế trong sản xuất (SX) nông nghiệp tại địa phương, quý I năm 2016 xã Lũng Cú thực hiện chuyển đổi CCCT gắn với phát triển DL, dịch vụ.
Thực tiễn SX nông nghiệp tại xã Lũng Cú nhiều năm trở về trước cho thấy: Thời tiết khắc nghiệt, thiếu nước SX đã ảnh hưởng không nhỏ đến cơ cấu mùa vụ cùng sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Đi liền với khó khăn trên là tập quán cánh tác lâu đời của người dân vùng cao – chỉ gieo cấy 1 vụ lúa, sau đó trồng các loại rau, đậu phục vụ nhu cầu gia đình. Hơn nữa, một bộ phận không nhỏ người dân chưa chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật về giống mới cũng như công thức luân canh tăng vụ vào SX, khiến giá trị SX nông nghiệp đạt thấp. Trước thực tế trên, nhằm nâng cao giá trị thu nhập/đơn vị diện tích đất canh tác gắn với phát huy lợi thế DL địa phương; 8,5 ha đất SX lúa; rau, đậu tại cánh đồng Thèn Pả (gần trung tâm xã Lũng Cú) được chuyển đổi sang SX luân canh 3 vụ: Ngô lai (vụ Xuân, hè) – hoa Tam giác mạch (vụ Thu) – rau cải (vụ Đông).
Theo khung lịch thời vụ, 42 hộ dân/5 thôn có đất tại cánh đồng Thèn Pả tham gia phương án trên, kết thúc gieo trồng ngô lai trong tháng 3.2016 (dự kiến thu hoạch vào trung tuần tháng 8). Tuy nhiên, để tạo cảnh quan thu hút khách DL, 1/8,5 ha đất SX ngô lai được thực hiện thí điểm trồng cây Hướng dương. Thời điểm này, những cánh đồng hoa Hướng dương nhuộm vàng, trải dài theo tuyến đường vào trung tâm xã đã tạo điểm nhấn ấn tượng cho mảnh đất biên thùy. Ngay sau khi SX vụ Xuân kết thúc, các hộ dân sẽ trồng cây tTam giác mạch và rau cải vụ Thu, Đông. Những cây trồng này không chỉ góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân, mà sắc tím hồng đài các của hoa Tam giác mạch hay sắc vàng quyến rũ từ cánh đồng hoa cải hứa hẹn trở thành địa điểm DL lý thú, lôi cuốn du khách tham quan, trải nghiệm và lưu lại những bức hình độc đáo.
Để chuyển đổi thành công CCCT, các hộ dân tham gia được cơ quan chuyên môn tập huấn kỹ thuật theo tiêu chí “5 cùng”: Cùng giống, thời vụ, cùng kỹ thuật canh tác, phòng trừ sâu bệnh và cùng thu hoạch. Đồng thời, được Nhà nước hỗ trợ 100% chi phí giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo định mức kỹ thuật, hỗ trợ máy làm đất, kinh phí cải tạo kênh mương nội đồng,... với tổng số tiền lên đến 405 triệu đồng. Sau thời gian 12 tháng, Nhà nước thực hiện thu hồi 30% các khoản chi phí hỗ trợ để bổ sung vào Quỹ phát triển thôn Thèn Pả. Đặc biệt, về giải pháp đầu ra cho sản phẩm, Phó Chủ tịch UBND xã Lũng Cú, Vàng Dỉ Xoáng cho biết: Xã chủ trương mở hội nghị khách hàng, tiến hành ký kết với doanh nghiệp, hợp tác xã bao tiêu sản phẩm, tạo chuỗi giá trị bền vững từ nơi SX đến người tiêu dùng. Đồng thời, có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, các nhà hàng, khách sạn thu mua sản phẩm, đảm bảo đầu ra ổn định cho nông dân. Mặt khác, quảng bá, giới thiệu địa điểm DL, giúp người dân tăng thu nhập từ nhu cầu tham quan, quay phim, chụp ảnh của du khách.
Theo tính toán của ngành chuyên môn, khi phương án chuyển đổi CCCT tại xã Lũng Cú thành công sẽ tạo hiệu ứng tích cực. 42 hộ dân (trong đó có 35 hộ nghèo, cận nghèo) từng bước thay đổi tập quán canh tác để tăng giá trị SX/đơn vị diện tích đất canh tác. Bởi lợi nhuận từ 8,5 ha đất SX, sau khi trừ chi phí tăng từ 174 triệu đồng/2 vụ/năm lên 210 triệu đồng/3 vụ/năm. Không những vậy, phương án trên còn góp phần tạo việc làm tại chỗ cho lao động địa phương để hạn chế tình trạng lao động vượt biên trái pháp luật sang Trung Quốc làm thuê. Đồng thời, tạo cảnh quan ấn tượng với du khách khi đến Lũng Cú – điểm tột Bắc thiêng liêng của Tổ quốc.
THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc