Quang Bình đẩy mạnh khai thác tiềm năng thế mạnh để phát triển du lịch
BHG- Nằm dọc theo tuyến Quốc lộ 279, huyện Quang Bình nối liền với các điểm du lịch nổi tiếng như Bảo Yên, Bắc Hà, Sa Pa của tỉnh Lào Cai; khu du lịch Panhou của huyện Hoàng Su Phì và các làng du lịch cộng đồng của huyện Bắc Quang và huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Đồng thời, nơi đây vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống dân gian đặc sắc của các dân tộc như: Tày, Dao, Pà Thẻn.... và nhiều nét sinh hoạt văn hóa truyền thống như lễ Cấp sắc của dân tộc Dao, lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn và lễ hội Lồng tồng của dân tộc Tày... đã làm nên sức hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Du khách chiêm ngưỡng cảnh đẹp trên lòng hồ Thủy điện Sông Chừng. |
Đến với Quang Bình chắc hẳn nét hấp dẫn nhất đối với du khách đó là lễ hội Nhảy lửa và lễ Kéo chày của dân tộc Pà thẻn, thuộc thôn My Bắc, xã Tân Bắc, những lễ hội mang sắc thái tâm linh và huyền bí. Lễ hội Nhảy lửa thường diễn ra vào ngày 16.10 âm lịch hàng năm đến 15.1 âm lịch năm sau, đây là thời điểm nông nhàn, ít việc nhà nông. Trong đời sống tinh thần, người Pà Thẻn luôn có quan niệm xung quanh họ luôn có các vị thần linh che chở, đùm bọc, giúp đỡ để họ vượt qua nguy hiểm, hoạn nạn để có cuộc sống bình yên, hạnh phúc. Dân tộc Pà Thẻn coi vị thần tối cao nhất là Thần lửa và ngọn lửa mang lại sự may mắn cho họ... Cũng nhờ nét đẹp đầy huyền bí của Lễ hội, năm 2013, lễ hội Nhảy lửa của người dân tộc Pà Thẻn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là “Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia”, đây là niềm vinh dự, tự hào của dân tộc Pà Thẻn xã Tân Bắc nói riêng và các dân tộc huyện Quang Bình nói chung.
Bên cạnh đó, huyện Quang Bình cũng chú trọng phát triển các làng văn hóa du lịch cộng đồng tại thôn My Bắc xã Tân Bắc với những nét văn hóa độc đáo của dân tộc Pà Thẻn; thôn Chì, thôn Chang, xã Xuân Giang với những nét truyền thống văn hóa lâu đời của người Tày. Với vẻ đẹp của con người, thiên nhiên nơi đây vô cùng độc đáo, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ, bình dị của những vùng quê yên bình, mà điều hấp dẫn du khách hơn là được nghỉ tại nhà dân, tham gia sinh hoạt cùng dân, trải nghiệm những nét thú vị trong phong tục, tập quán của người dân ... Ngoài việc coi trọng bảo tồn và phát huy những nét truyền thồng văn hóa đặc trưng, đến nay, các làng văn hóa đã và đang khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống, góp phần tạo ra những sản phẩm thổ cẩm sặc sỡ sắc màu với họa tiết, hoa văn đa dạng trên trang phục nên loại hình du lịch này đã được đông đảo các du khách trong và ngoài nước biết đến. Chỉ tính riêng quý I.2016, các làng văn hóa du lịch cộng đồng đã đón 1.614 lượt khách du lịch đến tham quan và tìm hiểu...
Cùng với đó, đến với Quang Bình, du khách sẽ được tìm hiểu về lễ hội đua thuyền, thăm thú cảnh vật trên lòng hồ Thủy điện sông Chừng. Sau khi dòng sông Chừng được ngăn đập làm thủy điện đã tạo nên một vùng lòng hồ rộng lớn với trên 225 ha mặt nước, trải dài gần 15 km thuộc địa phận thị trấn Yên Bình, xã Tiên Nguyên và xã Tân Nam. Việc ngăn dòng đắp đập thủy điện đã tạo cho nơi đây một vùng lòng hồ có cảnh quan rộng lớn, bao quanh bởi màu xanh của núi rừng, thấp thoáng những thửa ruộng bậc thang và xa xa là những ngôi nhà sàn truyền thống của cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Pà Thẻn, Phù Lá.... đã tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình độc đáo. Để khai thác những tiềm năng, thế mạnh của vùng, huyện Quang Bình đã đưa môn thể thao đua thuyền miền sơn cước thành lễ hội truyền thống đặc sắc hàng năm của huyện. Đặc biệt, tại đây còn có ngôi Đình Bản Chún nằm ở chân núi Pá Thàng, thuộc Bản Chún, thôn Nà Mèo, xã Tân Nam, cửa đình quay hướng Tây Nam, nhìn ra ngã ba hợp lưu của suối Nặm Thàng, suối Nặm Luông và dòng Sông Chừng. Đình Bản Chún được xây dựng cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, có ý nghĩa trong đời sống tâm linh của bà con nơi đây, họ coi những thần được thờ và hai ông Đỗ Bật, Đỗ Lượng luôn che chở và phù hộ cho bà con dân bản, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, người người mạnh khỏe hạnh phúc...Năm 2014, huyện Quang Bình vinh dự đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh cho danh thắng Đình Bản Chún, thôn Nà Mèo xã Tân Nam; Danh lam thắng cảnh Hồ thủy điện sông Chừng. Hiện nay, khu danh thắng hồ Thủy điện Sông Chừng đã được huyện phê duyệt quy hoạch tổng thể để phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với phát triển du lịch sinh thái, tín ngưỡng, tâm linh...
Để khai thác hiệu quả những tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch, những năm qua, huyện đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Giai đoạn 2015 – 2020, phát triển dịch vụ du lịch là một chương trình trọng điểm của huyện Quang Bình trong phát triển kinh tế, xã hội. Theo đó, huyện sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng những sản phẩm dịch vụ, du lịch hấp dẫn đặc trưng trên cơ sở thế mạnh tài nguyên du lịch của huyện dựa trên sự phát huy nội lực, sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế phù hợp với chiến lược phát triển KT - XH của địa phương. Đồng thời, phát triển du lịch gắn với việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc theo hướng bền vững, tập trung phát triển các loại hình du lịch như phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch văn hóa tâm linh...
Hiến Chương
Ý kiến bạn đọc