Khảo sát việc thực hiện chính sách pháp luật về tổ chức hoạt động trong lĩnh vực dạy nghề và GDTX
BHG- Chiều 25.12, Đoàn đại biểu Quốc hội khoá XIII của tỉnh đã có buổi làm việc với UBND tỉnh và các Sở, ban, ngành, hội đoàn thể, các Trường chuyên nghiệp, dạy nghề của tỉnh về quá trình khảo sát việc thực hiện chính sách pháp luật về tổ chức và hoạt động trong lĩnh vực dạy nghề và giáo dục thường xuyên (GDTX). Đồng chí Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khoá XIII đơn vị tỉnh Hà Giang dự và chỉ đạo Hội nghị. Dự hội nghị có đồng chí Trần Đức Quý, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Đồng chí Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khoá XIII đơn vị tỉnh Hà Giang kết luật Hội nghị. |
Trong giai đoạn 2011 – 2015, đã có 87.245 lao động trên địa bàn tỉnh được tuyển sinh và đào tạo nghề với một số chương trình đào tạo như: Kỹ thuật sửa chữa máy nông nghiệp; trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế và bảo quản chè sau thu hoạch; kỹ thuật xây dựng dân dụng; trồng rau an toàn; đan lát thủ công; thêu vải thổ cẩm; kỹ thuật cắt may cho người khuyết tật; trồng cây dược liệu. Mạng lưới cơ sở dạy nghề tăng từ 15 lên 18 cơ sở; đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên dạy nghề tăng từ 240 lên 428 người; tỷ lệ lao động được đào tạo được ngày một nâng cao, từ 24,5% năm 2010 lên 37,1% năm 2015… Tổng kinh phí đào tạo huy động từ các nguồn là trên 243 tỷ đồng. Qua đó, đã có trên 62.790 người sau đào tạo nghề có việc làm mới và làm thêm tại chỗ, đạt 71,9% so với số người được đào tạo nghề; các Trung tâm GDTX có tỷ lệ chuyển lớp đạt trên 99%, tỷ lệ học viên tốt nghiệp bổ túc văn hoá lớp 12 đạt 79,93% trở lên; số học sinh yếu kém giảm theo từng năm và tích cực liên kết với các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Tại buổi làm việc, qua quá trình kiểm tra, khảo sát thực tế tại các cơ sở dạy nghề, các đại biểu đã chỉ ra một số bất cập như: Cơ sở vật chất trang thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu giảng dạy; biên chế giáo viên thiếu; việc liên kết với các doanh nghiệp sau đào tạo còn yếu; nghề may mặc, nghề rất cần thiết nhưng đang thiếu; một số ngành nghề đạo được đầu tư trang thiết bị đắt tiền nhưng số học viên theo học ít; chưa có các lớp học nghề về kinh doanh quản lý khách sạn, du lịch trong khi lĩnh vực này đang ngày càng phát triển; chưa quy định mã đào tạo về một số nghề đang đào tạo; số lượng học viên có việc làm ổn định sau đào tạo chưa cao; kinh phí hỗ trợ đối với các học viên đào tạo nghề hiện tại còn thấp…
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý đồng tình với những ý kiến về những khó khăn, tồn tại trong công tác dạy nghề. Qua đó, đồng chí yêu cầu: Trước hết, các ngành cần quan tâm hơn đến các lĩnh vực liên quan đến công tác dạy nghề. Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề và Trung tâp GDTX của tỉnh cần linh hoạt trong công tác đào tạo, liên kết giải quyết việc làm…
Kết luận Hội nghị, đồng chí Thào Hồng Sơn Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khoá XIII đơn vị tỉnh Hà Giang đánh giá cao kết quả trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động trong 5 năm qua. Đồng thời đồng tình với những khó khăn, tồn tại trong công tác này mà các đại biểu đã đưa ra. Vì vậy đồng chí đề nghị: Đối với văn phòng đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, tổng hợp tất cả các số liệu qua các báo cáo. Nếu còn thiếu số liệu nào thì xin ý kiến các ngành và các đơn vị dạy nghề. Trên cơ sở đó, báo cáo BTV để xây dựng Đề án sát nhập các Trung tâm GDTX và Trung tâm đào tạo nghề; đánh giá lại toàn bộ hiện trạng cơ sở vật chất của các trường dạy nghề; trong khi chờ đợi Đề án sát nhập, các đơn vị dạy nghề cần quan tâm đến chất lượng và liên kết đào tạo…
Tin, ảnh: Duy Tuấn
Ý kiến bạn đọc