Viết tiếp "Ước mơ xanh" trên đỉnh núi Gia Long
BHG - Ngược lên phía Bắc của huyện Xín Mần, dọc theo con đường uốn quanh trên sườn núi Gia Long đến với xã vùng biên Nàn Sỉn. Không giống như những nơi khác, ở nơi giao thoa giữa trời và đất này, người dân vẫn quen làm bạn với gió lạnh và sương mù giăng kín, đối diện với nhiều khó khăn trong cuộc sống. Dẫu vậy, nhiều năm qua, các thầy, cô giáo vẫn hàng ngày bám trụ ở các điểm trường, miệt mài “gieo chữ”, ươm mầm cho những “ước mơ xanh” trên mảnh đất biên cương...
Gian nan “gieo chữ” nơi biên ải...
Đến với xã Nàn Xỉn trong một buổi sáng đẹp trời, ánh nắng cuối Thu đang tỏa rực rỡ trên đỉnh núi. Chiếc xe máy lăn bánh trên con đường dài hơn 50 km từ trung tâm huyện Xín Mần vào trung tâm xã, tiếp tục vượt qua đoạn đường dài hơn 3 km từ trung tâm xã uốn quanh vách núi để đến với điểm trường Xà Chải; một điểm trường khó khăn của xã Nàn Sỉn. Con đường đất đỏ, trơn trượt chỉ có một “làn đường” vừa vặn cho một chiếc xe máy đi. Dường như chỉ nghiêng người, lệch bánh xe là sẽ gặp nguy hiểm. Đến đây mới hiểu hết được gian nan, vất vả của giáo viên tại điểm trường. Thấy chúng tôi, cả xe lẫn người đều nhuộm một màu đất đỏ; thầy giáo Phùng Văn Nguyện, giáo viên dạy nhạc ở điểm trường Xà Chải cho biết: Con đường này, ngày nắng thì còn đi được, còn ngày mưa thì rất khó đi. Nhiều hôm trời mưa, không đi xe được, giáo viên ở điểm trường phải đi bộ để đến lớp. Đường xá đi lại khó khăn, giao thông cách trở, khí hậu khắc nghiệt là thế; nhưng chưa một ngày nào, giáo viên ở đây bỏ trường, bỏ lớp cũng như những cây Tống Quán Sủ trên ngọn núi Gia Long vẫn xanh tươi bám trụ nơi vùng đất biên giới.
Thầy giáo Hoàng Văn Sang miệt mài truyền đạt kiến thức cho các em học sinh lớp 3, điểm trường Xà Chải. |
Cô giáo Vũ Thị Hiệp (sinh 1989) chia sẻ: Những ngày đầu tiên lên điểm trường Xà Chải công tác gặp rất nhiều khó khăn, từ cơ sở vật chất ở điểm trường còn thiếu thốn, đường đi lại cực kỳ khó khăn, học sinh nhà xa nên thường xuyên bỏ học nhất là vào mùa làm nương và những ngày mưa gió; nên càng vất vả hơn trong việc vận động học sinh đến trường. Cô giáo Hiệp nhớ lại về một lần đi vận động em Lùng A Nú (người dân tộc La Chí) ở thôn Đông Chè (Nàn Sỉn) quay lại trường: Vì lo lắng học sinh Nú phải ở nhà làm nương mà quên “cái chữ”. Tuy nhiên, khoảng cách từ trường đến thôn Đông Chè xa gần 10 km, không có đường đi xe máy nên các cô phải đi bộ băng qua núi mất 2 giờ đồng hồ mới đến nơi lúc ấy đã hơn 20h đêm. Sau 1 tiếng làm công tác tư tưởng, vận động phụ huynh và học sinh; cuối cùng, em Nú đã chấp nhận quay lại trường học. Cô Hiệp nói thêm: Lúc ấy đã hơn 21h đêm nhưng khi vận động được học sinh Nú thì trong lòng ai nấy đều cảm thấy rất vui, quên hết mệt mỏi.
