Về nơi học sinh quanh năm "đội sương" đến trường
BHG- Không có điện thắp sáng, nguồn nước sinh hoạt hạn chế, đường đi lại cực kỳ khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn... nhất là giá rét và sương mù phủ luôn kín quanh năm. Đó là những chi tiết dùng để miêu tả điểm trường Thào Chư Ván – một điểm trường ở thôn biên giới, khó khăn và heo hút nhất của xã Pà Vầy Sủ (Xín Mần).
Đến Pà Vầy Sủ vào thời điểm này, khi những làn gió mang theo cái buốt giá của mùa Đông phủ kín khắp núi rừng. Sau 2 tiếng đồng hồ đi bộ vượt qua mấy ngọn núi, chúng tôi mới đến được thôn Thào Chu Ván. Điểm trường Thào Chu Ván nằm trên đỉnh núi, bao phủ bởi sương mù trắng xóa. Tiếng giáo viên giảng bài và tiếng học sinh đọc bài âm vang từ trong lớp học làm chúng tôi như có thêm động lực, quên đi mệt mỏi và cái rét buốt của buổi sáng mùa Đông. Thấy chúng tôi đến vừa mệt, mồ hôi nhễ nhại trong gió rét vì đi bộ, thầy giáo Hoàng Văn Hữu mỉm cười nói: Ở đây đi bộ leo núi lên lớp là chuyện thường ngày.
Điểm trường Thào Chư Ván chìm trong sương mù. |
Không quá để khẳng định điểm trường Thào Chu Ván là điểm trường khó khăn nhất của Pà Vầy Sủ, điểm trường là một ngôi nhà trình tường được làm từ rất lâu rồi. Phía trên mái lợp bằng Pro - xi măng, xem ra đã bị hỏng nhiều chỗ và xuống cấp nghiêm trọng. Thầy Hữu cho biết thêm: Vào mùa khô thì vẫn còn đỡ, nhưng vào mùa mưa thì lớp học bị dột nhiều chỗ, phải dồn học sinh vào 1 góc để dạy học cho khỏi ướt.
Nằm ở trên đỉnh núi cao hơn 2.000m so với mực nước biển, Thào Chư Ván có khí hậu khắc nghiệt, sương mù dường như bao phủ quanh năm. Càng vào mùa Đông thì nhiệt độ càng hạ thấp xuống, thấp hơn so với những nơi khác. Thôn Thào Chư Ván có 26 hộ dân, hầu hết là hộ nghèo và cận nghèo, 100% là người Mông. Đời sống khó khăn, vào mùa Đông món ăn chủ yếu của người dân chỉ là món mèn mén quen thuộc. Nhìn những đôi môi săn lại, những đôi chân trần tê tái vì gió rét nhưng vẫn say sưa nghe thầy giáo giảng bài càng làm cho chúng tôi không nén được xúc động. Thầy Hữu nói: Lên đây công tác được một thời gian dài, quen làm bạn với sương mù và giá buốt rồi. Nhiều lúc đang viết bài trên bảng thì sương mù ùa vào lớp học làm mờ chữ lại phải viết lại để dạy tiếp. Nhìn các em học sinh, chân đất đi học, áo không đủ ấm cũng thương lắm. Ở đây rét lắm, nên thầy cô giáo đành phải kê 2 hòn đá để làm bếp sưởi ấm cho học sinh.
Một góc lớp học trình tường của điểm trường. |
Nói về khó khăn điểm trường Thào Chư Ván, có lẽ người cảm nhận rõ nhất là cô giáo Vàng Thị Mai. Với 4 năm công tác ở điểm trường, cô hiểu được tất cả những khó khăn ấy. Thiếu thốn đủ bề, từ cơ sở vật chất đến thiết bị dạy học và cả điều kiện sinh hoạt ở đây. Cô Mai kể: Nhà thì ở xa, đi dạy học phải đi bộ, điểm trường lại không kiên cố nên phải nghỉ nhờ nhà của đồng chí Công an viên trong thôn. Từ chỗ không biết tiếng Mông, cô trở thành “cô giáo bản Mông” từ lúc nào không biết – cô giáo Mai mỉm cười. Dẫu gặp nhiều khó khăn nhưng điểm trường vẫn duy trì được sỉ số, thời gian dạy và học theo đúng quy định. Hiện tại, điểm trường Thào Chư Ván có tất cả 20 học sinh bao gồm: 1 lớp Mầm non và 1 lớp nhập (lớp 1 + lớp 2).
Tạm rời xa điểm trường Thào Chư Ván trong buổi chiều sương mờ, tiếng đọc bài của các em học sinh vẫn vang vọng khắp núi rừng như xé tan màn sương mù bao phủ, xóa tan đi cái khó khăn, vất vả của người dân nơi đây. Câu nói của các thầy cô giáo bám bản Mông vẫn in đậm trong tâm tư của chúng tôi như một lời nhắn nhủ: “Một đôi dép, một chiếc áo ấm, một điểm trường kiên cố là một niềm mơ ước, niềm hạnh phúc, ấm áp của các em học sinh ở đây”. Mong rằng, qua lời tâm sự chân thành đó, các cấp, các ngành, tổ chức xã hội, nhà hảo tâm sẽ chia sẻ bớt phần nào những khó khăn của thầy cô giáo và học sinh ở điểm trường biên cương Thào Chư Ván.
Bài, ảnh: Văn Long
Ý kiến bạn đọc