Đường Hạnh Phúc, con đường dẫn đến "trái tim" của đá
BHG- Trên trái đất, chỗ nào có những bước chân con người, chỗ đó có đường. Con đường trở nên bình dị, nó là sản phẩm của một quá trình phát triển của xã hội. Nhưng, ở Cao nguyên đá Đồng Văn (CNĐĐV), con đường lại trở thành một di sản, di sản của quá trình chinh phục đá bằng tinh thần đoàn kết, bằng ý chí của con người. Để từ đó, tạo ra một con đường dẫn đến “trái tim” của đá – đường Hạnh Phúc trên CNĐĐV.
Đường Hạnh Phúc “vắt” qua Mã Pì Lèng, nơi cho ta một cảm nhận như được chạm vào “trái tim” của đá. |
Từ những giá trị đó, theo đồng chí Ma Ngọc Giang, Phó trưởng Ban Quản lí Công viên Địa chất toàn cầu - CNĐĐV, cho biết: Hiện đã có đề xuất về một đề án nghiên cứu xúc tiến đầu tư Tour du lịch “Con đường Hạnh Phúc - đường đến với trái tim của Đá”, nhằm xây dựng và lan tỏa thương hiệu cho du lịch Hà Giang.
Theo đồng chí Ma Ngọc Giang, việc đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch thương hiệu cho du lịch Hà Giang là nhiệm vụ vô cùng cấp thiết để tạo ra năng lực cạnh tranh và đột phá phát triển cho KT - XH của một Tỉnh nghèo nhất nước. Trên cơ sở đó, thời gian qua chúng ta đã triển khai đề tài nghiên cứu khoa học về “Nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch đặc thù từ đá tại Công viên Địa chất toàn cầu – CNĐĐV”. Đồng thời, có biên bản về hợp tác xúc tiến đầu tư Tour du lịch “Con đường Hạnh Phúc - đường đến với trái tim của Đá” được ký kết tại hội thảo do tỉnh ta tổ chức ngày 16.3.2016 tại Hà Nội bởi 14 đại diện liên quan đến từ các cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp. Qua đó, cho thấy sự quan tâm của tỉnh, của nhiều cơ quan, doanh nghiệp đến vấn đề này.
Còn nhớ, năm 2015 tỉnh ta và Ban chỉ đạo Tây Bắc tổ chức sự kiện kỷ niệm 50 năm, ngày hoàn thành con đường Hạnh Phúc (1965 – 2015) nhằm tôn vinh, ghi công những công lao đóng góp của thanh niên xung phong nhiều tỉnh và nhân dân dân các dân tộc tỉnh ta. 50 năm là một chặng đường lịch sử, nó đã rút ngắn được những năm tháng vất vả của đồng bào các dân tộc vùng CNĐĐV để vươn lên đến một giai đoạn với cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn. Việc tổ chức ghi công nhân dịp 50 năm hoàn thành con đường cho thấy, chúng ta đã nhìn nhận thấy rõ giá trị lịch sử, giá trị hiện tại của con đường mang tên Hạnh Phúc.
Với hơn 150 km, kéo dài qua 4 huyện vùng CNĐĐV gồm: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc, như lời của kiến trúc sư trưởng con đường, cố Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Di tâm sự, đó là đường đi trên nền đá, đường đi trong dân, vì thế nó vững chắc muôn đời. Quả đúng vậy, con đường Hạnh Phúc với hơn 5 năm “đánh nhau” với đá đã xuyên đến tất cả địa bàn của các dân tộc sống trên vùng CNĐĐV. Nó là ngọn nguồn, tạo nên huyết mạch giao thông chính hướng về các xã, các thôn, bản. Để từ đó, nó đồng thời sâu chuỗi tất cả những giá trị văn hóa, xã hội, tự nhiên, các sắc màu của Cao nguyên trong một tổng thể, bám quanh chục đường Hạnh Phúc. Hay nói cách khác rằng, việc mở đường Hạnh Phúc cùng với việc mang đến sự đổi thay của đời sống xã hội CNĐĐV, vô hình chung nó đã tạo ra cơ hội, giúp người ta (du khách) chạm đến toàn bộ giá trị đời sống văn hóa, tự nhiên trên vùng đá này. Từ con đường Hạnh Phúc, ta mới có thể nếm trải được những cung bậc của CNĐĐV. Hãy đi và cảm nhận từ đầu đến cuối đường Hạnh Phúc, nó như một bản nhạc trầm hùng vậy. Bắt đầu cất lên từ thành phố Hà Giang mềm mại như nhịp slow, đến dốc Bắc Xum gió thổi dần lên độ cao ù tai bởi áp suất, rồi đến đoạn Cổng trời Quản Bạ, nhìn xuống là Núi Cô Tiên bồng bềnh giữa những thửa ruộng và thị trấn Tam Sơn tươi mát. Dốc 9 khoanh như một đoạn vút cao cảm xúc, như để đưa người ta chạm vào một vùng đất đậm bản sắc văn hóa “xuống chợ”. Mã Pí Lèng, bản hùng ca 11 tháng dòng được các “nhạc sỹ” thanh niên xung phong và đồng bào các dân tộc Hà Giang tạc vào bản trường ca Hạnh Phúc bất hủ, oai hùng...
Từ đường Hạnh Phúc ở quá khứ, bước đến hiện tại, lần lượt các “đặc sản” của CNĐĐV được các nhà khoa học đến các “phượt thủ” tìm ra. Nào là các hóa thạch với nhiều loài ở nhiều điểm, đến các dấu tích kiến tạo triệu năm của trái đất và đặc biệt là các đặc sản mà chúng tôi thường gọi là “tai, mắt, mồm, tay” như các phiên chợ đặc trưng sắc màu, mật ong Bạc hà ngọt lịm, các lễ hội “độc, lạ” như đua cá, vỗ Mông..., dường như chỉ có ở CNĐĐV. Đặc biệt là các loài hoa trên CNĐĐV, và hoa Tam giác mạch đầy duyên sắc giữa CNĐĐV thì miễn phải bàn rồi.
Đường Hạnh Phúc đưa chúng ta chạm đến cuộc sống bình dị, đặc quánh những giá trị văn hóa của hơn chục dân tộc sinh sống nơi đây. Nếu không có đường Hạnh Phúc, người ta sẽ nghĩ một suy nghĩ giản đơn là CNĐĐV toàn đá. Nhưng đi trên đường Hạnh Phúc, người ta sẽ được thấy một sức sống thật mạnh mẽ trên đá. Nơi đây người ta vất vả nuôi bò “trên lưng”, để rồi, con bò góp sức cùng người cày cấy, tạo nên một mùa mùa tươi tốt trên đá, tạo ra những mùa ngô xanh trên đá bất tận. Nước từ đá chảy ra tinh túy để tạo nên chất men gọi là rượu ngô, một thứ làm cho chân cứng, đá mềm và tâm hồn người bay bổng giữa Cao nguyên lộng... đá. Khi hòa mình vào dòng chảy cuộc sống trên CNĐĐV rồi, đó chính là lúc có thể nói, đường Hạnh Phúc đã đưa ta chạm vào “trái tim” của đá.
HUY TOÁN
Ý kiến bạn đọc