Người “lái đò” thầm lặng trên đỉnh núi
Thôn Xà Chải có 107 hộ dân, đa số là hộ nghèo và cận nghèo; đồng bào dân tộc Nùng ở đây chủ yếu trồng ngô, lúa. Điểm trường Xà Chải nằm ở lưng chừng núi, được dựng lên bằng những mảnh gỗ và mái lợp Pro – xi măng đã lâu; với 5 phòng “gánh” 2 cấp học Mầm non và Tiểu học với tổng số học sinh hơn 100 em. Điểm trường có tất cả 8 giáo viên, trong đó, đa số là giáo viên nữ (6 người) và 2 thầy giáo. Tất cả đều ở nơi khác lên, có người thì ở các xã phía Nam của huyện: Khuôn Lùng, Nà Chì; cũng có giáo viên ở miền xuôi: Thanh Hóa, Ninh Bình, Phú Thọ lên điểm trường xa xôi công tác; mỗi năm chỉ về thăm gia đình được 1 – 2 lần. Có giáo viên công tác đã được 7 – 10 năm, cũng có cô giáo trẻ mới 2 – 3 năm trong nghề. Mỗi người mỗi quê, mỗi cảnh sống khác nhau, nhưng tất cả như những người “lái đò” thầm lặng ở mảnh đất biên giới này.
Ở điểm trường Xà Chải, thầy giáo Hoàng Văn Sang là người có thâm niên trong nghề lâu nhất tại vùng biên. Thầy Sang chia sẻ: Một năm, hai năm “bén duyên” với giáo dục vùng biên từ xã Pà Vầy Sủ rồi Nàn Sỉn, đến giờ đã hơn 11 năm công tác với sự nghiệp trồng người nhưng vẫn còn nhiều trăn trở. Ngoài thiếu thốn về cơ sở vật chất, giao thông... nhưng khó khăn nhất khi mới lên điểm trường là sự giao tiếp với người dân và học sinh. Điều đó ảnh hưởng đến công tác giảng dạy và công tác vận động học sinh đến trường. Tuy nhiên, bằng sự nhiệt huyết, yêu nghề, yêu trẻ, thầy và trò đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Đến nay, điểm trường Xà Chải luôn đảm bảo được sĩ số học sinh, các em bậc Tiểu học tất cả đều biết đọc, biết viết. Trải qua những khó khăn thì tình cảm thầy - trò càng trở nên gắn bó. Sáng nay đến lớp, nghe học sinh bảo ngày mai là 20/11 rồi, chúng em sẽ hát tặng cô bài hát “Bông hồng tặng cô”... lúc ấy lòng như nghẹn lại, cô giáo Hoàng Thị Phường chia sẻ.
Xa điểm trường Xà Chải trong cái gió se lạnh chớm Đông, hình ảnh người giáo viên trẻ cần mẫn, nắn nón từng nét chữ cho các em nhỏ, tiếng hát của các em học sinh cất lên từ trong phòng học vẫn âm vang giữa đại ngàn rồi tan vào không gian, làm tôi thêm cảm phục hơn về cái “tâm” của người thầy, người cô. Trong ánh nắng vàng trải dài trên ngọn cây Tống Quán Sủ, câu nói của Chủ tịch UBND xã Nàn Sỉn, Lý Quốc Hưng như những “Bông hồng” mà học sinh và bậc phụ huynh tri ân đến các thầy, cô giáo ở các điểm trường nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 - những người đã hy sinh tuổi thanh xuân vì sự phát triển giáo dục vùng biên: Mỗi thầy, cô giáo là những “Đóa hoa” và mỗi con chữ như một tia nắng thắp sáng những “ước mơ xanh” cho trẻ em vùng biên giới.
Bài, ảnh: Văn Long
Ý kiến bạn đọc